Thảo Vy – Nguyễn Phương
(VNTB) – Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) đã nhận xét như vậy trong một trao đổi với báo giới và VNTB.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Không thể minh bạch nửa vời
Ông Lê Hoàng Châu, nói rằng hôm 25-7, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố thông tin về 77 dự án nhà đất đang thế chấp ngân hàng, gần như đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản, làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu lầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.
Ông Châu cho biết Horea đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng… để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.
Chủ tịch Horea nhìn nhận minh bạch là đúng nhưng cách thể hiện thì chưa ổn khi đã gom tất cả các doanh nghiệp thế chấp ngân hàng vào một cục. “Nên có phân loại rõ ràng, như thế chấp vì quy định của Luật Kinh doanh bất động sản là phải có ngân hàng bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai; hoặc những doanh nghiệp có nợ xấu, gây nguy cơ cho khách hàng”, ông giải thích và dẫn chứng câu chuyện của doanh nghiệp đang có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp: Công ty Gia Hòa đến giờ này dư nợ bằng 0. Hiện dự án 1.700 căn đã xây hết 1 lần, chuẩn bị cất nóc một block, 2 block còn lại đến cuối năm là xong. Theo cam kết đến tháng 12 giao 5 căn hộ đầu tư. Dự án thế chấp là để thực hiện bảo lãnh của ngân hàng theo Luật Kinh doanh bất động sản, nhưng phía Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng đây là dự án đang thế chấp để vay vốn…
Horea đã “không nhất trí” những điều gì?
Ông Lê Hoàng Châu nói rằng việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc do còn có những ý kiến còn khác nhau giữa các Bộ, Ngành; và vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Về chuyện “không nhất trí”, người đứng đầu Horea thẳng thắn nói: Hiệp hội không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính: “Bỏ nội dung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội”, bởi vì Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 là phù hợp.
Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiết kiệm nhà ở xã hội với thời gian tối thiểu 12 tháng – PV) để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính: “Quy định lại về lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn; Không cấp bù chênh lệch lãi suất…”; “Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện hành”.
Hiệp hội đề nghị vẫn thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 74 Luật Nhà ở 2014: “Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội”, vì quy định này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Để không vượt quá khả năng ngân sách, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng cần cân đối kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (bằng mức 4,8%/năm của Quyết định 1013/QĐ-TTg) áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội (Vietcombank, Viettinbank, Agribank, BIDV) và cả các ngân hàng khác có dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để thực hiện thống nhất.
***
* Bài viết thực hiện cùng với nhà báo Nguyễn Lan Phương, báo Người Tiêu Dùng, văn phòng tại TP.HCM.