Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có nên ‘vẽ rắn thêm chân’?

Tôn Trọng Dân (VNTB) Allen Dulles, em Ngoại Trưởng Foster Dulles, nguyên Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ (CIA) thời Tổng Thống Eisenhower, từng khẳng định ý của mình ngay trong tiêu đề bài báo do ông viết: “Muốn thắng cộng sản phải tìm hiểu cộng sản’’ phổ biến vào cuối thập niên 50. Đó là điều đương nhiên, nên, tôi đồng tình với nhận xét rất trung thực của một tác giả tại Kyoto tên Trọng Tín khi vị này bênh vực ông Việt Thường-một người chuyên nghiệp chống Cộng có tên tuổi, sống tại Anh: “phải nói thật rằng, những phân tích lý luận về Cộng Sản của những ‘cây bút chống cộng’ ở Hải Ngoại đều có một điểm chung: họ chẳng hiểu gì về Chủ Nghĩa Cộng Sản cả. Thế mới buồn !!!” [1]
Ba đặc trưng của một Việt Nam sau 1945

Khi nói đến Cộng sản Việt Nam-kẻ đang “thống trị Việt Nam” tất phải nhìn vào Việt Nam với chặng đường đã qua của nó, vì, Cộng sản không lơ lửng trên trời và chỉ có… “răng đen mã tấu” như tuồng hài bài xích rẻ tiền ngoài chợ. Không phải vậy chăng? – Tôi vẫn thích “sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết” [2] nên, dù có làm ai chạnh lòng, để có thể phân tích cho “tới” tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam, tôi buộc phải đưa ra đây 3 đặc trưng của một Việt Nam sau 1945mà người thường dân nào tại Việt Nam cũng nhận thức như vậy, không hề mang dấu vết “nhồi sọ.tẩy não.kém thông thái” gì:
Đặc trưng thứ 1: Trong số các quốc gia đồng dạng bị phân chia tạm thời sau năm 1945, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất thống nhất 2 phần chia cắt, trong đó, yếu tố độc lập dân tộc là chủ yếu, nếu không muốn nói là đậm đặc mục đích kháng chiến chống Mỹ xâm lược và chế độ tay sai (sử toàn thế giới ghi như vậy, đừng buồn), không mang dấu vết vấn đề dân chủ (vấn đề Quốc-Cộng hằn rõ nhất chính là giữa Trung Quốc-Đài Loan và 2 miền Nam-Bắc Cao Ly, không phải trường hợp Việt Nam). Tại Việt Nam, cuộc chiến 19551975 trước nhất và trên hết, là vấn đề dân tộc (an tâm, sẽ có các trích dẫn của chính Quý vị không Cộng sản/chống cộng, vốn đã trải qua nhiều cuộc tranh cãi âm ĩ suốt 40 năm). Mô hình thống nhất đất nước này, cả Bắc Triều – Nam Hàn lẫn Đài Loan – Trung Quốc vẫn không thể giải quyết được, vì: thời cơ phù hợp với tính chất cốt tuỷ của Kỷ nguyên Bạo lực, đã qua qua vĩnh viễn.

“Muốn thắng cộng sản phải tìm hiểu cộng sản”. Ảnh: VOA tiếng việt

Trong thế kỷ XXInày, bất kỳ Bên nào trong các quốc gia đó mang quân tiến công Bên còn lại, đều sẽ bị thế giới chính thức lên án ngay: “xâm lược !”. Đông và Tây Đức do bị phân chia bởi áp lực Liên Xô và phương Tây (cũng là một yếu tố cơ bản, được chấp nhận là “luật chơi” trong Kỷ nguyên Bạo lực) theo Hiệp định Potsdam tháng 8.1945, có dân trí ngang ngữa nhau và lại không có chuyện độc lập dân tộc/giải phóng đất nước nên, chớ hề xem Đức là 1 mẫu hình để có thể được đem ra so sánh, soi xét, nghiệm định công cuộc tái thống nhất đất nước liền 1 dải của Việt Nam. Cuba, với sự bất mãn vì mất quyền lợi của một thiểu số lưu vong sang Florida, cũng còn xa mới đạt điểm ngưỡng khó chịu như vấn đề Việt Nam: ở Cuba, không có vấn đề giải phóng dân tộc mà chỉ có cuộc cách mạng thay đổi chế độ, tức cuộc cách mạng “dân chủ nhân dân” , theo cách gọi của những người Cộng sản.

Đặc trưng thứ 2: Việt Nam thống nhất đất nước với 2 phần địa lý từng trải nghiệm 2 chế độ riêng biệt, trong khi các nước đồng dạng cùng thời lại giữ nguyên chính thể phân chia riêng của họ. Đối với quan sát của thế giới và cả với đa số dân Việt Nam, thực sự, từ năm 1975 trở về sau mới nổi rõ lên dần yếu tố/ngọn cờ thứ Hai là Dân chủ (vấn đề CNXH thực chất là cách giải quyết vấn đề dân sinh dân chủ theo quan điểm Cộng sản). Chính “2 cha-con”: đảng Cộng sản và Mặt trận GPMNVN, trong các cương lĩnh/tuyên bố của mình, đã luôn công khai tuyên bố điều này: “giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Và, đặc trưng thứ 3: với 2 đặc trưng riêng có nói trên, Việt Nam thống nhất còn trong bối cảnh: muôn đời luôn ở sát cạnh với không chỉ một kẻ thù là láng giềng (điều này khác hẳn với Nam-Bắc Hàn, Trung-Đài, Cuba. Riêng Đức đã may mắn toạ lạc ngay tại một châu lục văn minh, cuộc thế chiến do Đế chế thứ 3-Drittes Reich của Đức Quốc xã tiến hành đã thức tỉnh toàn bộ châu lục này khiến họ ghê tởm, chối từ và rời bỏ dần Kỷ nguyên Bạo lực), ngoài ra còn luôn có ít nhất một thế lực lớn (Pháp/Mỹ/Nhật Bản/Nga…) muốn quay lại khu vực giao điểm nhạy cảm, trù phú này.
Đặc trưng thứ 3 còn bao hàm thực tế: nhiều nhà đầu tư thế giới và Việt kiều đã và đang đặt của cải, tài sản, tâm huyết của mình vào Việt Nam, kể từ năm 1986. Họ còn có những dự án triển khai đến tận năm 2070mới thu hồi đủ vòng quay vốn. Chúng, các tài sản ấy, đang quay vòng sinh lãi hàng ngày (chính Quý vị này, không hề có ý muốn thấy tài sản của họ bị tan hoang bằng các cuộc bạo loạn/cách mạng/đảo chính…sử dụng vũ lực: thế lực của họ luôn đóng vai trò rất lớn trong việc tháo ngòi nổ xung đột, nếu có). Thêm một thực tế đa phương: Việt Nam đang là thành viên của nhiều thể chế quốc tế và khu vực, thành viên của nhiều tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, thành viên ASEAN (1995), APEC (1998), WTO (2007), và sắp tới là TPP… Các thể chế quốc tế này không tán trợ cho những bất ổn nội bộ tại bất kỳ quốc gia thành viên nào. Điều này có nghĩa: quyền lợi của toàn đất nước bị tổn thất chứ không chỉ đảng Cộng sản cầm quyền bị tổn thất, nếu, hình thái bạo loạn xuất hiện.
Kỷ nguyên xác lập Quyền lực bằng Bạo lực?
Vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước, thế trận Trung ̶Đài đã hình thành đến tận ngày nay sau cuộc chiến với Nhật và sau khi phe “quốc gia” đã chiến bại, ra đảo. Trong khi đó, cuộc chiến Bắc-Nam Hàn không phô bày rõ yếu tố/tư thế ai giải phóng ai, miền nào dưới sự chiếm đóng/chỉ huy của ngoại bang nào, mà là cả 2 chế độ đều có và lớn tiếng kêu gọi các đồng minh/đồng chí trực tiếp.trực diện đổ quân lên đất nước chiến đấu tan tác cùng nhau một lần, và sau đó dang xa nhau ra hẳn: hai phe “Quốc-Cộng” bất phân thắng bại. Chính vì yếu tố này, nên nếu nói với giọng điệu Triều Tiên (Bắc) hoặc với giọng điệu Nam-Đại Hàn (thậm chí, ghét nhau đến mức đổi hẳn cả tên chung do cha mẹ đặt!), thì đều cũng là: thời cơ giải phóng nhau để thống nhất đã qua rất lâu rồi cho dân tộc Cao Ly, vĩnh viễn không bao giờ lặp lại, trừ phi có 1 bên muốn xâm lượcbên kia.
Trong trường hợp Việt Nam, ở thời điểm mà Kỷ nguyên xác lập Quyền lực bằng Bạo lực vẫn căng tràn sức sống (chưa gặp thách thức của nền Dân chủ với mô hình Xã hội Công dân bùng nổ vào năm 1989), khi sự cuốn cờ của Hoa Kỳ đánh dấu sự chấm dứt 20 năm Mỹ thay Pháp can thiệp vào độc lập của miền Nam, tách mảnh đất này ra khỏi lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam, trong khi miền Bắc chối từ lời khuyên của Trung Quốc “giữ nguyên hiện trạng.trường kỳ kháng chiến”, thì, khó có thể gọi cuộc giúp đỡ của miền Bắc với một Mặt trận miền Nam kêu gọi giúp họ giải phóng miền Nam [3] đó là một cuộc xâm lược. Thậm chí rộ lên luận điệu, cho rằng, đó là “mưu mô xảo quyệt” của miền Bắc, thì, cùng lúc đó lại phải nhắc lại sự mâu thuẫn trong cách lạm dụng ngôn ngữ Việt được chính những người “quốc gia” cuồng nhiệt đặt ra: bọn Cộng nô ngu hèn. Đã ngu hèn làm sao lại xảo quyệtnổi? Cộng nô Óc nho, không khôn bằng người “quốc gia” thì làm sao lại có thể lừa nổi Quý vị “quốc gia” toàn tài?
Trong vấn đề tranh chấp vị trí pháp lý trước Cộng đồng quốc tế, Đài Loan kém hẳn thế so với Trung Quốc dù có hẳn một quốc gia riêng và dù có các mối quan hệ ngoại giao song phương/đa phương không hề nhỏ; Hàn quốc và Triều Tiên có ghế riêng rẽ của mình tại Liên Hợp quốc. Còn Việt Nam Cộng hoà  là thế nào khi xếp bên cạnh 2 trường hợp đồng dạng tại châu Á vừa kể?
Nói lịch sử đã hoá thạch, chính là như thế, và vì như thế, để lật tảng hoá thạch khủng khiếp này (liên quan đến hàng loạt những núi hoá thạch của nhiều quốc gia khác), Quý vị Dân chủ chống Cộng mơ tái lập VNCH (xin khẳng định rõ: đây là một khái niệm không bao gồm Quý vị đồng bào hải ngoại nào khác với và/hoặc chống lại chính kiến này) và một số bạn son trẻ.sung mãn trong “quốc nội” nhiệt thành yêu cờ vàng dù chưa hề sống dưới thể chế cờ vàng ngày nào – tất cả đều cần đến một “siêu nhân” thượng thặng tồn tại bên ngoài quyền năng của .. Hollywood.
Cộng sản không ngu, và cũng chẳng hèn. Nói cho chính xác: Cộng sản khôn ngoan và bạo liệt. Hiểu đúng “kẻ thù” như nó vốn có, chỉ mới là điều kiện Cần. Nên như vậy, cho chính lợi ích của Quý vị.
Vấn đề tôi muốn nói ở đây: Liệu, vẽ đúng hình dạng vốn có của một con rắn là một cái Tội? Cần phải thêm chân cho nó…đáng sợ hơn, mới là .. người thông thái? mới…”chiến thắng”?
Nên, không thể so sánh và tìm bài học nào từ Trung-Đài, Nam ̶Bắc Triều Tiên, càng không thể từ nước Đức. Do đó, tuy là nước Cộng sản trong nhóm 5 nước cuối cùng, nhưng, Việt Nam liệu sẽ lại tiếp tục là nước đầu tiên (cũng như từng là nước đầu tiên tại Đông Nam Á giành chiến thắng độc lập dân tộc thoát ách thực dân bằng vũ lực vào năm 1954, là nước đầu tiên trong các nước thuộc thế giới thứ 3 giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ tay đế quốc vào năm 1975), tái hợp nhất trọn vẹn bằng … 1 cuộc chiến “trời long đất lở” nữa ? – nghe, cũng là một cái lý.
Hàn và Hoa có thể vĩnh viễn ly dị hay không, đó là chuyện của láng giềng xa, chỉ biết là, Việt Nam đang có xu hướng tắm máu lần nữa nếu muốn hợp nhất. Phải có thắng ̶thua: một phần dân Việt vẫn thích thế. Bên “Thua cuộc” (nếu chấp nhận cách gọi có “Bên Thắng cuộc”) muốn “chiến” một lần nữa. Ai thích “chiến” cứ thuê rừng như Hoàng Cơ Minh từng, các em cháu thích cứ đăng ký tòng quân, nếu cha mẹ các em cho phép và sẵn sàng vào… rừng thăm nuôi. Và, không nghi ngờ gì, những vị Cộng sản bảo thủ-bảo hoàng cũng đang rất muốn thử nghiệm hàng loạt vũ khí tối tân thích hợp các kiểu trận địa chiến trong lòng đô thị vừa nhập từ 11 quốc gia: Pháp, Hà Lan, Đức, Israel, Brazil
Mỹ đã thấy “quá mang tiếng” cho “lòng tốt” của mình hậu Thế chiến thứ II. Vì, Việt Nam không nằm ở bán đảo Triều Tiên, không hề toạ lạc tại bán đảo Ả Rập, bán đảo Sinai, thậm chí bán đảo xinh xắn Crưm/Crimea. Ở bán đảo Đông Dương/Trung ̶Ấn (Indochina/IndoChine) này, Việt Nam là một xứ mà dân không ưa bạo lực, nhưng, nếu cần, thì vẫn đường hoàng sử dụng bạo lực để trả lời với bạo lực. Bằng chứng là cả chiều dài lịch sử đã minh chứng, và giờ tiếp tục sẽ được chứng minh với nỗi niềm oan khuất chỉ có thể “rửa sạch” bằng … máu từ ý muốn của những nhà Dân chủ chống Cộng mơ VNCH. Mỹ, Pháp thừa kinh nghiệm (trừ Trung Hoa, kẻ tự xem mình là trung tâm vũ trụ thì..bất cần nhớ bài học gì, xưa cũ ra sao) để không nhảy vào lần nữa, chỉ là RFI, VOA, RFA, BBC tham gia ủng hộ dân chủ chung mà thôi. Tiền, nếu có, đi cửa hậu. Và, nếu hân hoan với điều đó một cách hồn nhiên, những người dân thích an bình không gọi các thể loại hành vi ấy là lại bán nước thì là gì ?
Henry Kissinger (sinh 1923) vừa xuất bản cuốn “World Order” và được ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Hoa Kỳ (2001-2006) và tại Anh (2006-2008) viết nhận xét dưới nhan đề “The world according to Kissinger: How to defend global order” đăng trong tạp chí Foreign Affairs số March/April 2015 và được tác giả Trần Bình Nam trích thuật. Vốn là một nhà chiến lược và là một sử gia, Kissinger xác định “trật tự thế giới” là một cách nhìn về sự phân chia quyền lực chính trị của một địa phương, hay của một nền văn hóa, mà họ nghĩ có thể áp dụng cho cả thế giới. Theo quan niệm đó, quyền lực trên thế giới không phải chỉ là sức mạnh kinh tế và quân sự, mà còn là sức mạnh của tư tưởng và ý chí, nhất là ý của kẻ mạnh.
Dựa vào gì đi nữa thì, theo Kissinger, cái mẫu nào mang hai yếu tính “hợp pháp quốc tế” (legitimacy) và “cân bằng quyền lực” (balance of power) mới có khả năng tồn tại. Trong suốt cuốn sách, Kissinger không quên nhấn mạnh một nguyên tắc: đừng vất bỏ một cái khung tổ chức ổn định thế giới nào nếu chưa tìm thấy một cái khung khác có hiệu quả như cái khung cũ  [4].
Chọn lựa chủ nghĩa và xã hội công dân
Thế giới ngày nay đã quá biết: từ Thời Đại Của Đức Tin (the Age of Faith) bao trùm Lịch sử nhân loại, dưới những cái tên khác kém mỹ miều hơn: Thời Đại Trung Cổ (the Middle Ages) hay Thời Đại Hắc Ám (the Dark Ages), hay Thời Đại Của Sự Man Rợ Và Đen Tối Trí Thức (the age of barbarism and intellectual darkness), với ánh sáng của cuộc Cách Mạng Khoa Học (the Scientific Revolution) vào đầu thế kỷ 17, loài người đã tiến hoá, bước mạnh về Thời Đại Lý Trí (the Age of Reason) ở thế kỷ 18, Thời Đại Khai Sáng (the Age of Enlightenment) vào thế kỷ 19, và Thời Đại Phân Tích (the Age of Analysis) vào thế kỷ 20. Đó là chiều tiến hoá nhân loại được nhìn từ góc độ Nhận thức.
Từ góc độ Quyền lực, mãi cho tới ngày nay, chiều tiến hoá của loài người vẫn chưa thoát ra khỏi Kỷ nguyên của Quyền lực được xác lập dựa trên Bạo lực (the Era of Power based on Vilolence), dù, một phần chân của nhân loại đã bước vào Kỷ nguyên của Xã hội Công dân dân chủ đa nguyên(the Era of Pluralist Democratic Civil Society). Trong tác phẩm The Clash of Civilizations (Sự đụng độ giữa các nền văn minh) [5] Giáo sư Samuel P. Huntington nhận định [6]: ”Tây phương thắng thế giới không phải là vì sự ưu việt của những ý tưởng, hoặc giá trị, hoặc tôn giáo Tây phương mà là ưu thế trong sự áp dụng bạo lực một cách có tổ chức.”
Trong tiến trình nhầy nhụa máu mà Lịch sử đang nhấc dần chân của mình ra vũng lầy đó để bước tới, loài người vẫn tạm dùng khái niệm tư bản chủ nghĩa để gọi giai đoạn này, nhưng, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cũng từng nhận định: “Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là những từ ngữ tự nó chẳng có ý nghĩa mà là những từ ngữ tuỳ thuộc vào mùi vị và sự chọn lựa của những người dùng nó” [7]. Xã hội văn minh đang vẫy gọi đó chẳng hề là ‘tư bản’ hoặc ‘Cộng sản’ theo cách mà Marx cùng một loạt dằng dặc Quý vị tiên sinh.đương thời lẫn hậu sinh của ông đã định danh, cố kết. Nó thừa hưởng tất cả mặt mạnh của tổ tiên, của loài người tiến hoá, và đang cần một tên mới, nhưng nó không chờ, không đợi, để “được”. Nó bất chấp, nó thản nhiên đi tới. Nó mặc kệ các cuộc đấu tranh, vì, rồi nó cũng sẽ tới. Con người (một số) đang và (hầu hết, cho đến tất cả) rồi sẽ nhận ra kỷ nguyên này. Thế giới chưa.có.tên đó đang tổ chức lại dưới dạng: Xã hội Công dân.
Tại Việt Nam, nếu đã thừa nhận Cộng sản là thể loại “phong kiến nâng cấp”, thì sau nó, đã đến lúc không thể chấp nhận cái ngược lại nó nhưng lại tiếp tục tinh thần bạo lực-cường quyền của nó, mà là cần đấu tranh để thừa nhận sự xuất hiện cái khác hẳn nó. Đó là cái mà hiện một phần thế giới, từ 1989, đang sống và hướng tới: xã hội Công dân, có tố chất căn cốt: Dân chủ Đa nguyên, đồng thuận hợp tác đa chiều để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung.

Đây có phải là một chủ đề cũ rích, thậm chí: một đề tài, thực sự “giản đơn” và rất đơn giản “biết rồi khổ lắm nói mãi”  ?


Chú thích:

[1] Trong bài Vì Sao Chúng Đánh Phá “Nhóm Việt Thường” ??? của Trọng Tín (Kyoto) 


[2] Trích lời Ngô Nhân Dụng giới thiệu về “Đèn cù” của Trần Đĩnh.

[3] Cho dù, giờ đây, ai cũng quá biết đó là “một trò chính trị bịp bợm”-nếu nói theo giọng điệu “quốc gia”, hoặc, đây là một “sách lược tài tình” – nếu nói theo giọng điệu “Cộng sản”, thì, vấn đề cũng không hề thay đổi: chiến tranh trong Kỷ nguyên Bạo lực là vậy. Muốn Thắng phải vận dụng Mẹo. Chỉ có Thắng, hoặc Thua; Lẽ phải thuộc về người chiến thắng. 

[4] Trong Foreign Affairs April 13, 2015 ông Bình Nam diễn thoát ý câu này từ nguyên văn của Wolfgang Ischinger: “do not dispose of an organizing principle if there exists no ready alternative that promises to be just as effective“. 

[5] Samuel Phillips Huntington (1927-2008), chuyên gia nghiên cứu chính trị xuất chúng ở Hoa Kỳ, nổi tiếng với tác phẩm ‘The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order’, xuất bản bằng 39 thứ tiếng. 

[6] Nguyên văn: “The West won the world not by the superiority of its ideas or values or religion but rather by its superiority in applying organized violence”. 

[7] Trích hồi ký của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) “Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức” (Un Excommunité – HàNội 1954-1991: Procès d’un intellectuel) do Nguyễn Quốc Vĩ dịch từ nguyên văn tiếng Pháp. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu bởi NXB Quê Mẹ (Paris) vào năm 1992.

* Bài “Có nên ‘vẽ rắn thêm chân’?” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể loạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo”
* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.”
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Tôn Trọng Dân.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hóa thạch

Phan Thanh Hung

VNTB – Kim cô và Tử huyệt

Phan Thanh Hung

VNTB – Cách Dân Việt hành động

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo