Diệp Chi
(VNTB) – Tư vấn không đúng lúc, tư vấn không đúng cách, có thể nói, vô hình trung, một số nhân viên đã làm xấu đi giá trị của bảo hiểm
Tội quấy nhiễu nhân dân được quy định tại Điều 415 Bộ luật hình sự, theo đó, đây là tội danh xâm phạm mối đoàn kết quân dân, gây thiệt hại đến tài sản công dân, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương, xâm phạm nhân phẩm, danh dự công dân.
Giờ thì có đề nghị mở rộng việc “quấy nhiễu” sang cả lãnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Sáng 29-10, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến nhiều vấn đề như: bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm, các quy định cấm… Cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ về giao kết hợp đồng, tránh xảy ra tranh chấp.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề cập đến 5 hành vi bị nghiêm cấm trong dự luật và đề nghị bổ sung: “Nghiêm cấm việc làm phiền, quấy nhiễu khách hàng và tuân thủ các quy định về thông tin, truyền thông”. Bởi trong thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên quảng bá, nhắn tin điện thoại gây bức xúc trong dư luận.
“Nói về bảo hiểm gọi điện thoại thì đúng là nhiều lúc thật sự khó chịu. Mặc dù đúng, đó là nghề của người ta nhưng gọi hoài, lại gọi đúng mấy lúc không phù hợp. Lấy ví dụ, 11 giờ, đang ăn trưa, một cuộc điện thoại gọi, bắt máy lên, bảo hiểm, bực mình không? Hay đang nghỉ trưa, gọi điện thoại, bảo hiểm, bực mình không? Nếu nói cấm thì cũng thương cho người ta, nhưng cũng nên nghĩ ra biện pháp hay quy định nào phù hợp cả đôi đường, tiện lợi cho người mời mua bảo hiểm cũng như cho người dân. Chứ đâu thể cái gì không quản lý được là cấm?” – một ý kiến.
“Mình thì mình nghĩ bảo hiểm chỉ là một vấn đề, nên xem xét cả những cuộc gọi quảng cáo khác, ví dụ như hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử…. Đang có việc bận, trong cuộc nói chuyện với khách hàng, tự dưng một cuốc điện thoại gọi, phải nghe. Rồi hết mời cái này tới cái khác, nhiều lúc cũng bực bội, nhất là những cuộc gọi buổi trưa”, – ý kiến ghi nhận từ một chủ doanh nghiệp.
“Tôi thì hoàn toàn không ác cảm gì với bảo hiểm cả. Có gọi điện thoại cho tôi hay không, cũng không phiền gì mấy, vì tôi không thường nghe số điện thoại lạ. Nhưng tôi khó chịu vô cùng với những nhân viên chào mời bảo hiểm trên mạng. Nhất là mùa dịch vừa rồi, chào mời gói Covid-19 gì đó, lại đi tư vấn khách hàng nhiễm này nhiễm nọ rồi thậm chí trù quyến khách hàng chết vì Covid-19. Nó đem lại cho tôi cảm giác như nhân viên bảo hiểm đang ám tôi và gia đình tôi vậy. Nhất là đó lại là nhân viên của một công ty bảo hiểm có tiếng.
Sau đó, tôi từ chối khéo, dịch giã với giãn cách liên tục, khó khăn trong mưu sinh, không thể ra đường kiếm sống. Bạn nhân viên đó lại tiếp tục đưa ra hàng loạt ca nhiễm rồi hù kêu chi phí điều trị cao này nọ. Trong khi bạn tôi cũng đã chích ngừa Covid-19 như tôi, bị F0, vô khu cách ly bên quận 8, chia sẻ rằng không tốn chi phí nào hết. Sau đó còn dạy đời tôi sống chung với dịch là nên mua bảo hiểm Covid-19 này nọ.
Tôi biết đó là nghề của mấy bạn, nhưng với tư vấn như vậy, từ không ác cảm, tôi trở thành không có cảm tình với bảo hiểm” – một biên tập viên truyền hình, ý kiến.
“Hàng trăm thứ chứ riêng gì bảo hiểm, nào là tín dụng đen, nhà, đất… chả biết cái đội quân ấy có từ bao giờ mà suốt ngày phải nhận cuộc gọi của họ” – một ý kiến khác.
Dẫu biết rằng, bảo hiểm là việc tốt. Nếu vừa có bảo hiểm y tế lẫn bảo hiểm nhân thọ, có thể an tâm hơn trong cuộc sống. Song, với việc tư vấn không đúng lúc, tư vấn không đúng cách, có thể nói, vô hình trung, một số nhân viên đã làm xấu đi giá trị của bảo hiểm.
“Cấm bảo hiểm quấy nhiễu người dân, nếu nói nên thì quá ác với bảo hiểm vì không khéo còn là chuyện tù tội hình sự, thôi thì, nên hạn chế và có biện pháp chế tài sao cho phù hợp với những hành vi bảo hiểm quấy nhiễu người dân vậy…” – vị biên tập viên truyền hình đề xuất.