Diệp Chi
(VNTB) – “Ngay cả trong cuộc sống, chúng tôi cũng chỉ là những hành khách hiền lành và thiệt thòi, lặng lẽ đi trên còn đường nhỏ hẹp mà số phận ban cho…”
Nhà văn Lê Tất Điều trong tác phẩm “Đêm dài một đời” đã kể về cậu bé tên Thương, bị mất cả đôi mắt lẫn cha mẹ trong một tai nạn giao thông. Những đứa trẻ khiếm thị như Thương trong cuộc mưu sinh ở mùa dịch Covid, khốn nạn thay như mấy ai đó từng dẫn một clip trên sóng truyền hình quốc gia, đã ví “hàng rong” là một thứ “ký sinh”, và sau đó là “ký sinh trùng” trên đường phố.
Khi nhắc đến cái nghề hàng rong, có lẽ, không ít người sẽ hình dung ra đó có thể là một cô bán bánh tráng trộn ở các trường học; là những quang gánh hủ tiếu xào, mì xào; là những gánh xôi; là những xe đạp với nhiều loại trái cây chất trong bội; thậm chí có thể đó là gánh hàng hoa như câu chuyện ở tác phẩm cùng tên của Nhất Linh – Khái Hưng…. Và còn một trường hợp bán hàng rong mà có lẽ ít ai nhắc đến, đó chính là mưu sinh của những người mù bên hè phố Sài Gòn; những Thương của “Đêm dài một đời”, của những thân phận trẻ mù lòa từng nương nhờ Viện Dục Anh Sài Gòn thuở ‘chưa giải phóng’.
Họ là ai? Họ là những người mặc dù bị khiếm khuyết một phần trên cơ thể, song vẫn đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp họ ngồi ở các ngã tư, cột đèn giao thông bán những bịch tăm, bông ráy tay, sing-gum, vé số…. Cũng có những trường hợp thay vì ngồi một chỗ bán, họ kéo loa thùng, đi khắp các ngả phố, vừa đem lời ca tiếng hát đến cho bà con thôn xóm, vừa chắt chiu mưu sinh.
Tôi nhớ, trong dân gian nói rằng, có nhiều trường hợp “tàn nhưng không phế”. Có lẽ thật đúng với những người mù. Họ không ngửa tay xin tiền bất kỳ một ai. Họ không trông chờ vào việc sẽ được ai cho mình một cái gì đó. Họ lại càng không chờ đợi những gói hỗ trợ người nghèo xuất hiện trên truyền hình. Họ mưu sinh bằng chính mồ hôi, công sức của mình.
“Lúc còn trẻ, tôi cũng từng đi dạy cho những học sinh trường mù. Mấy em chăm học lắm. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, cũng có em hoàn thành chương trình, nhưng cũng không ít em học hành dang dở. Rồi tôi cũng không biết mấy em đó đi đâu luôn. Mỗi lần đi từ hướng Củ Chi về lại trung tâm thành phố, bắt gặp hình ảnh mấy người mù ngồi bán sing-gum hay tăm tre, tôi lại nhớ đến học sinh của mình. Không biết rằng trong mấy người ngồi bán đó có ai từng là học sinh mà ngày trước mình dạy không?”, nhà báo N.C chia sẻ.
“Có thể nói, câu nói của VTV là xúc phạm người khác. Có thể mấy em khiếm thị không biết, biết chỉ thêm buồn, nhưng ít nhiều người chịu trách nhiệm chính của đài cũng nên xin lỗi hay có hành động gì đó chuộc lỗi chứ không thể ỷ có một chút học thức, có một chút quyền lực trong tay là muốn nói gì thì nói được”, một thầy giáo từng có thời gian dạy học ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ.
“Báo chí, mạng xã hội nói nhiều, rộ lên một thời gian rồi cũng im. Nhưng những con người từng làm sai đó họ vẫn còn nhởn nhơ. Đồng ý làm sai biết nhận lỗi là nên bỏ qua nhưng cứ sai, sỉ nhục người ta rồi lên facebook xin lỗi một hai câu vậy há chăng là quá đơn giản?
Nên nhớ, đây còn là cái tầm của đài truyền hình quốc gia, phải có hành động xin lỗi sao cho người ta cảm nhận được xuất phát từ trái tim chứ. Xin lỗi là cái thể hiện ra bên ngoài nhưng còn trong suy nghĩ, trong nhận thức cũng như tầm nhìn sẽ như thế nào? Và ai có thể tin được sẽ không còn trường hợp nào tương tự như vậy nữa trong tương lai?” – Ông Minh, một người dân ‘quèn’ sinh sống ở Sài Gòn chia sẻ.
Thật bất nhẫn làm sao khi những người sinh ra bị khiếm khuyết, vẫn vươn lên trong cuộc sống mà giờ đây còn bị nói nặng lời, xúc phạm cái nghề mà họ đang mưu sinh. Đau hơn nữa, đó lại là phát ngôn từ chính đài truyền hình quốc gia.
Xin được mượn lời chia sẻ của bà Hoàng – một cô giáo nghỉ hưu, giờ mưu sinh hàng rong với món bì cuốn, thay lời kết cho câu chuyện ở bài viết này:
“Cái chú mà xin lỗi đó, chú còn có tình người. Nhờ chú còn có tình người, nên chú biết suy nghĩ cái nào đúng, cái nào sai, ổng mới xin lỗi. Còn cái người kia người ta ngoan cố, mình không có trách cái người đó được tại vì nó không có cái đầu óc, cái đầu nó không có óc hay gì đó nên nó suy nghĩ không có tới. Nên nó nói vậy thôi, nó nói cho được cái miệng nó thôi…”.