Nguyễn Huyền
(VNTB) – Ông Võ Văn Thưởng tin Thượng đế đã sắp xếp nên quan hệ Nhật – Việt hôm nay.
Theo cách hiểu trong diễn đạt tiếng Việt, đã là “lương duyên trời định” thì đó không còn là kết quả của chính sách “ngoại giao cây tre” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường đắc ý nhắc đến lâu nay nữa.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản – cơ quan lập pháp lâu đời nhất châu Á hôm 29-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã diễn đạt rằng: “Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: Lương duyên trời định”.
Bài phát biểu này được ông Võ Văn Thưởng dẫn dắt với câu chuyện từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Việt Nam đã tới tỉnh Nara tham dự pháp hội khai nhãn đại tượng Phật, mở đầu lịch sử giao lưu về Phật giáo và nhã nhạc cung đình giữa hai nước.
Đến thế kỷ 16, những Châu ấn thuyền của Nhật Bản đã qua Việt Nam buôn bán, làm ăn, lập nên những con phố, cây cầu mang đậm kiến trúc Nhật Bản, nay vẫn được gìn giữ ở Hội An.
Đó còn là mối lương duyên giữa công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro, là tình bạn cao đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với bác sĩ Asaba Sakitaro….
“Nhà chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam đã nhận định Việt Nam – Nhật Bản là hai nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. Tuy không gần nhau về địa lý nhưng hai nước có nhiều sự tương đồng, gắn kết về văn hóa, lịch sử, con người.
Sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua đã là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: Lương duyên trời định” – Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã lược thuật về dòng chảy văn hóa Nhật – Việt với nhiều gợi nhớ cho phong trào Đông Du như vậy.
Cuối bài phát biểu trên, ông Võ Văn Thưởng khéo léo đưa vào mệnh đề so sánh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Nhà vua Minh Trị có câu: Chỉ suy nghĩ có lợi cho dân mới mãi trường tồn trong xã hội của chúng ta”.
Ở hôm ‘ra mắt’ Quốc hội Nhật Bản đó, cùng với bài phát biểu trên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng bức tranh Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho Thư viện Quốc hội Nhật Bản.
Các diễn biến trên cho thấy việc ông Võ Văn Thưởng không sử dụng bất kỳ ‘từ ngữ tuyên giáo’ nào mang dáng dấp của ‘dấu ấn Nguyễn Phú Trọng’, là một chủ đích, và chủ đích ấy phải chăng là ‘tự tin’ của ‘bản lĩnh chính trị Võ Văn Thưởng’, hay đây là điềm báo nguy tương tự như nhận xét ‘dậy sóng’ hồi cuối năm 2019 của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Lúc phát biểu câu để đời ở trên, ông Trần Quốc Vượng được đồn đoán rằng đã “một chân” bước vào ghế kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Rốt cuộc có lẽ do ‘ngã bài’ quá sớm nên ở kỳ đại hội đó ông Trần Quốc Vượng được ‘quyền nghỉ hưu’ dù ông kém đến chục tuổi so ông Nguyễn Phú Trọng.
Hoạn lộ của chính khách Võ Văn Thưởng cũng đi lên từ Thường trực Ban Bí thư, và lâu nay ông vẫn được đánh giá là ‘ngoan ngoãn, khôn khéo’ của ‘gọi dạ, bảo vâng’ đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Liệu có gì liên quan đến việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Việt Nam trong tuần này, và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ đến Việt Nam trong tháng tới?
Chiều 30-11, phái đoàn của ông Võ Văn Thưởng đã về lại Việt Nam.
1 comment
láo toét