Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chữ Lễ có trói buộc tư duy?

tiên học lễ

Thúy An

(VNTB) – Với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì chỉ cần giữ ‘Lễ’ mỗi với Đảng là đủ rồi!

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm thì: Bởi vì khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ ‘lễ’ với người trên là yêu cầu số 1.

Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.

Liệu có đúng như vậy?

Thật không quá khó hiểu khi nhắc đến chữ lễ trong phong tục – văn hóa cũng như nề nếp của người dân Việt. Đó là những phép tắc phải theo để cư xử trong gia đình, xã hội sao cho phải đạo người trên kẻ dưới, được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Lễ tiết là một quy tắc giao thiệp giữa người với người, quy tắc này bày tỏ lòng chân thành, bày tỏ tâm yêu thương của chúng ta. Xã hội có thể phát triển, khoa học tiến bộ theo thời gian, khái niệm lễ cũng có thể được tinh giảm theo sự phát triển đó, song, kính trên nhường dưới; gặp thầy cô chào; lễ phép với người lớn tuổi; không cười đùa trong đám tang… là những điều cơ bản, đã được học ngay từ lúc còn nhỏ.

Lễ khiến cho hành vi của con người có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ra vội vã” (Luận ngữ: Thái Bá, XIII).

Chữ Lễ ở Việt Nam, nói không quá, là một trong những nền tảng của luân lý đạo đức, được nhiều học giả – nhà giáo – nhà nghiên cứu giáo dục… đề cao và tôn trọng.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói: “Phi nghĩa chi nghĩa, phi lễ chi lễ, phi tín chi tín, phi từ chi từ”. Phi lễ là không có tâm chân thành, giả dối, không có tâm thương yêu, là thủ đoạn. Cái này chúng ta không nên làm. Vì lợi ích trước mắt của chúng ta, lừa gạt người khác, hư ngụy, dối trá. Và cái hậu quả của việc không tôn trọng những giá trị văn hóa cơ bản, đã có chưa?

Tại hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” của năm 2013, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một kết quả điều tra: Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%. Một kết quả điều tra không gây bất ngờ nhưng khiến nhiều người lo lắng.

Và theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội – thì: “… lương là vấn đề rất quan trọng nhưng với đội ngũ hành chính – công vụ ở các nước Đông Bắc Á, tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giúp họ giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực.

Ở các nước ấy, truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt Nam ta từng có những ông quan sẵn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình. Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch thành một ‘đường cong mềm mại’.

Tất nhiên, vào những thời suy, quan lại phong kiến tha hóa, xấu xa không phải là không có nhưng vào những thời thịnh, số lượng quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ quan lại thanh liêm như vậy…”.

Tựu trung lại, có thể nói, lễ nghĩa là cái cơ bản trong nhiều cái nền tảng khác hình thành nên nhân cách của nhiều con người, tựa hồ như nền móng của một căn nhà vậy. Còn cái gọi là tư duy, cái sáng tạo cũng như tầng 1, tầng 2 của một căn nhà. Nếu nền móng không vững, sẽ rất dễ gặp rủi ro khi sống trong căn nhà ấy.

Chính vì lẽ đó, không thể nói chữ Lễ nói riêng hay Nho giáo nói chung đang trói buộc con người trong sáng tạo, trong tư duy. Nó tựa như một lời ngụy biện cho sự lười biếng trong suy nghĩ, trong tư duy.

“Mỗi khi có vấn đề gì xảy ra, không suy nghĩ chi nhiều hay tìm cách giải quyết, chỉ cần đổ thừa hết cho lễ nghi, phép tắc. Ừ thì do ông đó lớn, do lời bà đó là lệnh, nên mình có làm cũng vậy à, cũng chẳng đi đến đâu. Trong khi đó, tại sao không nghĩ đến việc dung hòa giữa lễ nghi và tư duy? Có chắc bỏ lễ là khai phá được tư duy hay không?”, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM, chia sẻ.

Ý kiến của ông Trần Ngọc Thêm cũng y như vậy. Vì sao là một giáo sư, là một nhà nghiên cứu về học thuật, ông không đề ra phương án dung hòa, mà lại khăng khăng giữ vững suy nghĩ bỏ “tiên học lễ” trong suốt những năm qua?

____________

Tham khảo:

https://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nguyen-pho-chu-nhiem-van-phong-Quoc-hoi-Tien-si-Nguyen-Si-Dung-Phai-khoi-goi-nhung-gia-tri-dut-gay-kien-tao-doi-ngu-tinh-hoa-thuc-chat-i511637/

https://www.nguoiduatin.vn/ti-le-hoc-sinh-noi-doi-tang-dan-theo-tuoi-a106618.html)


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần ủng hộ giáo sư Trần Ngọc Thêm về việc mạnh dạn loại bỏ chữ “lễ”

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Trần Ngọc Thêm đang nhập nhằng khái niệm? (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bao dung: Trung thu mùa giãn cách

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.