Trấn Biên
(VNTB) – Với những gì đang diễn ra cho thấy dường như Chính phủ Việt Nam tin rằng cứ việc dồn khó cho dân, vì “khó trăm lần, dân liệu cũng xong” (!?)
“Chúng tôi thất vọng!”. Đó là lời kết trong một trao đổi tính cách cá nhân của một đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo vào tối ngày 19-7-2021.
Trong những tranh luận, thường thấy xung quanh chuyện chống dịch và tổn hại kinh tế, luận điểm quen thuộc là một trong hai thái cực. Thứ nhất, chống dịch như vậy thì người dân không có việc làm, gặp nhiều khó khăn kinh tế trong khi nhiều người phải chạy ăn từng bữa thì phải làm sao.
Thái cực còn lại là nếu dịch bệnh lan rộng thì cũng không làm ăn được, kinh tế cũng bị tổn hại thôi, phải cố gắng cầm cự cho “hết dịch”. Nhưng bao lâu thì “hết dịch”? Đã hơn một năm rồi, chưa có dấu hiệu gì sẽ hết dịch cả. Số biến chủng virus thì ngày càng phức tạp: Ấn Độ vừa công bố hai biến chủng mới của Delta.
Vị đại diện doanh nghiệp kể ở đầu bài viết này, kể:
“Đợt dịch này em thấy dân và các doanh nghiệp tốn chi phí nhiều. Như Đồng Nai, các doanh nghiệp phải làm test Covid 100% cho người lao động, chi phí doanh nghiệp tự trả. Dân cũng phải tự trả. Trong khi tiền thuế đóng hàng tháng mỗi người lao động lại rất cao. đóng nhiều nhưng lại chưa có sự trợ cấp gì nhiều về mặt y tế hay an sinh xã hội.
Công ty em làm bên Khu công nghiệp Sóng Thần 1, công ty chủ động cho toàn bộ công nhân test Covid thì phát hiện 2 người bị F0, và công ty lại cho test 1 lần nữa toàn bộ nhân viên bằng PCR, thì vẫn là 2 người F0, không có triệu chứng gì. Mà trước đó hơn 2 tuần công ty đã cho các nhân viên làm việc tại nhà, chỉ còn lại công nhân.
Giờ CDC Bình Dương lại bắt công ty test lại Covid bằng PCR lần nữa, trong khi vừa làm test xong có 3 ngày. Mà mọi người đều ở lại nhà máy, chỉ nhóm nhỏ tiếp xúc với người F0 thôi, em thấy lãng phí tiền quá, mà mỗi lần CDC họ xuống chi tiền đâu phải ít (!?).
Công ty có đề nghị xin cho nhà máy vẫn hoạt động vì chỉ có ít công nhân ở công ty à, CDC Bình Dương lại yêu cầu đóng cửa nhà máy luôn. Thiệt khổ gì đâu. Bởi số F2 thì đâu cần phải đi cách ly tập trung, trong khi công ty có đầy đủ để cho họ vừa làm việc vừa cách ly với xã hội.
Chính phủ không hỗ trợ gì cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng lại bắt chi phí những cái lãng phí cho doanh nghiệp trong thời dịch bệnh này. Trong khi đó doanh nghiệp và người lao động đóng tiền bảo hiểm cũng rất nhiều. Giả sử như em đóng chi phí bảo hiểm mỗi tháng gần 3 triệu, doanh nghiệp phải đóng thêm nữa 22% , vậy tổng là đóng cho em cũng gần 9 triệu một tháng bảo hiểm, vậy người lao động và doanh nghiệp đã được hỗ trợ điều gì?
Trong khi đó dịch Covid 2 năm qua, các doanh nghiệp họ rất lao đao, họ cố gắng vẫn giữ các chế độ và tiền lương cho nhân viên toàn công ty, đảm bảo việc làm cho công nhân nên họ đã bị thua lỗ rất nhiều trong 2 năm. Nay những việc làm như thế này làm cho doanh nghiệp nước ngoài thất vọng về chính sách của Việt Nam và lại đẩy họ vào phá sản nữa…
Xin hãy lên tiếng giúp tụi em với!”
Kêu cứu ở trên là không cá biệt. Theo một khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cả nước do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiến hành, có đến 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% là doanh nghiệp tư nhân và 74,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đây là thành phần tạo ra việc làm lớn nhất của nền kinh tế, có nghĩa là lực lượng lao động chủ chốt của nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn. Nếu chưa có gói cứu trợ kinh tế nào được đưa ra, thì cũng cần điều chỉnh cách mà một số cơ quan y tế đang đưa ra với lý do ‘phòng chống dịch theo Chỉ thị 16’.