VNTB – Chung cư mini được hiểu và vận dụng như thế nào trong văn bản pháp luật?

VNTB – Chung cư mini được hiểu và vận dụng như thế nào trong văn bản pháp luật?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm “chung cư mini”.

 

Chung cư mini là gì?

Nhà chung cư được giải thích theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 như sau:

“3. Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.

Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm “chung cư mini”.

Tuy nhiên, có thể hiểu chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng, gồm có từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ thường có diện tích từ 25m2 – 50m2, phù hợp với người có thu nhập thấp hay gia đình ít người.

Lưu ý: Trường hợp là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội.

Hộ gia đình có được quyền xây dựng chung cư mini?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 43, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23-06-2010 quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Nhà ở thì:

“Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở”.

Điều 70, Luật Nhà ở quy định:

“1. Nhà chung cư là nhà ở có từ hai tầng trở lên, có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nhà chung cư có phần sở hữu riêng của từng hộ gia đình, cá nhân và phần sở hữu chung của tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư.

2. Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:

a) Phần diện tích bên trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;

b) Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng theo quy định của pháp luật;

c) Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu riêng.

3. Phần sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm:

a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào;

c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó”.

Như vậy, hộ gia đình hoặc cá nhân (không đăng ký doanh nghiệp để thực hiện việc kinh doanh) vẫn có thể xây dựng loại nhà ở thường được gọi là chung cư mini theo các tiêu chuẩn được viện dẫn ở trên.

Về việc có được bán căn hộ trong các nhà ở đô thị được gọi là “chung cư mini” thì, theo quy định tại khoản 5, Điều 43, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP: “Đối với nhà ở có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này mà hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó; hộ gia đình, cá nhân chỉ được bán, cho thuê các căn hộ này sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các căn hộ đó. Khi bán căn hộ thì hộ gia đình, cá nhân phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung”.

Hạn chế quyền

Hiện nay theo quy định của pháp luật, người mua căn hộ chung cư mini có thể được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà. Tuy nhiên, để được cấp sổ đỏ và chia tách sổ đỏ, chung cư mini phải đảm bảo đầy đủ các quy định chặt chẽ về pháp lý.

Thực tế, khác với xây nhà trên đất, đối với chung cư mini, các chủ sở hữu chung cư mini không thể đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà được, phải phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư.

Đây là một trong những yếu tố thể hiện rằng người mua căn nhà này bị hạn chế một số quyền theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số hoạt động liên quan như không thể chuyển đổi một cách hợp pháp được, không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, không thể thừa kế hay thực hiện một số quyền dân sự khác.

Năm 2020, Bộ Xây dựng có công văn đề nghị các địa phương siết chặt quản lý nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Trong đó nêu ra những hệ lụy như: nguy cơ cháy nổ cao, gia tăng mật độ dân số gây ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị…Thế nhưng, khi chưa có một chế tài cũng như quy định cụ thể, việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều chung cư mini mới vẫn tiếp tục mọc lên.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)