Trần Thành
(VNTB) – Lần đầu tiên trong lịch sử, một người Việt “gốc” – cụ thể ở đây là ông Phạm Minh Hoàng, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, có cha mẹ, tiên tổ là người Việt, lại bị nhà cầm quyền “truất quốc tịch Việt Nam”. Đây là một tiền lệ xấu.
Và cũng có thể lần đầu tiên, một quyết định của chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam sẽ phải đối mặt với đơn khởi kiện hành chính tại Tòa án thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Quốc tịch là quyền mặc định
Luật Quốc tịch Việt Nam, “Điều 2. Quyền đối với quốc tịch: 1. Ở nước CHXHCN Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này”.
Điều 31 của Luật Quốc tịch Việt Nam nói rằng nếu ông Phạm Minh Hoàng đã từng từ bỏ quốc tịch Việt Nam, và sau đó tiến hành các thủ tục hành chính để được nhập quốc tịch Việt Nam, thì khi ông Phạm Minh Hoàng có những hành vi được xem là ảnh hưởng đến uy tín chính trị của Việt Nam, lúc đó, ông Phạm Minh Hoàng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam.
Ông Phạm Minh Hoàng chưa có tuyên bố từ bỏ quốc tịch Việt Nam, nên ông không chịu sự điều chỉnh của Điều 31, Luật Quốc tịch Việt Nam. Công dân Phạm Minh Hoàng được bảo hộ về quốc tịch Việt Nam, cũng như ông không thể bị trục xuất rời khỏi Việt Nam với bất kỳ lý do nào. Các quyền đó được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, “Điều 17: 1. Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”.
Như vậy, việc ông chủ tịch nước ra quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam Phạm Minh Hoàng là vi phạm Điều 17 của Hiến pháp, và Điều 2 của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Khởi kiện nếu khiếu nại bất thành
Vấn đề đặt ra, như lời của luật sư Đặng Đình Mạnh – người được ông Hoàng nhờ trợ giúp pháp lý trong vụ này, thì luật sư sẽ khiếu nại quyết định của chủ tịch nước, nếu không được thì sẽ khởi kiện.
Cho đến nay liên quan đến chế định chủ tịch nước, thì vẫn chưa có văn bản nào quy định về các quyền ưu tiên, miễn trừ của chủ tịch nước. Do đó, căn cứ để khởi kiện trong tố tụng hành chính ở quyết định tước quốc tịch nói trên, bao gồm những điều như sau của Luật Tố tụng hành chính 2015: “Điều 2.1 Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng hành chính trên lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Điều 17. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính: 1. Trong tố tụng hành chính, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. 2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án. 3. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình”; “Điều 32.1 Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: 1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.
Khi pháp luật không được tuân thủ
Trong quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng, có hai nội dung cho thấy dấu hiệu không tuân thủ trình tự quy định của pháp luật. Thứ nhất, như đã nói ở trên, chuyện quốc tịch Việt Nam của ông Hoàng không chịu sự điều chỉnh của Điều 31, Luật Quốc tịch Việt Nam, do đó, dòng viện dẫn “Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 191/TTr-CP ngày 12/5/2017” trong Quyết định 832/QĐ-CTN, ký ngày 17/5/2017và không có chữ ký cùng con dấu của Văn phòng chủ tịch nước Trần Đại Quang, cho thấy chưa đủ cơ sở pháp lý để tước quốc tịch Việt Nam ngay cả khi ông Phạm Minh Hoàng thuộc trường hợp chịu sự chế tài của Điều 31, Luật Quốc tịch. Đó cũng chính là điểm sai thứ hai trong quyết định.
Nghị định số 78/2009/NĐ-CP “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam”, ở Điều 16 cho biết hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam, có: a) Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc tước quốc tịch Việt Nam; b) Các tài liệu xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam; c) Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam (nếu có).
Trong trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước CHXHCN Việt Nam, thì hồ sơ gồm có: a) Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam. b) Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.
Ông Phạm Minh Hoàng từng chịu mức án 17 tháng tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ngày 13/1/2012, ông đã được trả tự do. Bản án không có kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng.
Trong Quyết định 832/QĐ-CTN, ký ngày 17/5/2017 được cho là ông Trần Đại Quang đã ký, cho thấy về trình tự thủ tục hành chính làm căn cứ để ban hành quyết định tước quốc tịch, đã không tuân thủ Luật Quốc tịch và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP.
Có một lăn tăn, về mặt hình thức văn bản pháp quy, vì sao một quyết định liên quan đến quyền quốc tịch của công dân, lại không có chữ ký của chủ tịch nước và con dấu quốc huy?