Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chống Nhà nước hay chống Đảng cộng sản?

Hà Nguyên

(VNTB) – Pháp luật hình sự Việt Nam hiện có điều khoản cụ thể nào về liên quan hành vi chống Đảng cộng sản hay chưa?

 

Vấn đề lại được đặt ra khi nhà chức trách khởi tố bà Phạm Thị Đoan Trang: bà Trang kêu gọi có sự cạnh tranh sòng phẳng trong các đảng chính trị qua việc tự do bầu cử thực chất. Và điều này cho thấy dường như bà đang muốn chống lại sự độc đảng ở Việt Nam – nếu có thể ‘chụp mũ chính trị’, thì bà Phạm Thị Đoan Trang đang chống lại sự độc tài của Đảng cộng sản; bởi mặc dù Điều 4.3, Hiến pháp 2013 ghi rằng, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” – song thực tế Việt Nam chưa có luật về đảng chính trị; và Hiến định ở Điều 4.2, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – nhưng hễ ai muốn bày tỏ quyền ‘giám sát Đảng’ thì dễ bị xem xét hình sự hóa, mà việc bắt tạm giam bà Phạm Thị Đoan Trang là một đơn cử.

“Nhà báo Đoan Trang là người nỗ lực truyền bá tri thức pháp luật và chính trị cho người dân Việt Nam, cổ xúy cho chính những giá trị tự do, dân chủ mà chính quyền Việt Nam ghi rõ trong Hiến pháp và tuyên bố trịnh trọng ở mọi diễn đàn. Không ở đâu và không khi nào mà việc làm báo và xuất bản sách, việc tham gia các sinh hoạt chính trị thông thường của một quốc gia, lại nên bị coi là tội phạm. Những hành vi đàn áp những quyền con người căn bản đó mới chính là tội phạm” – Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí, lên tiếng và kêu gọi:

“Chúng tôi kêu gọi độc giả của Luật Khoa, cũng như tất cả những ai còn trăn trở với đất nước và con người Việt Nam, lên án vụ bắt giữ này và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Đoan Trang ngay lập tức. Nếu có thể, hãy tiếp nối tinh thần tự do của Đoan Trang và bắt tay vào làm báo, viết sách, dịch sách, cũng như lên tiếng trước bất công”.

Để có thể cáo buộc bà Phạm Thị Đoan Trang có hành vi chống Đảng cộng sản Việt Nam, cần thiết có một tu chỉnh luật, theo đó Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được sửa đổi như sau:

“Điều 117. Tội tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, tán phát thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Nếu nhà chức trách chỉ xem xét hành vi được gọi là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì trên thực tế không thể tách bạch đâu là quyền lực Nhà nước, đâu là quyền lực Đảng trong việc quản trị quốc gia mà bà Phạm Thị Đoan Trang đang “chống đối – chống phá” như cáo buộc.

Ở đây, rất có thể nhà chức trách chọn việc bắt tạm giam hình sự bà Phạm Thị Đoan Trang vào thời điểm mà các diễn đàn quốc tế đang liên tục lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng các cam kết về quyền dân chủ của người dân, còn nhằm mục đích là hạn chế tối đa những rủi ro mà phe nhóm quyền lực trong Đảng sẽ ‘mượn cớ’ xã hội dân sự để ‘ra đòn răn đe nhau’ ngay trước thềm Đại hội Đảng XIII.

Bởi rất có thể nếu nhấn thêm một bước nữa liên quan đến các công việc phát hành sách của bà Phạm Thị Đoan Trang, phía cơ quan tố tụng sẽ “mở rộng vụ án” bằng việc viện dẫn Điều 390 “Tội không tố giác tội phạm”, theo đó, người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này, không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Trong Điều 389 “Tội che giấu tội phạm”, ở khoản 1.a  gồm các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Xem ra ở Việt Nam nếu không muốn bị chính trị hóa các hành vi được gọi là Hiến định tại Điều 4.2 và 4.3, cần thiết tuân thủ điều quen thuộc lâu nay, “Đã có Đảng và Nhà nước lo”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Uỷ ban Bảo vệ Ký giả kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Blogger Lê Anh Hùng

Do Van Tien

VNTB – Lại nói về quyền tự do ngôn luận

Phan Thanh Hung

VNTB – Tranh chấp đất giữa chùa Dược Sư và công ty Hoa Sen: trách nhiệm hình sự?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo