VNTB – Tự do ngôn luận bị kiểm duyệt 

VNTB – Tự do ngôn luận bị kiểm duyệt 

 

Thái Hóa Lộc

 

(VNTB) – Quyền Tự Do Ngôn Luận sẽ không còn mỗi khi chính phủ cùng các cơ quan truyền thông, big Tech đứng về một phía.

 

Tự do ngôn luận (freedom of speech) là nguyên tắc đảm bảo cho một cá nhân hay một cộng đồng quyền tự do nói ra rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt, hay trừng phạt pháp lý.

Năm 1791, 10 Tu Chính Án đầu tiên thuộc Hiến Pháp Hoa Kỳ đã được Quốc Hội phê chuẩn để bảo đảm các tự do cá nhân trong đó Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ các tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí và hội họp, còn các Tu Chính Án từ thứ tư tới thứ sáu không cho phép chính quyền xâm phạm vào các gia đình tư nhân và nói rõ các quyền lợi của một người bị tố cáo về các trọng tội. Sở dĩ Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Dân Quyền (the Bill of Rights) gồm 10 Tu Chính Án kể trên bởi vì các nhà lập quốc Bắc Mỹ vào thời thuộc địa đã e sợ bạo quyền của Vua nước Anh và muốn phòng ngừa chính quyền mới có thể phủ nhận các tự do căn bản của người dân. Lý thuyết Khế Ước Xã Hội (the social contract theory) của John Locke đã minh xác rằng người dân lập ra chính quyền để phục vụ các nguyện vọng của họ. Họ muốn thiết lập một chính quyền có đủ quyền lực để thi hành luật pháp và bảo vệ người dân, chứ không phải đàn áp người dân.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 18 cũng lo ngại rằng trong xã hội, khối người đa số sẽ dùng chính quyền để đàn áp khối người thiểu số, và khối đa số sẽ đặt ra các luật lệ để giới hạn các tự do của những người không đồng ý với mình. Nhưng làm sao cân bằng được các quyền lợi trừu tượng về tự do với các lợi ích cụ thể về trật tự, luật pháp và hòa bình? Sự tự do ngôn luận chẳng hạn thường bị đánh giá nhiều hơn theo cách trừu tượng, chẳng hạn như trong thời chiến, có người chủ trương nên đầu hàng và quyền phát biểu ý kiến này đã bị từ chối bằng các quy luật của tình trạng khẩn trương. Các nhà chính trị nắm quyền có thể lạm quyền, dùng tình trạng khẩn trương để giới hạn tự do ngôn luận.

Tự do ngôn luận là một quyền căn bản trong một xã hội tự do. Nền dân chủ sẽ bị đe dọa nếu người dân không được phép tự do chia sẻ với nhau các ý tưởng, diễn tả các ý kiến một cách cởi mở, thảo luận với nhau và ngay cả chỉ trích các nhân viên chính quyền và các chính sách công. Tuy nhiên, việc lạm dụng tự do ngôn luận cũng sẽ làm hại các cá nhân và xã hội, vì vậy cũng có các trường hợp trong đó quyền tự do ngôn luận của người dân bị giới hạn. 

Vào năm 1927, vị chánh án Tòa Tối Cao Louis D. Brandeis đã nói về ý tưởng trong Tu Chính Án Thứ Nhất như sau:Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tin tưởng rằng tự do suy nghĩ và nói ra được coi là cần thiết để khám phá và phổ biến các sự thật chính trị, và nếu không có tự do ngôn luận và hội họp, các thảo luận sẽ vô ích…, thảo luận công cộng là một nghĩa vụ chính trị và đây là nguyên tắc căn bản của chính quyền. 

Chính quyền có bổn phận bào vệ quyền tự do ngôn luận của người dân nhưng có lúc chính phủ được quyền giữ kín tin tức hoặc quan điểm mà không cho người dân Mỹ được biết; chẳng hạn như thông tin về một thất bại nặng nề của quân đội chúng ta trong thời chiến – dù là điều đó sẽ gây tranh cãi gay gắt, nếu không muốn nói gần như là chuyện bất khả thi trong thời đại Internet và điện thoại di động; hoặc nhớ lại khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ kiện tạp chí cánh tả Progressive vào năm 1979 để ngăn tạp chí này phát hành các thông tin chi tiết về cách chế tạo bom hydro. Vụ kiện đó đã bị hủy bỏ khi thông tin này xuất hiện ở các địa điểm công cộng khác.

Đến thế kỷ 21 kỷ nghệ thông tin phát triển, thì việc cấm đoán các báo cáo hoặc phân tích về các sự kiện hoặc xu hướng là không thể, hoặc gần như không thể. Nhưng những gì chính phủ có thể làm, và đã làm, là ngăn chặn quyền truy cập rộng rãi vào thông tin, dữ liệu, và thậm chí cả những dữ kiện mà chính phủ không tán thành. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể làm được với sự trợ lực của Big Tech — những công ty cung cấp đường liên kết tin tức trực tuyến, chẳng hạn như Google, và những công ty sở hữu các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter và Facebook: những đại doanh nghiệp mà hàng triệu người đang dựa vào để biết tin tức nào nóng hổi, những công ty mà tự cho mình trách nhiệm phân biệt thông tin nào là đáng tin cậy, và theo đó là phù hợp để mọi người đọc.

Tất nhiên, ví dụ rõ ràng nhất là việc Twitter chặn bài báo điều tra của New York Post về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden vào đêm trước cuộc bầu cử năm 2020 mà có thể qua đó ông Joe Biden đã trở thành tổng thống, lý do căn bản là người ta nghi ngờ rằng vụ bê bối của ông Hunter Biden không chỉ là thông tin sai lệch của Nga. Ngay cả người phụ trách điều hành cũ của Twitter cũng thừa nhận rằng vào thời điểm đó, “tôi cảm thấy không được thoải mái khi xóa nội dung này khỏi Twitter.”

Kiểu bảo mẫu này đối với công chúng Hoa Kỳ là một sự xúc phạm và lạm dụng quyền tự do ngôn luận, dựa vào cái cớ rằng mọi người còn quá non nớt hoặc cả tin để được giao phó cho tiếp cận quyền tự do của các sự kiện, phân tích, và quan điểm. Đặc biệt là khi xem xét rằng thông tin sai lệch, thiên kiến, có ý đồ ủng hộ đảng phái luôn được lan truyền khắp không gian mạng.

Hôm 04/07 vừa qua — trong một hành động chính đáng — Thẩm phán Terry Doughty của Tòa án Địa hạt Liên bang cho Khu vực phía Tây Louisiana đã cấm một loạt các quan chức chính phủ Tổng thống (TT) Biden, từ các thư ký trong nội các và tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc cho đến các nhân viên cấp dưới, không được tiếp xúc với các hãng truyền thông xã hội và các công ty truyền thông khác bao gồm Facebook/Meta, Twitter, YouTube/Google, WhatsApp, Instagram, TikTok, và Snapchat.

Hành vi bị cấm bao gồm “gặp gỡ các công ty truyền thông xã hội với mục đích thúc giục, khuyến khích, gây áp lực, hoặc xúi giục theo bất kỳ cách nào để loại bỏ, xóa bỏ, đàn áp, hoặc giảm bớt nội dung chứa quyền tự do ngôn luận được bảo vệ đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội”; “gắn cờ cảnh báo” nội dung; cố gắng để khiến các nền tảng này phải “thay đổi nguyên tắc của họ”; “yêu cầu những báo cáo nội dung từ các công ty truyền thông xã hội”; và “thông báo cho các công ty truyền thông xã hội cảnh giác (Be on The Lookout, BOLO) đối với các bài đăng có chứa quyền tự do ngôn luận được bảo vệ.” Các ngoại lệ của thẩm phán bao gồm thông tin liên quan đến “hoạt động tội phạm” và “các mối đe dọa an ninh quốc gia.”

Ông Doughty nói về hành vi của chính phủ TT Biden trong thời đại dịch COVID-19 rằng, “Nếu những cáo buộc của các Nguyên đơn là đúng, thì vụ kiện hiện tại được cho là liên quan đến cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm vào quyền tự do ngôn luận. Trong nỗ lực ngăn chặn cái được cho là thông tin sai lệch, Chính phủ Liên bang, và đặc biệt là các Bị cáo có tên ở đây, bị cáo buộc phớt lờ một cách không kiêng dè quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.”

Vụ kiện do Missouri và các tiểu bang khác đưa ra, với sự tham gia của các nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và các bên quan tâm khác. Họ đã cùng nhau phản đối sự kiểm duyệt do chính phủ thiết kế nhằm vào hầu hết các phát ngôn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, mà trong đó “thông qua các chiến dịch gây áp lực công khai, các cuộc họp kín, và các hình thức liên lạc trực tiếp khác,” chính phủ TT Biden đã “thông đồng với và/hoặc ép buộc các nền tảng mạng xã hội phải trấn áp những diễn giả, quan điểm, và nội dung không được ủng hộ trên các nền tảng truyền thông xã hội. Như vị thẩm phán đã nhận xét, “Tự do ngôn luận và tự do báo chí là điều kiện không thể thiếu của hầu hết mọi hình thức tự do khác.”

Những gì ông Biden và nhân viên của ông ấy đã làm không nằm trong phạm vi quyền hạn khẩn cấp mà tất cả chúng ta đều sẽ chấp nhận, chẳng hạn như ngăn cản ai đó thúc giục mọi người uống, chẳng hạn như liều lượng lớn strychnine để ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa. Những gì chính phủ và Big Tech đã đang kiểm duyệt bao gồm “ý kiến về thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm về nguồn gốc của COVID-19 … ý kiến về hiệu quả của khẩu trang và phong tỏa COVID-19 … ý kiến về hiệu quả của vaccine COVID-19 … ý kiến về tính liêm chính bầu cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 … ý kiến về tính bảo mật của việc bỏ phiếu qua thư … nội dung châm biếm các Bị cáo [toàn bộ các quan chức trong Chính phủ ông Biden … các bài đăng tiêu cực về nền kinh tế,” và “các bài đăng tiêu cực về Tổng thống Biden.”

Nói cách khác, chính xác là các loại ý kiến chính trị trong thời kỳ khủng hoảng đã được dự đoán bởi những người soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền.

Thí dụ hoàn hảo được các nguyên đơn dẫn ra là việc phát hành Tuyên bố Great Barrington tháng 10/2020, tuyên bố mà trong đó các bác sĩ và nhà khoa học cảnh báo về hậu quả sức khỏe thể chất và tinh thần của việc phong tỏa COVID, đã bị Google, Facebook, Twitter và những người khác kiểm duyệt như thế nào. Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố này được công bố, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cùng các quan chức khác đã tổ chức một chiến dịch để đàn áp và làm mất uy tín tuyên bố này. Thẩm phán Terry Doughty đã bác bỏ một kiến nghị của chính phủ TT Biden đối với việc giữ nguyên phán quyết ngăn cản các quan chức của chính phủ này có những liên lạc bị chính trị hóa với Big Tech. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về những vi phạm của chính phủ được mô tả trong bản ý kiến dài 155 trang của Thẩm phán Doughty. Khi các công ty mà hàng triệu người phụ thuộc vào để có tin tức và thông tin trên thiết bị di động của họ có thể bị hăm dọa phải thực hiện mệnh lệnh ý thức hệ của chính phủ, thì họ — và hàng triệu thiết bị đó — cũng có thể thuộc sở hữu của chính phủ. 

Tự do ngôn luận đã là nguyên do của nhiều vụ kiện trên Tòa Án Tối Cao. Ngôn luận có thể gồm nhiều hình thức. Tòa Tối Cao đã phân biệt ba loại ngôn luận: ngôn luận thuần túy (pure speech), ngôn luận với hành động (speech-plus action) và ngôn luận biểu tượng (symbolic speech). Quyền Tự Do Ngôn Luận sẽ không còn mỗi khi chính phủ cùng các cơ quan truyền thông, big Tech đứng về một phía và đất nước Hoa Kỳ trở thành một đất nước độc tài – Người dân không còn quyền Tự Do Ngôn Luận.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)