VNTB – Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam vẫn còn là… khoảng trống bỏ lửng

VNTB – Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam vẫn còn là… khoảng trống bỏ lửng

Hồng Dân

(VNTB) –  Trách nhiệm cụ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam theo Hiến định là gì, đến nay vẫn không ai có thể trả lời.

 

“Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – trích Điều 4.2, Hiến pháp 2013. Thế nhưng việc chịu trách nhiệm này cụ thể sẽ ra sao, thì chưa tìm thấy ở điều luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điểm mới trong Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ Hiến pháp là lần đầu tiên Việt Nam đưa thành nguyên tắc hiến định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (Điều 119.2).

Thực tế là nghiên cứu cơ chế này còn “chưa đủ chín” để có thể cho ra đời một mô hình bảo hiến cụ thể mà việc quy định thành lập cơ quan này trong Hiến pháp có giá trị pháp lý cao nhất. Nhưng mặt khác, quy định này lại có giá trị như sự “cài đặt”trong đạo luật cao nhất một nhu cầu/ đòi hỏi và cơ sở pháp lý để có thể cho ra đời một mô hình bảo vệ hiến pháp trong tương lai gần, thông qua một đạo luật riêng.

Cựu Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ông Đặng Dũng Chí cho rằng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, liên quan đến cơ chế bảo hiến, một số vấn đề đang đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Thứ nhất, về vấn đề “kiểm soát”quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đánh giá của ông Đặng Dũng Chí, kiểm soát là rất cần, rất đúng, bởi qua đó, các cơ quan quyền lực nhà nước cần thận trọng hơn, tường minh hơn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thế nhưng ở đây quan trọng là kiểm soát cái gì? kiểm soát như thế nào?ai kiểm soát?… vẫn cần được tiếp tục thảo luận và… thử nghiệm trong thực tế.

Thứ hai, các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã có những quy định về mọi mặt hoạt động, trong đó có lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện vẫn đang là rào cản lớn nhất hiện nay. Theo đó, việc tổ chức thực hiện triệt để theo các quy định của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc bảo vệ Hiến pháp đang cần có cách tiếp cận mới, với những cách làm mới.

“Trên cơ sở Hiến pháp, cần đẩy mạnh nghiên cứu, thảo luận nhằm sớm hình thành được một “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp” thông qua một đạo luật riêng. Thực tiễn thế giới cho thấy, một cơ quan chuyên trách và được trao thẩm quyền thích hợp sẽ bảo vệ tốt hiến pháp và do đó cũng bảo vệ được hiệu quả các quyền con người” – ông Đặng Dũng Chí ý kiến và đề xuất tham khảo Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức được thành lập năm 1949, trên cơ sở Luật Cơ bản 1949 (tức Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức).

Mô hình này được xem là “mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Đức”, được áp dụng ở nhiều nước, trong đó có nhiều nước Trung và Đông Âu. Ông Đặng Dũng Chí cho biết tài liệu về vấn đề này của giáo sư Bodo Pieroth thuộc Đại học Munster, hiện có lưu trữ tại Viện Nghiên cứu quyền con người.

Về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện nhằm tiến tới thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia. Đây là mô hình được nhiều nước lựa chọn so với mô hình cơ quan Thanh tra Quốc hội.

Về cơ sở pháp lý, vẫn theo ý kiến của ông Đặng Dũng Chí, Việt Nam nên theo quy định của “Nguyên tắc Paris”, dù theo mô hình nào thì các cơ quan này cũng phải được thành lập từ một quy định trong Hiến pháp, hoặc trên cơ sở một đạo luật riêng biệt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)