Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện 3 năm qua với Thiền am bên bờ vũ trụ

Tanya Nguyễn-Đỗ

 

(VNTB) – Điều buồn nhất là các bé của tôi ở Thiền Am sẽ không có một cơ hội nào nhận được một phần thuế tôi gửi cho trẻ em Việt Nam qua hàng trăm triệu đô la viện trợ cho Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ.

 

Thấm thoát đã gần 3 năm từ khi tôi dấn thân vào chuyện Thiền Am. Nhớ lại lúc đó người đồng hành cùng tôi chỉ có người bạn thân Google. Thế mà từng bước và nhờ sự gia hộ của đấng thiêng liêng, tôi đã gặp người cần gặp, và ngoài công việc cứu người, chúng tôi trở thành một gia đình lớn giúp đỡ cho nhau.

Tôi đã thay đổi rất nhiều, không còn rụt rè trong cộng đồng, tiếng Việt khá hơn, còn biết hát và làm YouTube. Chung quanh tôi tuy có rất nhiều Fan Thiền Am, nhưng không ít Antifan, nên tôi lúc nào cũng đề phòng và hầu như ít chia sẻ công việc. Vai tôi gánh nặng trách nhiệm vô hình, tôi sả thân cố gắng trau dồi kinh nghiệm của người đi trước.

Tôi càng học thì con đường khó khăn lại càng mịt mù xa thẳm.

Ba năm rồi, Thiền Am và tôi vẫn cách nhau nửa vòng trái đất, chưa một lần gặp mặt. Tôi tò mò muốn biết là họ còn nhớ tôi, hoặc có biết rằng tôi, người vô tình là thầy dạy Anh văn online của họ, chưa một ngày không nghĩ về họ.

Tôi bôn ba, tay đẩy hành lý, tay ôm niềm hy vọng cho họ trên những chuyến bay định mệnh xa gần.

Ba năm rồi, với sự giúp đỡ của gia đình lớn, tôi đã làm quen với những buổi họp quốc tế, hoặc những cuộc họp liên minh bàn tròn. Chuyện tôi kể ở những nơi đó là vấn nạn của Thiền Am. Cho dù chính quyền Việt Nam đổ oan họ thế nào, cả thế giới xem họ thế nào, tôi vẫn là người kể một câu chuyện đau thương mà nạn nhân là những người tu tại gia, đã bị những người có chức vụ quan trọng trong Phật giáo quốc danh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hãm hại.

Tôi đã từng viết những lá đơn từ gửi cho chính phủ Việt Nam với trách nhiệm để giúp họ nhìn thấy sự thật cũng như sự nhắc nhở là phải tôn trọng Hiến Pháp Việt Nam và những văn bản quốc tế liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã ký.

Ba năm rồi, tôi nung nấu từng chữ, cũng như lòng can đảm để viết xuống những văn bản báo tin tội phạm, gửi đến Đại Sứ Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhờ chuyển đến những Cơ Quan Điều Tra của Việt Nam. Trong đơn tôi không bình luận đúng hay sai của bản án, nhưng tôi đã trình bày và so sánh những gì tai tôi nghe, mắt thấy và tin tức trên mạng truyền thông với các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Nạn nhân là Thầy Nhất Nguyên, nhìn hình dáng đã thay đổi rất nhiều, gương mặt có vết bầm, tiều tụy, nặng trĩu nỗi đau buồn, mái tóc không được cạo chưa làm quen với người tu hành. Trong đơn, tôi nhấn mạnh về Điều 1, Công ước chống tra tấn của LHQ mà Vietnam đã ký kết tham gia năm 2013.

Ba năm tôi chăm chỉ trong những lớp về luật Việt Nam, nghiền ngẫm điều 24 trong Hiến Pháp, Điều 5 và 6 Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo 2016, bảo đảm sự tự do tôn giáo cho mọi người.

Người tu vẫn có thể tiếp tục theo tôn giáo và niềm tin của mình. Điều 4, Luật thi hành án hình sự, 2019 – phải tuân thủ Hiến Pháp, kết hợp trừng trị và cải tạo giáo dục trên nguyên tắc tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của phạm nhân.

Điều 10, Luật thi hành án Hình Sự 2019, nghiêm cấm tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, hạ nhục người đang chấp hành án.

Tôi không khỏi kinh ngạc vì Lê Thanh Nhất Nguyên trên truyền hình đang được công an đọc bản án, không nói lên được những điều ông muốn nói ghi trong  Hiến Pháp của Việt Nam và Công Ước Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký về điều luật Chống Tra Tấn.

Ba năm tôi kể câu chuyện về Thích Nhật Từ, Thích Minh Thiện,  khoác áo cà sa, miệng niệm A Di Đà, tay ôm tiền, tim không từ bi, hại người vô tội. Chùa của họ to, nhưng chứa đầy oan nghiệt, máu và nước mắt của người Thiền Am.

Ông Trần Ngọc Thảo( Thích Nhật Từ) đã làm đơn tố giác cụ Lê Tùng Vân nói và so sánh ông “ngu như bò”. Câu nói này đã xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của ông Thảo, nên gia đình cụ Lê Tùng Vân đã bị tòa kết án 23 năm 6 tháng tù.

Trong trường hợp này tôi xin mượn câu người đời thường hay nói “không có lửa thì sao có khói”.

Ông Thích Nhật Từ đã từng cáo buộc ông Lê Tùng Vân có dấu hiệu là “loạn luân”. Sự hạ nhục vô cớ này gây nhục nhã về nhân phẩm đạo đức của cả tổ tiên gia đình cụ Lê Tùng Vân. Tội này gấp triệu lần, thì tòa nên xử thế ông Thảo nào cho đáng tội? Đền bù cho danh dự tổ tiên của cụ Lê Tùng Vân, như thế tòa có nên để án là” TÙ CHUNG THÂN ?” cho Thích Nhật Từ không.

Ông Trần Ngọc Thảo từng tuyên bố chỉ khi tham gia vào PGVN thì mới là người Phật Giáo chân chính. Ông đã vi phạm vào điều luật 5 của Luật Tín Ngưỡng Tôn giáo 2016 về những điều cấm không được làm. “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội…” Ông Thích Nhật Từ không hiểu điều này không nên cạo đầu đi tu.

 

Phật ơi…Đâu là TỪ BI! Đâu là NHÂN ÁI!

Vụ án ông Lê Tùng Vân, tôi hy vọng ông sẽ được công bằng và bình đẳng trong pháp luật Việt Nam. Trong Luật Hình Sự 2015 Điều 16 (điểm b Khoản 1) Việt Nam quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội…”

Ba năm tôi nghiền ngẫm từng bài học về nhân quyền, về tự do tôn giáo để bảo vệ cho những người không có tiếng nói. Họ bị trừng phạt vì có tinh thần thép của một tôn giáo tuy bé nhỏ nhưng đầy sự hãnh diện, bất khuất dưới sự thống trị của những người gian ác núp dưới bóng đạo vàng.

Ba năm rồi, mắt tôi yếu đi nhiều vì tay tôi không ngừng nghỉ viết lên lời kêu oan. Giấc mơ của tôi là câu chuyện buồn, người lái thuyền trên ngọn sóng to, đầu mang nặng sự giận dữ của giông bão, chân phải chịu sự phẫn nộ của phong ba mà không tiếc thương cho con thuyền nhỏ.

Ba năm tôi mòn mỏi như con tằm nhả tơ, không dám nghỉ ngơi vì biết rằng từng giây từng phút là sự mong đợi của nạn nhân đã bị bỏ quên sau bốn bức tường của nhà tù lạnh lẽo và đầy đau thương.

Vài tháng trước tôi nhận được tin buồn sự ra đi của cô Lê Thu Vân, cô là học trò đầu tiên của cụ LTV, cô có nhiệm vụ ngâm bài thơ “Hồng Hạc’, dấu ấn của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ trong dịp Tết đầu năm chúc thọ Sư Phụ. Truyền thống này đã có từ lâu trong gia đình Thiền Am, những thành viên đều cúi đầu tôn kính bái thầy.

Tiếc thay, những quan chức Giáo hội Phật giáo đã kết án là cụ Lê Tùng Vân mạo nhận mình là Đức Phật, vì chỉ có Đức Phật mới được sự lạy bái như thế! Cô ra đi trong tủi buồn oan ức. Những lâm chung, cô sống trong đau đớn của bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhưng cô vẫn bị nhân viên công an đến giường bệnh nhiều lần và bắt cô phải ký vào biên bản nhận tội. Họ không có chút tình nhân loại.

Ba năm qua với nhiều thăng trầm thử thách và cuối cùng tôi đã hoàn tất được Văn bản Báo tin Tội phạm. Ai là nạn nhân? Ai là tội phạm? Ai là người tu? Trong lớp học Luật mà tôi chăm chỉ tìm hiểu về Hiến Pháp và các Điều Luật của Việt Nam với trách nhiệm, bổn phận và lương tri của người đại diện cho Thiền Am, tôi chỉ trình bày sự thật trắng đen theo Luật LHQ mà Việt Nam là thành viên trong ủy ban Nhân Quyền để tránh xúc phạm quốc gia Việt Nam.

Ba Năm câu chuyện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ được sự quan tâm ghi nhận của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong bài báo cáo về Tự Do Tôn Giáo 2023, cụ Lê Tùng Vân cũng được tôn vinh trong Hội Nghị Liên Minh Thượng Đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế Cấp Bộ trưởng ở Prague 2023 (IRFBA), Hoa Kỳ là một trong 42 Quốc gia Liên minh và Bà Chủ tịch Fiona Bruce cũng đã lên tiếng yêu cầu Trả Tự Do cho Cụ Lê Tùng Vân trên website của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ 2023, USCIRF cũng chứng minh Cụ Lê Tùng Vân và 5 thành viên đang thi hành bản án là Tù Nhân Lương Tâm về Tôn Giáo.

Ba năm tôi cố gắng giữ hai chữ ‘Hy vọng”, cho tôi và cho những học trò bất hạnh. Ước mơ của họ là một lần nữa được tròn chữ Hiếu với người nuôi dưỡng. Ước mơ của tôi là có đôi đũa thần biến đó là sự thật. Tôi tin vào sự nhiệm mầu của Phật Trời, tin Nhân quả, nhưng trầm luân là áng mây đen đang bao quanh chúng tôi.

Ba năm tôi đau xót khi thấy nước Việt Nam nhận cả trăm triệu đô la từ viện trợ từ quê hương thứ hai của tôi, nhưng điều buồn nhất là các bé của tôi ở Thiền Am sẽ không có một cơ hội nào nhận được một phần thuế tôi gửi cho trẻ em Việt Nam qua viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam đã nhận hàng triệu học bổng, để con em họ hấp thụ sự hoàn mỹ, nâng cao trí tuệ và giá trị con người. Sự may mắn của họ là tiền mồ hôi nước mắt mà chúng tôi rất trân trọng trao tặng trong việc giúp đỡ cải tiến, cũng như gầy dựng tương lai cho các em sinh viên Việt Nam.

Tôi thân thương gửi đến các em lời chúc may mắn và nhiều thành công trên đường học vấn. Mong sao các em sẽ chia sẻ, và đóng góp sự học hỏi về tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo để một tương lai Việt Nam sẽ không làm khó con dân mình.

Tôi hy vọng Việt Nam sẽ là một thành viên xuất sắc nhất trong LHQ để tránh tình trạng khó xử qua những chất vấn về những vi phạm Nhân Quyền và Tôn Giáo trong những Hội Nghị Rà Soát của LHQ nhiều năm qua.

Ba năm đủ cho con người thay đổi, tôi đã thay đổi theo hoàn cảnh và sẽ tiếp tục thay đổi để tìm được ánh sáng trong đường hầm. Quê Hương tôi đem đến cái đẹp và nhiều tinh hoa đến Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ sớm thấy một Việt Nam, ngoài hương thơm của bông lúa, người dân còn được sống trong hạnh phúc có quyền con người cũng như sự tự do lựa chọn niềm tin tín ngưỡng.

Tôi hy vọng lá đơn của tôi đã gửi cho chính quyền Việt Nam sẽ nhận được sự trả lời trong tinh thần xây dựng và tích cực, và tôi cũng hy vọng sẽ không còn phải là nạn nhân bị tấn công xuyên quốc gia như trong ba năm qua.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam ‘chưa’ xác nhận chuyện xuất cảnh của 3 luật sư ở vụ tịnh thất Bồng Lai

Do Van Tien

VNTB – Có “dẫn độ” được vụ 3 luật sư “tịnh thất Bồng Lai” đang ở Hoa Kỳ?

Do Van Tien

VNTB – Vắng ‘bị hại – người làm chứng’ thì biết đâu đó là trò ‘ném đá giấu tay’ hèn hạ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.