Dương Xuân Lương
(VNTB) – Cơ bút là phương tiện để liên lạc với thế giới vô hình đã có từ lâu trong xã hội. Ai cũng có quyền dùng cơ bút, đó là quyền tự do về niềm tin.
Xã hội có vô số đàn cơ nhưng Đức Thượng Đế tuyên bố chỉ có một đàn cơ dạy về Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) và giao nhiệm vụ cầu cơ cho 15 người. Phổ Cáo Chúng Sanh ĐĐTKPĐ (13-10-1926), trang 06 dạy: “Vậy các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi kia đừng vội tin mà lầm mưu Tà-Mị” (1).
40 năm sau, cộng sản lập ra CQPTGL, có bộ phận Hiệp Thiên Đài (HTĐ) có đồng tử cầu cơ để phục vụ lợi ích của đảng và triệt hạ Hội Thánh Cao Đài, do vậy người Đạo Cao Đài có quyền đối chiếu, trình chánh sự thật trước công luận.
CQPTGL tuyên bố mục đích: … một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhứt giáo lý, tức là tinh thần vậy; để các con sẽ gặp nhau, quy nguyên ở vị trí duy nhứt, tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo (1965). Vậy sự thật như thế nào?
Ngày 22-9-1970, bộ phận HTĐ CQPTGL đến lập đàn cơ tại Nam Thành Thánh Thất và Đức Hộ Pháp (ĐHP) dạy:
“Đây Bần Đạo trở lại vấn đề ngày 23 tháng 8. Ngày này là ngày Khai tịch Đạo để mọi người, trong tâm thành chí thiện, ý thức kết hợp thành một khối, để chuẩn bị đủ dữ kiện cho ngày Rằm tháng 10 Khai minh Đại đạo trước nhân loài, trước quốc tế.”
1/- CQPTGL biết đàn cơ của họ là củi mục.
Đức Cao Đài dạy: Đạo Đức thể hiện qua hành động, đó là khuôn thước để xét mục đích của CQPTGL.
1/- Mục đích tạo một nhịp cầu.
Ngày 22-11-1972 điệp viên U4 Đinh Văn Đệ và Trần Chí Thành về họp với Hội Thánh Cao Đài và nhiều chi phái tại Hội trường Ban Thế Đạo để thành lập Hội Đồng Vận Động Thống Nhất ĐĐTKPĐ.
Tại sao nhị vị không trình nội dung ĐHP dạy đổi Ngày Khai Đạo thành ngày Khai minh Đại Đạo đến Hội Thánh Cao Đài để thực hiện một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhứt giáo lý, …
Quyền công chánh là chánh pháp của ĐĐTKPĐ, tại sao hai vị đại diện cho CQPTGL làm Thư ký lại không trình ra giữa phiên họp?
1.2/- Mục đích tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo.
Đức Thượng Đế lập Pháp Chánh Truyền là dạy lập Thánh thể của Ngài, thay mặt Ngài để phổ độ nhơn sanh. Năm 1931 Đức Cao Đài dạy lập ra Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh (Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh) là chánh trị đạo để Thánh thể có đủ quyền hành. Đến năm 1934 thì Luật lệ Chung Các Hội và Nội Luật Ba Hội đã hoàn thành. Đó là chánh pháp của ĐĐTKPĐ.
Năm 1974 Hội Thánh mở Đại Hội Nhơn Sanh (ĐHNS), đó là chánh pháp của đạo, thể hiện cho tự do trong đạo đức, dân chủ có nhân quyền.
Tại sao CQPTGL không làm một đề nghị, một luận văn đệ trình nội dung đàn cơ năm 1970 để ĐHNS xem xét?
Mục đích tri hành theo chánh pháp của Đại Đạo phải chăng chỉ có nơi lỗ miệng của CQPTGL?
Phải chăng CQPTGL tự biết đàn cơ trên là củi mục nên không dám trình ra? Phải chờ đến khi cộng sản cốt Hội Thánh Cao Đài, lập chi phái 1997 ông Lê Anh Dũng thánh danh Huệ Khải mới bưng ra trình chánh?
2/- Lý Giáo Tông dạy ĐĐTKPĐ và Lý Giáo Tông dạy CQPTGL.
Tại sao Đức Lý Giáo Tông dạy Hội Thánh Cao Đài và dạy cho CQPTGL trái ngược nhau?
2.1/- Đức Lý Giáo Tông dạy ĐĐTKPĐ (1934).
Khi Chức sắc tách ra lập Chi phái, Ngài định dùng pháp luật đạo để sửa trị, Đức Chí Tôn bảo để cho Ngài dạy dỗ. Đức Lý từ nhiệm Giáo Tông. Cha và Anh Cả bất đồng làm cho ĐHP không biết phải nghe theo ai suốt 6 tháng trường. Một đêm nọ Đức Lý cầm ĐHP ngồi trên bàn từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng để giải thích mọi lẽ nên hư, nói đủ lẽ nguy tướng của Đạo, nếu không quyết định thì đi khỏi nền Đạo Cao Đài trước tốt hơn. ĐHP hiểu nên đồng ý lập Đạo Nghị Định.
Chánh pháp ĐĐTKPĐ có ba đài mà Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài hiệp lại dâng sớ nên Bát Quái Đài chấp thuận. Đức Chí Tôn rất buồn nhưng giáng cơ dạy thiết lễ đăng điện cho Đức Lý Đại Tiên tái thủ quyền hành Giáo Tông. Đó là bối cảnh của Đạo Nghị Định Thứ Tám (25-8-1934).
… Chiếu y các Thánh Giáo của Chí Tôn.
Nghĩ vì Ðạo duy có một.
NGHỊ ÐỊNH
Ðiều thứ nhứt: – Những Chi Phái nào do bởi Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.
Cũng trong đàn cơ trên, Đức Lý Giáo Tông dạy: … Lão còn cầm quyền ngày nào, thì Lão quyết trừ diệt những kẻ tà tâm cho tận tuyệt. Lão nói thật, nền Chánh Giáo của Chí Tôn phải ra thiệt tướng, bằng chẳng vậy, thà Lão thối bước lui chơn hơn thấy Thánh Thể của Người phải ra ô trược.
Đức Lý Giáo Tông dạy ĐĐTKPĐ là gốc, từ có gốc mới có chi phái. Mới có qui nhứt chi phái năm từ năm 1964, có hiến chương 1965: TÒA THÁNH Trung Ương (Tây Ninh) là nguồn gốc khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Điều 19), có 09 Điều Kiện Qui Nhứt năm 1969. Pháp luật đạo phải áp dụng nghiêm minh.
2.2/- Đức Lý Giáo Tông dạy CQPTGL (1986).
Ngày 28/3/1986 – Giáo Tông Ðại Ðạo: Ðối với các Chi Phái, Cơ quan sinh sau đẻ muộn, nhưng chẳng khác nào ngọn hải đăng chiếu sáng giữa đêm trường bão tố. Sứ mạng của Cơ quan vô cùng trọng đại … Phải xác lập một nền tảng cơ bản thật vững chắc cho Ðạo mà các Chi Phái khác không lưu tâm.
Đức Lý Giáo Tông dạy CQPTGL không có gốc, chỉ có các chi phái, là cá mè một lứa là trái ngược với điều đã dạy ĐĐTKPĐ.
Có phải Đức Lý Giáo Tông học bản án “Cao Đài” ngày 20-7-1978 của cộng sản: Đạo Cao Đài bị phân hoá chia ra nhiều Chi phái. Trong đó, phái Cao Đài Tây Ninh do Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc cầm đầu là phái có ảnh hưởng và tín đồ nhiều nhất … để dạy CQPTGL như vậy chăng?
2.3/- Đối chiếu và kết luận về Đức Lý Giáo Tông: Cơ bút CQPTGL tạo ra Đức Lý Giáo Tông trái ngược với Đức Lý Giáo Tông ĐĐTKPĐ. Đức Lý Giáo Tông CQPTGL để phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản qua bản án “Cao Đài” ngày 20-7-1978; để tạo mê tín dị đoan, để diệt Đạo Cao Đài.
3/- Đức Chí Tôn dạy ĐĐTKPĐ.
Đức Chí Tôn lập ĐĐTKPĐ là lập QUỐC ĐẠO cho nhơn loại, theo đó QUỐC có nghĩa là phần hữu hình là tôn giáo nên có chánh thể, có tổ chức làm phương tiện để đạt được cứu cánh là ĐẠO là vô vi. Đạo Cao Đài có phần hữu hình là thể pháp tôn giáo và phần vô vi là bí pháp của đạo, cả hai liền lạc nhau như hai mặt của một bàn tay, biến hóa như âm dương để phụng sự chúng sanh. Tôn giáo là hữu hình, là bước khởi đầu nên có tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp để dắt tay nhau vào học đạo với Trời (Thượng Đế).
3.1/- Đức Chí Tôn dạy tháng 2-1927: Từ Thầy đến lập Đạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ; các con lựa nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa-Thánh, chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi; các con đã hiểu Thánh-ý Thầy phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi./. (TNHT Q1, trang 78, bản in 1972)
3.2/- Đức Chí Tôn dạy CQPTGL (1965, 1966).
“Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý không phải là một Chi phái, cũng không phải của một cá nhân nào hay một đoàn thể nào, mà phải là của toàn đạo, … (Thiên Lý Đàn, 15.2.1965)
“Cơ Quan này là bộ máy sau cùng, động tác theo thời gian, để giúp đỡ các hướng Đạo, từ Tòa Thánh, Hội Thánh, đến Thánh Thất, Thánh Tịnh, hầu có thông cảm nhau, và gặp gỡ nhau một chỗ trên phương diện giáo lý, hết nghi kỵ, tị hiềm nhau, để bắt tay nhau, (Thiên Lý Đàn, 04-02-1966).
3.3/- Đối chiếu về Đức Chí Tôn: Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền là lập nên Thánh thể là Hội Thánh, rồi dạy Hội Thánh lập những cơ quan không có trong Pháp Chánh Truyền như Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh (Chánh Trị Đạo) Phước Thiện, Phổ Tế, dạy lập ra Ban Thế Đạo (1965) … Dạy tạo tác Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung, Vạn Pháp Cung, Long Hoa Thị để chuyển thế … Đặc biệt là ban cho Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (1935), dạy xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh, một công trình không có bản vẽ đến 1955 mới tổ chức Lễ Khánh Thành. Tất cả diễn ra theo lời dạy: chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi.
Công cuộc khai minh Đại Đạo diễn ra trong mấy chục năm nhân sự hành đạo hằng mấy triệu người để thực thi NHƠN NGHĨA qua 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo, kiến thiết và tôn giáo để năng cao dân đức, dân trí và dân sinh làm cho thực dân Pháp nhận định Đạo Cao Đài lập một quốc gia trong một quốc gia và tạo áp lực để chức sắc tách ra lập chi phái. Các chi phái vẫn nhớ về nguồn cội nên bàn chuyện qui nhứt với Hội Thánh từ 1964.
Nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng viết nhiều về Ngài Nguyễn Ngọc Tương, vậy bài viết trích lời Ngài Tương dạy về cơ bút: … Thầy đã dạy: Đạo khai tà khởi, nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là Tiên Phật nên Thầy đã căn dặn ngoài Thập Nhị Thời Quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng nơi nầy, nơi nọ mà phải lầm mưu tà quái cám dỗ… (01-11-1932).
Kết hợp lời dạy của Ngài Tương và các dẫn chứng trên đủ để kết luận: tà quái lấy danh Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông, ĐHP để dạy CQPTGL những điều trái ngược với chánh pháp của ĐĐTKPĐ.
4/- Một ông chủ hai công cụ.
Cộng sản là một tổ chức khổng lồ với nhiều bộ phận nghiên cứu. Cộng sản nghiên cứu lập ra CQPTGL để đánh phá Hội Thánh Cao Đài, đánh phá hệ tư tưởng Đạo Cao Đài. CQPTGL dùng cơ bút phong thánh, phong tiên cho điệp viên, cho cán bộ cộng sản là tạo mê tín dị đoan góp phần thực hiện chính sách ngu dân của cộng sản.
Sau khi chiếm được miền Nam cộng sản bao vây để Tòa Thánh Tây Ninh tự chết. Cuộc bao vây 20 năm bị thất bại nên cộng sản lập ra kế hoạch 01 (27-5-1996) lập ra chi phái 1997 tại Tòa Thánh Tây Ninh. Chi phái 1997 ăn cắp căn cước của Đạo Cao Đài và ăn cướp các cơ sở Đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh và hầu hết các Thánh Thất, Điện Thờ địa phương đó là ăn cướp tài sản vật chất và phi vật chất của Đạo Cao Đài. Cán bộ cộng sản vào ngồi trong Đền Thánh thay mặt Đức Chí Tôn để phong Chức sắc cho chi phái 1997.
CQPTGL và chi phái 1997 có một ông chủ, một ông Trời là đảng cộng sản Việt Nam. Cộng sản dùng CQPTGL và chi phái 1997 làm công cụ để diệt Đạo Cao Đài; thực hiện chính sách ngu dân, bần cùng hóa người dân về tinh thần lẫn vật chất để người dân mất tự chủ và lệ thuộc vào họ.
Trong thế giới phẳng, sự thật đã phơi bày như thế, tại sao vẫn có các vị khoa bảng hợp tác với CQPTGL? Tại sao có người Đạo Cao Đài ở Hoa Kỳ ngộ độc CQPTGL lập thành tổ chức BÁCH NIÊN CAO ĐÀI để tổ chức Đại Lễ Kỷ Niệm Ngày Khai Minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ? Họ ngộ độc do thiếu đức tin hay do nơi tham vọng bất chánh về tiền bạc và hư danh trong xã hội?
(1)/- Ảnh chụp Phổ Cáo Chúng Sanh trang 06.