Việt Nam Thời Báo

VNTB- Chống “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”: Nhân rộng mô hình Bùi Quang Vinh

Anh Văn


(VNTB) – Nhân rộng “mô hình Bùi Quang Vinh” trong Đảng, mềm hóa tiêu chí “kiên định con đường XHCN”, chú trọng xây dựng kinh tế và cải cách cơ chế (Đổi Mới II) – trong đó tăng tính phản biện mạnh mẽ trong Đảng chính là lối thoát duy nhất hiện nay của ĐCSVN hiện nay.

   Nhân rộng “mô hình Bùi Quang Vinh”


“Diễn biến – chuyển hóa”: nghiêm trọng đến mức nào?

Những ngày đầu tháng 12, nội bộ Đảng tiếp tục nổi lên vấn đề đảng viên cao cấp – lãnh đạo tỉnh và tập đoàn doanh nghiệp nhà nước bỏ trốn ra nước ngoài. Ba trong bốn tứ trụ triều đình buộc phải lên tiếng về vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng.

Trong khi đó, sáng ngày 11/12, tiếp xúc với cử tri lực lượng vũ trang trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng rộ rõ nét hơn trong đời sống và yêu cầu kiên trì, kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trước đó vào ngày 9/12, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội Nghị cán bộ toàn quốc về phổ biến, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy lùi suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị – những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.  Trong đó, ông thừa nhận, đây là “cuộc chiến đầy cam go”, liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.

GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng tái khẳng định một lần nữa, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng hiện nay đã là nghiêm trọng và không còn là cá biệt.

Dù GS Hoàng Chí Bảo đánh giá Hội Nghị T.Ư 4 là sự “tiếp nối rất hợp logic với Nghị quyết T.Ư 4  khóa XI” về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao, trong đó ngoài kiểm điểm thì còn “nhận diện những biểu hiện suy thoái – tự diễn biến – tự chuyển hóa trong mặt nội bộ”. Điều này, “làm suy yếu Đảng từ tư tưởng đến tổ chức” thì ông cũng chỉ nhắc lại việc Nghị quyết vạch ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng. Giải pháp ông đưa ra vẫn là “phải vượt qua” 27 biểu hiện, phải “giáo dục, thống nhất nhận thức ý chí hành động”. theo  hướng chú tọng “kỷ cương, tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm chỉnh những quy chế, điều lệ Đảng từ phát ngôn đến hành động” và siết chặt công cụ tuyên truyền của đảng – báo chí.

Trong khi đó, người đứng đầu Đảng – ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chống lại biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ. Và giải pháp ông đề ra là kiên quyết, kiền trì thực hiện thường xuyên – liên tục và đồng bộ Nghị quyết ở các cấp ngành một cách sâu sắc, tránh lối “đóng cửa” trong xây dựng – chỉnh đốn Đảng. Ông Tổng bí thư cho ra, cấp ủy, tổ chức đảng phải đoàn kết nhìn thẳng – nói rõ – đánh giá đúng sự thật, tập trung giải quyết dứt điểm bức xúc chỉ ra.

Nhưng giải pháp mang tính rộng rãi hơn là theo ông Phạm Minh Chính (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) cần bắt buộc học tập lý luận chính trị; cam kết rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực – siết chặt kỷ luật trong đảng – công khai kết quả vi phạm, thống nhất chính sách và kỷ luật giữa Đảng và nhà nước. Về mặt khác, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý cán bộ thuộc quyền; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng Đảng; phát huy vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông.


“Để lâu cứt trâu hóa bùn”

Một trong những biểu hiện đậm nét của “tự chuyển hóa, tự diễn biến” mà những người đứng đầu Đảng hoặc về lý luận Đảng chỉ ra là phai nhạt lý tưởng cách mạng.

Điều này thể hiện rõ nét qua việc, cán bộ cấp cao không dừng lại việc thực hiện nghiêm túc lý tưởng cách mạng mà chuyên sang vơ vét có hệ thống. Đặc sắc nhất của quá trình này là chủ các tập đoàn nhà nước liên tục làm ăn thua lỗ để chuyển các gói hợp đồng nhà nước thành hợp đồng gia đình; tệ nạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” từ Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho đến Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền; từ lãnh đạo cấp tỉnh Trịnh Xuân Thanh đến Nguyên Tổng giám đốc PVtex trốn ra nước ngoài. Toàn bộ sự việc này dù bị lãnh đạo đảng lên án mạnh mẽ, và thậm chí là kiên quyết “bắt lại, kỷ luật” một cách chưa tiền lệ.

Ngoài ra, vấn đề của sự “tự diễn biến, tự chuyển hóa” cũng chính từ tính chất thiếu nghiêm minh trong kỷ luật Đảng, điều này phần nhiều dựa vào hệ thống “phê bình và tự phê bình” vốn đề cao tính “lý tưởng Đảng” đã quá lạc hậu, và trở nên lạc điệu trước những cái lợi lớn mà một cá nhân đảng viên có thể vơ vét được khi đi vào “suy thoái”. Nhũng nhiễu, tham vặt  trở thành vấn đề sinh tử của chế độ mà không ít lần lãnh đạo ĐCSVN nhắc tới, lý do nằm ở công tác chống tham nhũng không hiệu quả, công tác thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở tỷ lệ rất thấp gây thâm hụt nguồn ngân sách. Chính vì vậy, đầu năm 2016, tổ chức Minh Bạch Quốc tế (TI) đã xếp hạng Việt Nam đứng bị trí 112/168 nước liên quan đến chỉ số tham nhũng trong khu vực công.

Xu hướng chung của chống tham nhũng và kỷ luật trong Đảng đến nay vẫn là giải pháp “để lâu cứt trâu hóa bùn”.

Trong khi Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn với thuyết “4 toàn diện” của ông Tập Cận Bình không có gì mới và vẫn trung thành với các khái niệm cũ, trong đó đề cập đến việc xây dựng toàn diện một xã hội khá giả hài hòa, cải cách mạnh mẽ, quản lý đất nước nghiêm khắc theo luật pháp và thực thi nghiêm ngặt kỷ luật Đảng.


Chống bằng cách: không kiên định con đường XHCN

Một yếu tố được nhắc đi nhắc lại trong “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng là không kiên định con đường XHCN. Tuy nhiên, sẽ là mâu thuẫn nếu đặt trong quan điểm “cấp ủy, tổ chức đảng phải đoàn kết nhìn thẳng – nói rõ – đánh giá đúng sự thật, tập trung giải quyết dứt điểm bức xúc chỉ ra” mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra. Bởi sẽ không thể giải quyết được vấn đề tham nhũng nếu như bản thân cơ chế XHCN vẫn được sử dụng như một quan điểm trong xây dựng thực tiễn. Lý do: vì trên hết, sự phai nhạt từ lý tưởng cách mạng xuất phát từ chính lý tưởng đã không còn tồn tại trong ý nghĩa. Ngay người đứng đầu Đảng – ông Nguyễn Phú Trong cũng thừa nhận sự mù mờ về thời điểm tiến lên được XHCN. Do đó, cán bộ – đảng viên cấp cao sử dụng ngược XHCN với lý luận “sở hữu toàn dân” và sự thiếu cơ chế trong kiểm soát quyền lực đảng – nói đúng hơn là “nhốt quyền lực vào trong cơ chế” là điều không khả thi, khi mà tính chất mỗi lãnh đạo “cộng sản hiện đại” lại là những nhà tư bản dã man với bình phong cộng sản. Sợi dây lợi ích nhóm chằng chịt giữa những cá thể cộng sản hiện đại, khiến việc siết chặt kỷ luật trong đảng rơi vào trạng thái “bứng dây, động rừng”, và điều này làm cho việc công khai kết quả vi phạm, kỷ luật trong Đảng gần như không thể. Những vụ bổ nhiệm nhanh như gió gần đây liên quan đến con cháu lãnh đạo là một trong những điểm rõ ràng như thế.

Việc chống lại “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sẽ chỉ phù hợp với một mục tiêu là chống lại tham nhũng, hoàn thiện cơ chế pháp quyền và phát triển kinh tế. Mà muốn việc, cần phải đề cao “nói đúng, chỉ đúng sự thật” hơn là khiến chủ thể xã hội bị hãm kiềm trong quan điểm “không kiên định con đường XHCN”.

Nếu lấy một hình tượng để dễ hình dung thì đó là ông Bùi Quang Vinh – Nguyên bộ trưởng bộ Kế hoạch & Đầu tư. Một đảng viên cao cấp, người “tự diễn biến, tự chuyển hóa” liên quan đến không kiên định con đường XHCN đầy ảo tưởng thông qua nhìn nhận thẳng sự thật là không có cái gọi là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

“Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.”

Đây là người xác hợp nhất với câu nói của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “nhìn thẳng, chỉ thẳng sự thật những bức xúc xã hội”. Mà một trong những bức xúc lớn nhất là mô hình kinh tế đầy quái dị nêu trên, nó tạo cơ chế cho những con sâu “cộng sản hiện đại” đục khoét tiềm lực quốc gia qua “đào xúc bới múc” tài nguyên; chèn ép doanh nghiệp tư nhân; và bòn rút ngân sách quốc gia qua sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước.

Ông Bùi Quang Vinh cũng là người đã nhấn mạnh sự cần thiết của Việt Nam là “sự minh bạch” chứ không phải là tham nhũng khi bàn về dự luật Đầu tư công năm 2013.

Và tại ĐH XII, ông đã “chuyển biến, tự chuyển hóa” cực mạnh khi khẳng định, “hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển”.

Ba quan điểm trên (minh bạch; kinh tế thị trường; đổi mới cơ chế chính trị), nếu đặt trong sự “kiên định con đường XHCN” thì nó là “sự tự chuyển hóa, tự diễn biến”. Nhưng nếu đặt trong tiền đề có lợi cho phát triển quốc gia, dân tộc và thậm chí là cho cả chế độ (trong chống tham nhũng, phát triển kinh tế, và tinh gọn bộ máy vốn ngốn nhiều ngân sách) lại là một sự “chuyển hóa, tự diễn biến” đầy tích cực.  Nó sẽ là mấu chốt nhất cho sự thành công của Nghị quyết T.Ư 4  về xây dựng và chỉnh đốn Đảng (nghiêm về kỷ luật, mạnh về kinh tế) trong thời kỳ mới, trong tình hình nợ công tăng cao – cơ chế phình ra – tham nhũng ngày càng tinh vi như hiện nay.

Và thực tế, hiện nay, diễn biến về kinh tế với sự thừa nhận nền kinh tế tư nhân làm chủ đạo là một trong những bước đi “táo bạo, đầu tiên” trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4.

Do đó, nhân rộng “mô hình Bùi Quang Vinh” trong Đảng, mềm hóa tiêu chí “kiên định con đường XHCN”, chú trọng xây dựng kinh tế và cải cách cơ chế (Đổi Mới II) – trong đó tăng tính phản biện mạnh mẽ trong Đảng chính là lối thoát duy nhất hiện nay của ĐCSVN hiện nay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Chernobyl, Silent Spring, và Formosa

Phan Thanh Hung

VNTB- BRT: bản chất là tạo bất bình đẳng giữa hai loại hình giao thông

Phan Thanh Hung

VNTB – Giữ cho tâm thanh tịnh nơi cửa Phật

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo