VNTB – Chưa đến 5 năm có tới hơn 13.000 vụ án liên quan sắc tộc ở Tây Bắc

VNTB – Chưa đến 5 năm có tới hơn 13.000 vụ án liên quan sắc tộc ở Tây Bắc

Trường Sơn

(VNTB) – Trong 5 năm qua, đồng bào thiểu số khu vực Tây Bắc và lân cận đã tích cực cung cấp thông tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phá hơn 13.000 vụ án.

Sáng 28-7-2023, tại tỉnh Sơn La, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; vùng đồng bào thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận giai đoạn 2018 – 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho biết tính đến ngày 31-5-2023, trên địa bàn dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận đã xây dựng được 863 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc với 45.981 điểm mô hình được nhân rộng trên nhiều địa bàn, lĩnh vực. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp gần 70.000 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự với nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 13.300 vụ việc, bắt giữ hơn 11.500 đối tượng, triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội…

5 năm vừa qua, nhân dân tham gia vận động đầu thú và truy bắt 918 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, tội phạm lẩn trốn; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ hơn 3.700 người lầm lỗi tại cộng đồng; phá bỏ hàng trăm ngàn m2 cây thuốc phiện; giao nộp 18.592 khẩu súng, nòng súng, 39,9 kg và 17.127 viên đạn các loại; 148,1 kg thuốc nổ và pháo; hàng ngàn vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ…

Từ 20 năm trước, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn tỉnh Sơn La trở thành “thời sự” tại vùng Tây Bắc. Khu vực 2 bản Lũng Xá và Tà Dê thuộc xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được mệnh danh bằng nhiều tên gọi khác nhau như: “thủ phủ ma túy”, “rốn lũ ma túy”, “thánh địa ma túy” của khu vực Tây Bắc, cũng là trọng điểm ma túy của cả nước.

Nguyên nhân là do nơi đây có địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối, rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú từ lâu đời, kinh tế chậm phát triển, hạ tầng cơ sở yếu kém, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; nhân dân 2 bên biên giới có quan hệ gần gũi lâu đời, việc thăm thân nhân qua lại, trao đổi hàng hóa diễn ra thường xuyên, nhận thức về pháp luật của nhiều cư dân biên giới không rõ ràng.

Tại khu vực Tây Bắc, do điều kiện địa lý và lịch sử để lại, tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; tội phạm có trang bị các loại vũ khí quân dụng, tội phạm mua bán nhỏ lẻ hình thành các điểm, ổ nhóm tội phạm phức tạp trong cộng đồng dân cư… những năm qua diễn biến hết sức phức tạp. Thêm vào đó, số người nghiện trên địa bàn tỉnh khá cao, có thời điểm tới trên 20.000 người, đã làm cho tình hình chung về tội phạm ma túy cực kỳ nóng bỏng.

Cùng bởi những đặc điểm trên, tỉnh Sơn La cũng được số đối tượng bị truy nã về tội ma túy coi là “điểm đến” để lẩn trốn, đặc biệt tại 2 bản Lũng Xá và Tà Dê (nay thuộc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) chính là sào huyệt.

Bên lề hội nghị hôm 28-7-2023, một đại diện cảnh sát chuyên về phòng chống tội phạm ma túy, kể, người Mông ở đây phần lớn sống bằng nông nghiệp, không kinh doanh buôn bán gì mà có những hộ gia đình giàu lên trông thấy, xây nhà sắm xe, và phần lớn có liên quan đến ma túy.

Nhưng bắt được họ không dễ. Thậm chí có những vụ phải trinh sát cả năm trời mới tìm ra manh mối. Để bảo vệ hàng, mỗi người mang 20 bánh heroin sẽ được phát 1 cây súng và 2 quả lựu đạn. Chỉ cần gặp người lạ, không phải là người dân trong vùng là họ xả súng. Nếu không cẩn thận, mất mạng như chơi…

“Mỗi chuyến vận chuyển như vậy bằng đi nương rẫy cả năm trời. Khi họ vận chuyển thì sẵn sàng liều mạng để bảo vệ hàng của mình” – vị đại diện cảnh sát nhận xét, và chính điều này nên con số về vụ án hình sự ở vùng Tây Bắc rất khó kéo giảm như mong muốn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)