Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Dù những ngày lịch sử ấy trôi qua đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ những gì xảy ra trong cuộc chính biến. Lúc đó tôi đang là sinh viên khoa tiếng Anh trường đại học tổng hợp Matxcơva.
Sáng hôm ấy, thứ Hai ngày 19 tháng 8 năm 1991, mọi người xôn xao khi hãng TASS thông báo phó tổng thống Gennady Yanaev giữ chức tổng thống thay cho M.Gorbachov đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Thông báo này đưa ra một ngày trước khi các nước cộng hòa xô viết dự định ký Hiệp ước liên bang mới, ủy thác quyền của chính phủ trung ương cho các nước cộng hòa.
– Vô lý! Mẹ tôi bức xúc. Mới hôm qua, hôm kia ông Gorbachov trên truyền hình trông còn khỏe mạnh cơ mà. Chỉ là bịa đặt. Đây hẳn là một cuộc đảo chính.
– Thì đã sao nào. Bố tôi, một cán bộ về hưu, nói với giọng hể hả. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Phải cứu lấy Liên Bang Xô Viết.
– Thì với Gorbachov Liên Xô vẫn tồn tại đấy thôi. Mẹ tôi cãi. Chẳng phải mọi thứ đang tốt đẹp hay sao!
– Bà chỉ là đàn bà ngu ngốc. Tôi chẳng thấy gì tốt đẹp cả. Mọi thứ đang xám xịt.
– Thì tôi ngu ngốc nên ngày xưa mới lấy ông! Mẹ tôi cũng chẳng vừa. Bà là giảng viên khoa lịch sử tại trường tôi đang theo học.
– Bố mẹ cãi nhau làm gì. Tôi cười, xen vào. Cứ lắng nghe tình hình thế nào đã.
Một tiếng sau hãng TASS loan báo một tình trạng khẩn cấp được áp đặt tại một số khu vực của Liên Xô trong vòng sáu tháng. TASS nói toàn bộ quyền lực trong nước đã được chuyển giao cho một ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Ủy ban này gồm có 8 người.
Sau đó độ hai tiếng, qua đài Châu Âu Tự Do, mọi người được biết người phát ngôn của quốc hội Liên Bang Nga cho rằng đây là một cuộc đảo chính.
– Tôi nói có sai đâu. Mẹ tôi bảo. Đây là một cuộc đảo chính của những kẻ bảo thủ. Gorbachov đang đưa đất nước theo con đường đúng đắn cần phải theo. Liệu có thể chấp nhận một quốc gia luôn cho mình là cường quốc hạt nhân, cường quốc không gian nhưng ngay một cái tivi cũng không làm ra hồn. Cái tivi của Nhật bấm một cái là lên hình ngay, còn tivi của Liên Xô phải chờ 15 phút!
– Bà nói quá. Bố tôi ngắt lời. Làm gì tới 15 phút. Chỉ 12 phút thôi.
– Ông rõ lẩm cẩm. Mẹ tôi nguýt . 12 phút với 15 phút khác nhau chỗ nào. Mà đâu chỉ cái tivi. Còn bao điều khác nữa. Tôi lúc nào cũng ủng hộ công cuộc đổi mới của Gorbachov. Điều quan trọng là người dân đã được hít thở bầu không khí dân chủ mà Gorbachov mang lại từ khi lên cầm quyền tới nay. Ông ta thực là một lãnh tụ vĩ đại.
– Vĩ đại cái con khỉ. Bố tôi cười ồ lên, lắc đầu nguầy nguậy. Cái dân chủ mà bà đang nói chỉ là cái dân chủ học đòi phương Tây. Dân chủ kiểu ấy chỉ đưa quốc gia vào hỗn loạn.
– Với cách nhìn thủ cựu của ông thì là hỗn loạn nhưng với tôi thì không. Mọi thứ đang rất trật tự đấy thôi.
Cứ thế bố mẹ tôi chẳng ai chịu ai. Lúc này chúng tôi được tin một đoàn xe bọc thép đang tiến về trung tâm Matxcơva dù quảng trường Đỏ vẫn yên tĩnh.
Lúc gần 12 giờ trưa, sắc lệnh đầu tiên của “Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô” nói ủy ban sẽ kiểm soát báo chí, cấm biểu tình và sẽ ban hành lệnh giới nghiêm ở nơi ủy ban vấp phải sự chống cự. Cùng lúc ấy Boris Yeltsin lên án việc phế truất Gorbachov và kêu gọi toàn dân tiến hành một cuộc tổng bãi công.
Nhiều người chứng kiến nói rằng khoảng 12 xe tăng đã tập trung trước cửa nhà quốc hội Nga nơi được xem là “Tổng hành dinh” của Boris Yeltsin và chính phủ Nga ở Matxcơva. Quân đội cũng đang bao vây các văn phòng của hãng TASS, báo Moscow News và một số báo khác.Hàng ngàn người dân đủ mọi tầng lớp đang có mặt bên ngoài tòa nhà quốc hội đáp lại lời kêu gọi của Yeltsin. Họ đã dựng nhiều chướng ngại vật trên những đường phố dẫn đến nhà quốc hội Nga.
Trong khi tôi đang ôm đàn accordeon chơi vài bản nhạc cho bớt căng thẳng thì có mấy người bạn học tới gọi tôi gia nhập đoàn người biểu tình trước nhà Quốc hội
– Cho mẹ đi cùng với. Mẹ tôi hăng hái. Phải đi để bảo vệ Yeltsin. Phải đi để bảo vệ nền dân chủ.
– Bà đi làm gì. Bố tôi gắt.Bà không sợ ăn đạn sao. Bà quên vụ Thiên An Môn rồi ư?
– Tôi không sợ. Mẹ tôi cứng cỏi. Quân đội là từ nhân dân mà ra. Tôi không tin quân đội sẽ bắn vào nhân dân. Liên xô không phải là Trung quốc.
Thế rồi chúng tôi nhanh chóng bước ra đường. Trời lúc này vào thu, khí trời khá lạnh nhưng chúng tôi ai nấy đều rạo rực một bầu máu nóng. Chúng tôi bước đi với tinh thần đầy phấn chấn, không ngại hiểm nguy.
– Bố yêu mẹ nên lo cho mẹ đấy thôi. Tôi cười bảo mẹ. Mẹ tôi cũng cười, siết chặt tay tôi. Những con đường chúng tôi đi qua, người dân cũng lũ lượt kéo về trung tâm thủ đô. Nhiều người cầm theo gậy gộc và hung khí. Khi chúng tôi đến tòa nhà Quốc hội Nga thì đã thấy ở đấy rất đông người đang tụ tập. Phải đến hàng chục ngàn. Tất cả đều quyết tâm ngăn không cho quân đội xông vào tòa nhà quốc hội.
Lúc 5 giờ chiều, mọi người được tin ông Yeltsin nói rằng Gorbachov đang bị quản thúc ở Krưm. Yeltsin ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội và KGB dính líu vào vụ phế truất Gorbachov phải rút lui và tuyên bố ông ta đang nắm quyền kiếm soát lãnh thổ cộng hòa Liên bang Nga.
Cùng lúc ấy, người đứng đầu phe đảo chính là Gennady Yanaev ban hành tình trạng khẩn cấp ở Matxcơva. Một tình trạng khẩn cấp cũng được tuyên bố ở Leningrad. Tại một cuộc họp báo được chiếu trên truyền hình, Yanaev cam kết rằng ủy ban do ông ta đứng đầu vẫn sẽ duy trì những cải cách thị trường và dân chủ hóa. Có vẻ chẵng mấy ai tin vào lời cam kết này.
Trong khi đó các thợ mỏ toàn Cộng hòa Liên bang Nga đã bắt đầu xuống đường theo lời kêu gọi tổng bãi công của Boris Yeltsin. Lúc này Yeltsin thực sự là vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua sóng gió.
Mẹ tôi chỉ đứng cùng đám đông được vài tiếng thì thấy mệt trong người, bèn bảo tôi đưa về nhà. Tôi là thanh niên thì chẳng sao nhưng mẹ tôi đã có tuổi, không chịu được lâu gió lạnh ngoài trời. Vừa về đến nhà tôi liền mở radio để biết thêm tình hình. Qua làn sóng phát thanh, được biết phương Tây không hề công nhận các lãnh đạo cuộc đảo chính và yêu cầu nhanh chóng trao trả quyền hành cho Gorbachov.
– Tại sao mẹ con bà lại nghe theo kẻ xấu xúi giục biểu tình. Bố tôi cau có. Yeltsin và Gorbachov là những kẻ phá hoại. Bọn chúng làm cho đất nước bị chia rẽ và suy yếu. Điều này chỉ có lợi cho phương Tây.
– Hãy nhìn rỏ con người của Gorbachov. Bố tôi nhắm chén trà cho ấm người rồi lại tiếp. Giai đoạn bắt đầu cái gọi là Đổi Mới, ông ta hứa hẹn rất nhiều nhưng sau đó mọi người mới nhận ra rằng không biết Gorbachov đang đưa đất nước đi về đâu. Thời gian hành động được thay bằng những lời nói ba hoa rỗng tuếch. Chính ông ta dã làm sụp đổ nền kinh tế và phá hoại quốc gia. Ông ta quên rằng mục tiêu sẽ chẳng là gì nếu như nó không trở thành hiện thực. Không thể tiếp tục lừa dối nhân dân bằng những lời hứa suông. Nhân dân sẽ không tha thứ cho những kẻ lừa dối.
– Sao ông lại nói thế. Mẹ tôi đáp trả, giọng hơi khàn. Có lẽ bà đã bị cảm lạnh. Nhân dân không bao giờ nghĩ mình bị lừa dối. Công cuộc cải tổ của Gorbachov đòi hỏi nhiều thời gian. Nhân dân hoàn toàn thông cảm cho Gorbachov. Sao ông không thấy những điều tốt đẹp mà cuộc cải tổ mang lại cho đất nước trong mấy năm qua. Hôm nay, nhân dân đã xuống đường để bảo vệ chính nghĩa. Những ai ngăn cản bánh xe lịch sử sẽ bị nó nghiền nát.
– Bà nói hay quá nhỉ. Bố tôi cười mỉa mai. Cứ chờ xem ai sẽ bị nghiền nát!
Đã hơn 10 giờ tối. Tôi bảo mẹ lên giường nằm. Sau mươi phút được tôi xoa bóp, mẹ tôi đã chìm vào giấc ngủ. Còn bố tôi mãi vẫn chưa đi ngủ, có lẽ do lòng ông rất nôn nao trước cuộc chính biến đang diễn ra.
Sáng hôm sau, thứ Ba 20 tháng 8 năm 1991, tôi
thức dậy sớm và như thường lệ tôi mở đài Châu Âu Tự Do để nghe tin tức.Được biết trước toà nhà Quốc hội hiện có ít nhất năm mươi ngàn người đang tụ tập. Hàng ngàn người cũng đang biểu tình phản kháng ở Leningrad. Mặt khác, người đứng đầu giáo hội chính thống Nga yêu cầu phải để Gorbachov xuất hiện nói chuyện với nhân dân.Có tin một số đơn vị quân đội được huy động để duy trì tình trạng khẩn cấp ở Matxcơva đã bất phục tùng sự chỉ huy của những người lãnh đạo Bộ quốc phòng, trong đó có thiếu tướng Alexander Lebed là cậu họ tôi.
Đang nằm bệnh trên giường, mẹ tôi xúc động khi nghe đài loan báo trong tòa nhà Quốc hội hiện có mặt cả danh cầm Rastropovitch, người được xem là tay đàn Violoncelle số một thế giới thế kỷ 20. Ông là thần tượng của mẹ tôi. Đang biểu diễn ở nước ngoài nhưng khi nghe tin có cuộc chính biến, ông đã tức tốc bay về nước để biểu thị sự chống đối. Rastropovitch trở thành “Lương tâm của nước Nga”, sau này tổng thống Vladimir Putin đã nói về ông như thế khi hay ông qua đời.
Chiều cùng ngày chúng tôi được tin lãnh đạo nhiều nước cộng hòa trong Liên Bang Xô viết cực lực chỉ trích những người đứng đầu cuộc đảo chính và tuyên bố các sắc lệnh và quyết định của ban lãnh đạo cứng rắn ở điện Kremlin không có hiệu lực trên lãnh thổ của họ.
Có thể nói những người lãnh đạo cuộc đảo chính không hề nhận được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân. Sự thất bại của họ là không tránh khỏi.
Thứ Tư ngày 21 tháng 8 năm 1991, cuộc đảo chính bước sang ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng. Buổi sáng có tin một số thành viên chủ chốt của Ủy ban khẩn cấp xin từ chức, như giám đốc KGB Vladimir Kryuchcov hay thủ tướng Valentin Pavlov… Đến trưa lại có tin các thành viên khác đang tìm cách rời khỏi Matxcơva bằng máy bay.
Buổi chiều thì hàng TASS (lúc này không còn bị phong tỏa) đưa tin bộ quốc phòng Liên xô ra lệnh cho toàn bộ các đơn vị quân đội được bố trí trong tình trạng khẩn cấp rút khỏi thủ đô, trở về nơi đóng quân thường xuyên. Đúng 5 giờ chiều TASS thông báo Ủy ban về tình trạng khẩn cấp đã bị giải tán và tất cả các thành viên đã bị bắt. Cuộc đảo chính đã hoàn toàn thất bại nhưng không ngờ nó lại thất bại nhanh đến thế. Sức mạnh của nhân dân đã chiến thắng. Bánh xe lịch sử tiếp tục lăn và nghiền nát những người cản trở. Bố tôi đã có câu trả lời!
Tối hôm ấy quốc hội Liên Xô chính thức phục hồi chức tổng thống cho ông Gorbachov, được biết sẽ trở về Matxcơva ngay trong tối này.
Mẹ tôi không dấu được niềm sung sướng tột cùng. Bà hồ hởi reo hò với những người qua đường: “Dân chủ đã chiến thắng! Tổ quốc muôn năm!” . Mọi người cũng vẫy tay chung vui với bà. Chỉ có bố tôi là im lặng, không nói gì. Ông vừa bị một quả đắng!
Ở Matxcơva người ta bắn pháo hoa mừng chiến thắng. Người dân hân hoan đổ ra đường tham gia diễu hành. Ngày 24 tháng 8 năm 1991, dân chúng Matxcơva tiễn đưa ba người con của thủ đô đã hi sinh khi lấy thân mình ngăn cản xe bọc thép. Một tượng đài kỷ niệm sẽ được dựng lên tại nơi họ đã ngã xuống.
Suốt đời tôi không bao giờ quên được những ngày lịch sử này. Tôi thường kể lại cho các con về những ngày ấy.Việc Liên Xô tan rã chưa đầy 4 tháng sau cuộc chính biến âu cũng là một tất yếu của lịch sử. Nước Nga phải tôn trọng ý nguyện của các nước cộng hòa khi họ chỉ muốn hoàn toàn độc lập, chẵng còn thiết tha gì với cái gọi là Liên Bang Xô Viết. Giả dụ cuộc đảo chính bất thành kia không xảy ra thì một hiệp ước liên bang mới đã được ký. Trong trường hợp đó Liên Xô dù có tiếp tục tồn tại thì sự tồn tại này chỉ mang tính hình thức hơn là thực chất. Sống chung như thế thì có gì hay ho. Tốt nhất ai về nhà nấy. Thật nực cười khi có những kẻ tối ngày chỉ biết cay cú đổ lỗi cho người này người nọ đã làm sụp đổ Liên Xô nhưng lại cố tình không nhìn thấy sự hồ hởi, phấn khởi của các nước cộng hòa khi được thoát ra khỏi Liên Xô như thoát khỏi một bóng ma. Các nước ấy chẳng thèm khát gì hai chữ Liên xô thì cớ sao nước Nga lại phải thèm khát. Khi các nước cộng hòa lần lượt tuyên bố độc lập, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã không hề phản đối. Đó là điều khôn ngoan và đúng đắn. Người Nga muốn tự do và dân chủ, thì họ đã có. Thế là đủ. Nước Nga đâu phải là đế quốc!
Sau biến cố tháng 8 ấy, bố tôi trở nên rất trầm tư. Ông ít khi trò chuyện với ai. Nhiều lúc ông ngồi yên lặng trong phòng hàng giờ liền. Cuối đời ông thường hay lẩm bẩm: “Lịch sử có lẽ phải như thế… như thế…”
Bố tôi mất cuối năm 1997 trong khi đang ngủ. Ông ra đi với vẻ mặt bình thản của một người thua cuộc biết chấp nhận cuộc thua.