Tư Hoài Lang
(VNTB) – Nghe đâu ông tổng đốc Hà Nội vừa đăng quang đã thề nguyện đủ thứ trước quốc dân thủ đô, thật ra là người được Bộ Chính trị chơi trò ‘xếp gạch’, chẳng có mấy dân chúng Hà Nội biết thực tài của tân tổng đốc Hà Nội.
“Nếu mang so ngài tổng đốc với bà thị trưởng Tokyo, tin chắc không ai nói dóc bằng ngài tân tổng đốc” – một ký giả đã nghỉ hưu ở Sài Gòn nhận xét.
Số là vầy, về tuổi tác thì bà thị trưởng Tokyo lớn hơn đến ngoài con giáp so với ngài tân tổng đốc Hà Nội. Khác hẳn ngài tổng đốc có bề trên là cả nguyên Bộ Chính trị, với bà thị trưởng Tokyo thì bà phải tự thân ứng chiến. Bởi cuộc bầu cử Thị trưởng Tokyo được ví như một “đấu trường”, mà nhiều ứng cử viên coi là cơ hội tiếp thị chương trình hành động và năng lực bản thân với người dân thành phố.
Nghe đâu trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 vừa qua, bà thị trưởng Tokyo tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, và bà đã vượt qua 21 đối thủ khác để giành thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thị trưởng Tokyo được bầu chọn công khai. Sự kiện này được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất ở Nhựt Bổn. Với số bạc tương đương chưa đến 30.000 USD, mỗi ứng viên có vài phút để trình bày bất cứ thứ gì họ muốn trên đài NHK, gửi một tuyên bố chính thức đến từng hộ gia đình ở Tokyo; và chọn một vị trí ngoài trời đắc địa trên mỗi con phố ở thủ đô để trưng các áp phích tranh cử của mình trong 2 tuần – tin tức trên Tokyo Review cho hay như vậy.
Trong sự nghiệp của mình, trước khi ngồi vào ghế Thị trưởng Tokyo tháng 7/2016, bà từng giữ chức Bộ trưởng Môi trường dưới thời nội các của Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2003, và chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2007 trong nội các của Thủ tướng Abe Shinzo. Điều đó chứng tỏ ở bà hội tụ rất nhiều yếu tố về năng lực, và phẩm chất để người dân thủ đô Nhựt Bổn tin tưởng bầu chọn bà tiếp tục ở vị trí thị trưởng Tokyo thêm nhiệm kỳ nữa.
Trúng cử thêm nhiệm kỳ thứ 2, bà thị trưởng Tokyo đã làm được điều hiếm có bởi trước đó Tokyo từng phải trải qua 3 đời thị trưởng chỉ trong 5 năm, và tất cả đều không thể ngồi ghế trọn nhiệm kỳ 4 năm.
Sòng phẳng và minh bạch bởi đây là lá phiếu của người dân xứ Phù Tang.
Mà đâu chỉ có ở đất nước mặt trời mọc Nhựt Bổn, người ta còn bắt gặp cung cách sử dụng người tài qua tự do cạnh tranh ở xứ sở Kim Chi.
Năm 1999, Hàn Quốc thực hiện hệ thống chức danh cạnh tranh mở (Open competitive position system) để tuyển chọn nhân tài và chuyên gia từ cả khu vực tư nhân và khu vực công vào hệ thống công chức cấp cao.
Các bộ phải dành 20% các chức danh từ bậc 4 trở lên là chức danh cạnh tranh mở, theo đó, có 142 chức danh trong 40 cơ quan chính phủ được chọn là chức danh cạnh tranh mở. Khi có chức danh trống thì tiêu chuẩn tuyển chọn chức danh đó phải được thông báo công khai trên báo chí. Bất cứ ai đáp ứng tiêu chuẩn đều có thể đăng ký và được tuyển chọn công bằng.
Ở Việt Nam thì sao? Đó là câu chuyện của “cán bộ nguồn”.
Cụ thể thời sự luôn: hiện tại Việt Nam có 180 cán bộ được quy hoạch trung ương khóa XIII. Đây chính là một phần chuẩn bị cho nhân sự Đại hội XIII sắp tới. Số cán bộ này được chuẩn bị vào các chức danh cấp trưởng ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội ở trung ương giai đoạn 2020-2025, chức danh bí thư tỉnh, Thành ủy giai đoạn 2021-2026.
Tất cả khi được nằm trong danh sách “cán bộ nguồn”, thì sẽ được “luyện gà” ở một nơi có tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa là “lá phiếu” bầu chọn sẽ chỉ loanh quanh 180 cán bộ nguồn mà Bộ Chính trị đã quy hoạch.
Còn việc “quy hoạch” ấy có bao nhiêu phần trăm liên quan đến gửi gắm của phe nhóm quyền lực, đến “anh hai, anh ba, chị tư…” bề trên, thì quả là chuyện mà thứ dân dám luận bàn công khai sẽ dễ bị rắc rối với nhà chức trách lắm luôn, chứ đừng mơ đến lá phiếu dân chủ kiểu như người dân Tokyo như kể ở phần trên.
Dài dòng làm gì, cứ việc nhìn vào ngài tổng đốc Hà Nội với ‘nụ cười Hòa Thân’ là đủ hiểu rồi mà…