VNTB – Có dễ để ‘phạt vạ miệng’ không?

VNTB – Có dễ để ‘phạt vạ miệng’ không?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Bà Lê Thị Giàu yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỉ đồng.

 

“Suốt thời gian qua, bà Hằng xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội, phát biểu thiếu chuẩn mực, chửi bới tục tĩu, xúc phạm giới văn nghệ sĩ khiến dư luận xã hội bất bình và lên án mạnh mẽ. Hôm nay, tôi là nạn nhân của bà Hằng, tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tôi và thương hiệu sản phẩm của tôi” – bà Giàu nêu.

Từ đó, bà Lê Thị Giàu đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân quận 1 buộc bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà, buộc bà Hằng gỡ bài nói về bà, công khai xin lỗi và cải chính trên mạng YouTube.

Tối 1-6, theo tin từ Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM, đơn vị này đang giải quyết vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, với bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam.

Bà Giàu kể, năm 2017 trong một lần đến viếng Thiền viện Phước Sơn (còn gọi là chùa Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai), bà có gặp và biết bà Nguyễn Phương Hằng.

Mặc dù giữa 2 người không có mối quan hệ làm ăn, bạn bè; nhưng bà Hằng thường xuyên nhắn tin qua điện thoại cho bà Giàu, với những lời lẽ xúc phạm, đe doạ, nên bà Giàu đã lập vi bằng.

Cho rằng hành vi trên của bà Hằng chỉ nhất thời, nên thời điểm đó, bà Giàu đã nhẫn nhịn, không khởi kiện hay tố cáo gì. Đến ngày 14-5 vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng đã livestream trên Facebook nói chuyện với chủ đề “công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh” (?).

Bà Giàu cho rằng, trong buổi livestream này, bà Hằng đã có nhiều lời lẽ xúc phạm danh dự, uy tín của bà, khi bịa đặt, vu khống bà “ép bức sư Bửu Chánh – trụ trì Thiền viện Phước Sơn – trả lại tiền và xe cho bà Hằng”, “thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý”, “bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền”…

Giải thích về số tiền 1.000 tỷ đồng yêu cầu được bà Hằng bồi thường, bà Lê Ngọc Giàu nói rằng đây là số tiền còn “rất ít” so với những tổn thất mà bà Nguyễn Phương Hằng đã gây ra cho mình.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc viết trên tài khoản facebook cá nhân của ông rằng: “Số tiền đòi bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, uy tín, danh dự, luật quy định không quá 10 tháng lương cơ sở, tương đương 16 triệu đồng. Nổ cũng vừa vừa thôi, làm quá hoá vô duyên…! Ha ha…!!”.

Phải chăng ‘vạ miệng’ cao nhất chỉ có 16 triệu bạc – một con số ‘tép riu’ so bạc chục triệu chi phí cho một lần máy móc – kịch bản của nhóm thực hiện livestream cho bà Nguyễn Phương Hằng.

Trước hết có 2 vấn đề mang tính chuyên môn, đó là vụ án dân sự có giá ngạch và vụ án dân sự không có giá ngạch. Tin tức mà báo chí đăng tải cho thấy các yêu cầu không có giá ngạch thì hợp lý. Riêng yêu cầu đòi bồi thường, có lẽ không chỉ là danh dự, uy tín.

Vụ án dân sự không có giá ngạch và vụ án dân sự có giá ngạch được hiểu theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành như sau: Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền, hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.

Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền, hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.

Như vậy vụ án kể trên nếu xét là vụ án dân sự không có giá ngạch, thì có thể đúng như nhận xét của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc.

Bộ luật Dân sự, “Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng (theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP).

Còn nếu là vụ án dân sự có giá ngạch, vì ở đây có yếu tố thiệt hại vật chất, rất có thể số án phí tạm ứng từ nguyên đơn sẽ theo hướng dẫn của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản vượt 800.000.000 đồng. Tuy nhiên, nếu nguyên đơn đã đủ 60 tuổi trở lên thì được miễn khoản tạm ứng này.

Điều đáng nói ở đây không hẳn chỉ là chuyện tiền.

Người xưa có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Nếu như người ta phải trải qua nhiều năm dài với biết bao nỗ lực làm điều tốt đẹp mới có thể tạo ra được một hình ảnh đẹp của chính mình trong lòng người khác, thì chỉ cần một lần dại dột, một hành vi sai lầm đôi khi cũng đã quá đủ để xóa đi tất cả.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)