Việt Nam Thời Báo

VNTB- Ai đã chống lưng cho Phạm Công Danh?

Trần Thành – Thảo Vy
(VNTB) – Giơ cao đánh khẽ là một kịch bản được dự báo cho phiên tòa đang diễn ra trong vụ đại án thiệt hại 9.000 tỷ đồng do ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm thực hiện.


Nhiều ưu ái… đầy ẩn ý
Câu hỏi này sở dĩ nêu ra vì ít nhất có 2 ưu ái bất thường trong phiên tòa đang diễn ra ở vụ “Đại án VNCB” với bị cáo đầu vụ là ông Phạm Công Danh. Một, ông Danh được trả lời thẩm vấn sau cùng. Ông Danh còn được nghe cả phần xét hỏi các bị cáo khác và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây có thể xem là phần lợi thế, vì bị cáo này có thể hình dung hết câu chuyện, và sẵn sàng cho lời khai theo hướng có lợi cho mình.
Hai, bị cáo Phạm Công Danh đã được hội đồng xét xử ‘làm lơ’ việc bị cáo Danh đã chất vấn bà Trần Ngọc Bích là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Căn cứ Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, sửa đổi và bổ sung năm 2011 quy định về “trình tự xét hỏi”, thì không có quy định nào “bị cáo được quyền yêu cầu Hội đồng xét xử, rồi Hội đồng xét xử đề nghị Viện kiểm sát hỏi người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan” như việc bị cáo Danh đã ‘truy vấn’ bà Bích. Liệu ở đây có phải là hành vi vi phạm tố tụng của Hội đồng xét xử?
Không chỉ nghi vấn có người chống lưng bị cáo Phạm Công Danh trong phiên xét xử đang diễn ra, mà trước khi vụ án bị khởi tố, hàng loạt tình tiết cho thấy có ai đó của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quá ưu ái cho ông Phạm Công Danh trong các thủ tục hành chánh liên quan.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút của VNCB tổng cộng 18.678 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng này 9.133 tỉ đồng. Ở đây có hai điểm nhấn không thể nào không nhắc đến: Thứ nhất, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, từ năm 2013 VNCB bị đặt trong tình trạng kiểm soát (không phải kiểm soát đặc biệt). NHNN đã cử một tổ giám sát xuống kiểm soát VNCB. Mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát. Vậy tổ giám sát ở đâu để Phạm Công Danh và các đồng phạm có thể rút ra tới 18.678 tỉ đồng trong vòng 1,5 năm họ tiếp quản ngân hàng này?
Thứ hai, theo Luật các tổ chức tín dụng, chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng phải là người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính và không có tiền án tiền sự. Tuy nhiên Phạm Công Danh không hề làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trước khi ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB. Đó là chưa kể lý lịch của ông Danh, theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đã từng có liên quan đến hình sự.
Cơ quan điều tra cho biết trong bộ hồ sơ lý lịch của ông Phạm Công Danh gửi lên NHNN cho thủ tục xét bổ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng, thì có đưa một bản sao văn bằng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM. Tuy nhiên trường này đã trả lời rằng không có bất cứ sinh viên Phạm Công Danh nào tại đây. Tuy nhiên văn bằng đó lại có sao y bản chính của công an phường 15 quận 10, TP.HCM.
Trong lý lịch, ông Danh có khai thạc sỹ kinh doanh Úc, thời gian học 1987-1991 tại TP.HCM. Tuy nhiên, kiểm tra lại cho thấy trong thời gian này từ 1982-1990, ông Danh đang sinh sống tại Quảng Ngãi. Bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh ghi ông Phạm Công Danh tốt nghiệp vào thời gian 1987 – 1991. Thế nhưng trong hồ sơ gửi NHNN thì ông Danh ghi thời gian này đang học thạc sỹ kinh doanh.

Là người đổ vỏ?
Trước khi vụ án khởi tố, trong những lần gặp gỡ với báo chí, ông Danh nói rằng từ năm 2009, tập đoàn Thiên Thanh của ông đã kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng, nhưng thời điểm đó Thống đốc NHNN chưa đồng ý. Do đó, khi NHNN kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Thiên Thanh đã chọn ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) – tên gọi trước thời điểm tháng 5/2013 của VNCB để tái cấu trúc.
“Với đề án phục vụ cho ngành xây dựng, việc một nhà sản xuất và phân phối như chúng tôi vươn lên thành nhà tổ chức rồi tham gia lĩnh vực ngân hàng là nỗ lực rất lớn. Một việc rất áp lực và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, là tháo gỡ 50.000 tỷ đồng bằng hàng hóa qua hình thức ngân hàng cấp tín dụng và giám sát 100%” – ông Danh chia sẻ với báo chí thời điểm ông nhận chức chủ tịch HĐQT VNCB.
Tuy nhiên tại phiên tòa hôm 29-7, Phạm Công Danh cho rằng ông đã mua lại cổ phần TrustBank qua ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank bị bắt vào chiều ngày 24-10-2014, về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) với giá 500 tỷ đồng, nhưng khi thực tế bước vào ngân hàng thì mới thấy được tình trạng thực của ngân hàng.
Phạm Công Danh cũng khai nhận rằng, sau khi tiếp quản ngân hàng, bị cáo đã “sốc” vì ngân hàng bê bết đến như vậy. “Thực tế bây giờ bảo tôi nhớ thì tôi không thể nhớ và tính toán được mà nói cũng không hết được khó khăn của ngân hàng trong đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín”, ông Danh còn nói ở phiên tòa rằng, “Chánh thanh tra NHNN Việt Nam lúc đó cũng động viên chúng tôi là thực trạng Đại Tín lúc đó như vậy và không thể dùng tiền Nhà nước tái cơ cấu. Phải dùng nguồn lực tư nhân. Lúc đó tôi mới làm tiếp dù tôi không có nghiệp vụ ngân hàng”.
Từ năm 2008, tập đoàn Thiên Thanh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện nay. Trong đó, ông Phạm Công Danh nắm 80% vốn và bà Quách Kim Chi nắm 20%.
Đến đầu năm 2013, Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh trở thành những cái tên đình đám khi dẫn đầu nhóm nhà đầu tư mua lại ngân hàng Đại Tín – Trustbank. Sau khi hoàn tất việc chuyển giao quyền sở hữu, ông Phạm Công Danh lên nắm chức vụ Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng Đại Tín được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB. Vốn điều lệ nhanh chóng tăng từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng.
Khi đầu tư vào Trustbank, tỷ lệ sở hữu ban đầu của Thiên Thanh là xấp xỉ 10%, tương ứng lượng cổ phiếu có mệnh giá gần 300 tỷ đồng. Sau đó, Thiên Thanh và nhóm cổ đông liên quan tiếp tục góp thêm 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 7.500 đồng.

Một vở diễn?
Tuy nhiên một nghi vấn rằng ông Phạm Công Danh dường như chỉ là vật thế thân cho ai đó, khi trong phần trả lời thẩm vấn của bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ, tại phiên xét xử hôm 3-8-2016 có nội dung như sau: bà Phấn khai khi bắt đầu quá trình chuyển giao ngân hàng, người bà gặp ban đầu là ông Hà Văn Thắm. Do ông Thắm không được NHNN chấp thuận nên mới chuyển cho Phạm Công Danh.
“Sau đó, ba bên gặp nhau, ông Thắm nói rằng sẽ giao ngân hàng cho ông Danh. Tôi không lấy bất cứ đồng nào tiền thực hiện chuyển giao vì chỉ mong rút lui khỏi HĐQT mà không phải đuổi việc bất cứ nhân viên nào”, bà Phấn khai.
Bà Phấn cũng thừa nhận khi ký hợp đồng chuyển giao ngân hàng với nhóm Thiên Thanh do bị cáo Danh đại diện, NHNN chưa có văn bản thông báo chấp thuận. Tuy nhiên, ông Thắm cho biết việc chuyển giao này đã được NHNN đồng ý, nhưng chưa có văn bản.
Giới kinh doanh bất động sản tại TP.HCM cho rằng những lời khai của bà Phấn tại phiên tòa sáng 3-8 là có căn cứ, vì ông Hà Văn Thắm thời điểm đó có quan hệ làm ăn khắng khít với Công ty cổ phần Địa ốc và Xây dựng SSG do bà Nguyễn Hồng Phương làm chủ tịch HĐQT. Bà Phương được cho là em ruột của cựu chủ tịch quốc hội tiền nhiệm của bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Với những mắc xích đan xen ở sân sau làm ăn của nhiều quan chức trong bộ máy chính phủ, giới làm ăn ở Sài Gòn dè dặt cho rằng khả năng ông Phạm Công Danh chỉ là một thế thân mang tính răn đe nhau, hơn là một vụ đại án đúng nghĩa thượng tôn pháp luật.

Tin bài liên quan:

VNTB- 6 năm trước, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã bị kiện (Bài 2)

Phan Thanh Hung

VNTB- Ông Võ Kim Cự đang là một… cascadeur?

Phan Thanh Hung

VNTB- Tăng lương tối thiểu: Chỉ “ông nhà nước” là có lợi

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.