Hoài Nguyễn
(VNTB) – Ba khóa Quốc hội gần đây, rất nhiều thiếu sót hoặc khiếm khuyết trong khâu làm luật của Quốc hội đã bộc lộ, thậm chí có đạo luật rất quan trọng chưa kịp có hiệu lực đã bị sửa đổi, bổ sung lớn như Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vừa qua Quốc hội có cuộc thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn tỉnh An Giang) nêu lên quan ngại về liêm chính trong xây dựng pháp luật, với nguy cơ Quốc hội thành ‘phòng kín’ để chia chác quyền lực.
Ông Nguyễn Mai Bộ nói rằng điều này là “tối cần thiết”, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật.
Không có liêm chính sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều “khuyết tật”, biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo “hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác”…
Mặc dù khẳng định đa số các văn bản được Quốc hội thông qua là có liêm chính, đã một phần tạo ra thể chế tốt đẹp để đạt được thành tựu của nhiệm kỳ, nhưng đại biểu Nguyễn Mai Bộ vẫn nhấn mạnh, “còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý” trong xây dựng pháp luật, dù rất ít.
Ông Bộ đề nghị cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật; đề nghị đại biểu Quốc hội luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.
Có vẻ như đại biểu Nguyễn Mai Bộ đang rào trước – đón sau với sự dè dặt trong cách dùng câu từ để chỉ chuyện chia chác quyền lực công khai tại nghị trường thông qua cái gọi là ‘làm luật’, ‘thông qua dự luật’. Tên gọi đúng nhất ở đây và cũng dễ hiểu nhất, đó là giờ đây có tham nhũng muôn màu sắc và rối rắm như khối rubik biến ảo.
Tham nhũng qua khâu quyết định chính sách và làm luật thì kín đáo, nhưng độ phá hoại cực cao – ví dụ như một ngành cùng nhau chạy thiết kế chính sách và qui định pháp luật để mở một trường đại học, đưa con cháu cán bộ trong ngành vào đó học, rồi xếp sắp công việc cho các cháu ở trong ngành sau khi các cháu ra trường.
“Trong 72 đạo luật được Quốc hội khóa 14 thông qua thì vẫn có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các quỹ tài chính ngoài ngân sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội), nhận xét. Trên thực tế, theo bà Mai, vẫn đang có hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.
“Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách là các quy định liên quan đến quản lý đất đai, bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, ưu đãi thực hiện về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền các dự án những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói tiếp.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng của Đoàn tỉnh Bến Tre, nói rằng có dấu hiệu của ‘lobby’ không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.
Ghi nhận ý kiến bên lề Quốc hội, theo Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần xây dựng cơ chế tham gia giám sát của các tổ chức xã hội đối với chuyện lập pháp của Quốc hội. Bởi trong các vai trò của các tổ chức xã hội, tham gia giám sát là khó khăn nhất do chưa có cơ sở pháp lý quy định rõ trách nhiệm và cơ chế cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, do chưa có luật thành lập và hoạt động hội, nên hiện nay một số hội coi quy định nhiệm vụ trong điều lệ của mình đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền là điều kiện có tính pháp lý để triển khai hoạt động. Tuy nhiên, điều lệ không phải là văn bản quy phạm pháp luật có tính áp dụng chung, nên sẽ không thuận lợi cho hiệp hội, tổ chức xã hội khi tham gia các quan hệ xã hội có tác động ra bên ngoài.
“Nếu nói Quốc hội có nhiệm vụ làm luật, thử hỏi tại sao lâu nay cử tri chưa bao giờ thấy các đại biểu Quốc hội chất vấn về chuyện làm luật đối với Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước?” – luật sư Trần Thành, thắc mắc.