Trần Thành – Thảo Vy
(VNTB) – Có lẽ chỉ một phần ngàn khả năng sẽ khởi tố hình sự vụ ống xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa. “Vuốt mặt nể mũi… Trung Quốc” là lý do cho con số một phần ngàn ấy!
Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung vừa qua, ngày 22/4, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an) cho biết, sau khi nhận được phản ánh, đơn vị này đã cử người vào để kiểm tra, điều tra làm rõ.
Theo nguồn tin từ các cơ quan chuyên môn, hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 6/4 tại vùng biển Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày sau đó, cá chết tiếp tục lan sang vùng biển tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị, và gần đây nhất là vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngoài hiện tượng cá biển tự nhiên chết dạt vào bờ, liên tiếp trong những ngày gần đây, các loại cá như hồng, mú, vẩu… được người dân nuôi trong lồng bè ở gần cửa sông, cửa biển cũng chết bất thường. Ngay cả các ao hồ nuôi xa bờ, cá cũng bị chết khi người dân lấy nước từ biển vào nuôi. Điều này, khiến người dân dọc bờ biển miền Trung vẫn phải sống phấp phổng trước mối lo cá nhiễm độc, nhất là khi đã có trường hợp bị ngộ độc do ăn cá biển chết.
Trước thực trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết, vụ việc này đang trong quá trình điều tra nên C49 chưa thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.
Ống xả thải ngầm khó thể vô can?
Thông tin mới nhất là cơ quan chức năng đã lấy mẫu để xác định chất lượng xử lý cũng như tính chính xác của hệ thống quan trắc tự động của Formosa khi súc xả đường ống giữa lúc có nghi vấn súc xả đường ống có chất độc.
Liên quan đến thông tin Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) có đường ống xả thải ngầm chôn dưới lòng biển và được quan trắc tự động nhưng chưa kết nối và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), một nguồn tin ngày 24-4 cho biết theo quy trình công nghệ của Formosa, trước khi vận hành có tiến hành súc rửa đường ống. Bên cạnh nghi vấn chất độc hại có được Formosa dùng để súc xả đường ống gây ảnh hưởng môi trường và làm cá chết hàng loạt tại khu vực miền Trung, thì còn có nghi vấn do các chất gỉ, sét, dầu mỡ từ đường ống xả ra môi trường. Khi đó, các chất này sẽ “hút” hết oxy của nước biển thông qua phản ứng hóa học, dẫn đến nước biển không có dưỡng khí và cá chết.
Bộ TN-MT nói rằng ống xả của Formosa được chính Bộ này cấp giấy phép. Tuy nhiên những quan chức của Bộ TN-MT không trả lời được câu hỏi rằng ống xả ra biển là bình thường ở các doanh nghiệp sản xuất gần sông biển, nhưng vấn đề là Formosa đã thải những thứ gì? Xử lý nước thải thế nào?…
Chưa bỏ tù được doanh nghiệp nào hết!
Bộ luật Hình sự năm 1999 và dành 10 điều luật trong Phần các tội phạm để quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường tại Chương XVII. Trong đó, 03 hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường là: Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182), Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183) và Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184). Tuy nhiên đại diện C49 nói rằng từ đó đến giờ chưa khởi tố vụ án hình sự nào về tội danh liên quan môi trường.
Theo thống kê của Bộ TN-MT, phần lớn hệ thống xử lý nước thải trong khu công nghiệp ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Năm 2007, Bộ TN-MT đã tổ chức 250 lượt kiểm tra, phát hiện hơn 80% doanh nghiệp bị kiểm tra có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, các cơ quan chức năng đã không thể khởi tố cá nhân về các tội gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Sự kiện gây xôn xao dư luận trong nước liên quan đến thực trạng gây ô nhiễm môi trường là vụ của Công ty Vedan. Ngày 08-9-2008, C49 bắt quả tang Công ty Vedan xả trộm nước thải chưa qua xử lý, Vedan đã lắp đặt hệ thống bơm, đường ống ngầm để xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải nhằm qua mặt chính quyền. Hành vi này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và sức khỏa của nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh nằm bên sông Thị Vải.
Cơ quan công an đã vào cuộc nhưng không thể xử lý hình sự mà chỉ phạt hành chính với mức tiền phạt 267,5 triệu đồng. Khoảng một tháng sau, đêm 10-10-2008, cảnh sát môi trường TP. Hồ Chí Minh lại bắt quả tang công ty thuộc da Hào Dương đang lén điều khiển hệ thống điện đặc biệt xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền. Cùng với 23 lần bị lập biên bản gây ô nhiễm môi trường, hồ sơ vụ việc được chuyển đi nhằm khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm nguồn nước. Nhưng tháng 3-2009, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã kết luận: “Không khởi tố do chưa đủ cơ sở”. Hào Dương bị xử phạt hành chính, mức tiền tối đa chỉ 33 triệu đồng. Trong các năm 2008 – 2009, cảnh sát môi trường TP. Hồ Chí Minh đã “phục kích” bắt quả tang 185 vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường, có thể kể đến những cái tên như: Nhà máy điện Hiệp Phước, Công ty thuộc da Hào Dương, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Phạm Thu (chôn đường ống ngầm xả thải); Công ty thu gom vận chuyển xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại Tân Đức Thảo, v.v. Tuy nhiên, tất cả các vụ vi phạm trên đều không thể xử lý hình sự.
Sở dĩ các vụ gây ô nhiễm môi trường nói trên không thể xử lý hình sự là vì Bộ luật Hình sự (1999) quy định các Tội gây ô nhiễm nguồn nước, Tội gây ô nhiễm không khí hoặc Tội gây ô nhiễm đất cần phải có dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” mà còn cố tình vi phạm mới cấu thành tội phạm.
Theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, khi các cơ sở sản xuất (công ty/pháp nhân) có hành vi gây ô nhiễm môi trường, việc xử phạt hành chính sẽ được tiến hành đối với pháp nhân đó. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự (1999) chỉ coi cá nhân là chủ thể của tội phạm. Do đó, khi các cơ quan chức năng muốn khởi tố người đứng đầu pháp nhân hoặc người trực tiếp điều hành việc xả thải gây ô nhiễm môi trường thì hành vi của anh ta không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” chưa được thỏa mãn.
Vấn đề là có muốn hay không?
Có lẽ cũng nên nói rõ thêm. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, các nhà làm luật đã bỏ đi dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” mà còn vi phạm. Chỉ cần việc xả thải ra môi trường nước, không khí và đất “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì hành vi đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa dổi, bổ sung năm 2009 có hiệu lực, vẫn chưa có một báo cáo nào cho thấy một cá nhân nào bị khởi tố về Tội gây ô nhiễm môi trường, mặc dù thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn ngày đêm tiếp diễn. Sở dĩ như vậy là vì việc áp dụng Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 còn khá nhiều vướng mắc.
Trước hết, dấu hiệu về mặt khách quan của Tội gây ô nhiễm môi trường là phải có hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ”. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi kèm theo một trong ba trường hợp sau: Vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng, hoặc; Làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoặc; Gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, chưa có một băn bản hướng dẫn nào trong lĩnh vực hình sự giải thích về các trường hợp nói trên về thế nào là “ô nhiễm nghiêm trọng – hâu quả nghiêm trọng”?. (Tướng Phan Anh Minh của Công an TP.HCM vài hôm trước còn phát biểu tại họp báo là vụ án khởi tố hình sự ông chủ quán Xin Chào là “bé như ngón tay”!?).
Sẽ có nhiều ‘Lê Lai’?
Một số quan điểm đã băn khoăn cho rằng câu chữ của điều luật quy định Tội gây ô nhiễm môi trường ghi: “Người nào xả thải” thì nhiều khả năng chúng ta chỉ bắt được người trực tiếp mở van xả thải chứ không bắt được người chỉ đạo mở van đó, thậm chí chỉ đạo xây dựng đường ống ngầm đó thì cũng không bị xử lý được.
Luật Hình sự Việt Nam quy định chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, luật không chỉ quy định trách nhiệm hình sự của những người trực tiếp phạm tội mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong đồng phạm có 04 loại người là: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Như vậy, trong trường hợp một người không trực tiếp thực hiện hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng tham gia với tư cách là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức thì tùy tính chất, mức độ của hành vi cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít lúng túng là trường hợp những người đứng đầu pháp nhân bị thay đổi. Người đứng đầu mới của pháp nhân vừa được thay thế, nên lấy lý do là “không biết” sự việc xả thải của pháp nhân mình vào thời điểm trước đó và đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Nguyên tắc trách nhiệm cá nhân chỉ ra rằng, chỉ người nào có hành vi phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề sau cùng khiến tác giả bài viết này băn khoăn là tâm lý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý hình sự đối với người có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Liệu họ có thẳng tay truy cứu trách nhiệm hình sự những người có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã cấu thành tội phạm theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009? Kể từ khi được quy định trong Bộ luật Hình sự cho đến thời điểm này, các hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường chưa từng được xử lý hình sự. Hơn thế nữa, cấu thành tội phạm của tội phạm này cũng chưa được làm sáng tỏ. Thế nên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ hết sức dè dặt trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi ấy.
Có lẽ chỉ một phần ngàn khả năng sẽ khởi tố hình sự vụ ống xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa. “Vuốt mặt nể mũi… Trung Quốc” là lý do cho con số một phần ngàn ấy!