Võ Hàn Lam
(VNTB) – Cho “hàng xuất khẩu ” vào phạm vi điều chỉnh nhãn hàng hoá là bất hợp lý, tốn kém, bất khả thi, trái với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước.
Cần bỏ “hàng hóa xuất khẩu” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo nghị định ghi nhãn hàng hóa – đó là ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hoá, và Dự thảo thông tư ghi nhãn điện tử.
Trong Công văn số 105/CV-VASEP gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, một trong những quan ngại nhất của Hiệp hội là việc đề xuất đưa hàng “xuất khẩu” (XK) vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017, trong khi vướng mắc về quy định sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên hàng xuất khẩu tại Nghị định 74/2018 chưa được giải quyết triệt để như ý kiến kết luận cuộc họp ngày 20/5/2020 về MSMV của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Theo VASEP, việc cho “hàng hóa XK” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo này là bất hợp lý, tốn kém, bất khả thi, trái với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước.
Bất hợp lý: Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu là rất bất hợp lý, gây tốn kém mà không có lợi gì cho người tiêu dùng, và thậm chí bất khả thi khi pháp luật Việt nam và pháp luật nước xuất khẩu có điểm khác biệt.
Tốn kém chi phí cho doanh nghiệp: Có thể lấy ví dụ, ngành thuỷ sản mỗi năm XK hàng triệu tấn thành phẩm thuỷ sản, hay ngành da giày mỗi năm XK hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại. Nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới là nguyên ngành da giày đã tốn hơn 100 tỷ mỗi năm. Nếu tất cả các ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả các ngành kinh tế do việc thay nhãn sẽ lên đến hàng ngàn tỷ.
Bất khả thi: Hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco, Walmart, AquaStar….) theo luật của Mỹ và châu Âu, dự thảo bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận.
Trái với thông lệ quốc tế: theo thông lệ quốc tế, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu. Đây chỉ nên là lưu ý cho các doanh nghiệp cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp Việt nam đảm bảo thay cho doanh nghiệp nước ngoài được.
Không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước: Để chống gian lận thương mại, nếu cần ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu: Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã có sẵn các điều quy định rất phù hợp như điều 9, khoản 1 (bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa), điều 15 khoản 1 về xuất xứ hàng hóa, do đó chỉ cần quy định hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và những điều này là đủ, chứ không thể yêu cầu tuân thủ cả luật Việt Nam và luật nước nhập khẩu như Dự thảo.
Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì đã có quy định tại Điều 9 Khoản 3 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP là nhãn phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định này, nên cần bỏ đoạn cuối của Điều 8 Khoản 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP để các sản phẩm này không được phép mặc định ghi nhãn là “sản xuất tại Việt Nam”.
Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: Theo VASEP, khoản 3 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Khoản 4 Điều 9 của Nghị định 43/2017 cũng trái với quy định của Codex Stand 1-1985, mục 8.2.1 và TCVN 7087:2013 và điều 5.9 của cam kết trong Hiệp định EVFTA. Đồng thời cũng bất hợp lý và bất khả thi, tạo rào cản thương mại. Theo khoản 3 điều 12 Nghị định 43 đối với tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thì “Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu”.
Hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam trừ khi Việt Nam đủ mua hàng khối lượng lớn để họ có thể làm nhãn riêng cho thị trường Việt Nam. Thêm vào nữa, sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm.
Do đó, việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, tạo ra rào cản thương mại cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu và vi phạm các điều khoản của EVFTA, cũng như các FTA khác.
Công văn số 105/CV-VASEP gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ còn chỉ ra hàng loạt những bất hợp lý khác trong hai Dự thảo, qua đó cho thấy việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp quả đúng như câu nhận xét hay được nhắc tới: “Việt Nam có cả rừng luật, nhưng người ta thích xài luật rừng”.
“Luật rừng” trong trường hợp mà VASEP ‘xa gần’ nói đến, chính là việc vẫn lại có những đề xuất luật lệ đi ngược lại với những thỏa thuận đã cam kết với EVFTA, cũng như các FTA khác.