Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có tiền thì học, không tiền thất học

Minh Triều 

 

(VNTB) –  Trường Victory quy định phải nộp học phí đúng hạn, nếu không nộp thì hủy kết quả để tạo cơ hội cho người khác

 

Nhà trường là nơi xây dựng tương lai của đất nước và giáo dục bồi dưỡng nhân phẩm, đạo đức của tuổi trẻ. Các cơ sở giáo dục, trường học đều dạy học sinh lòng vị tha, bao dung, lá lành đùm lá rách, nhưng chỉ là dạy, còn hành động của nhà trường thì ngược lại. Như mới đây, một em học sinh lớp 9 của Trường Victory (Đắk Lắk) bị hủy kết quả trúng tuyển vào lớp 10 chỉ vì nộp học phí chậm 2 ngày.

Được biết, em học sinh này đã rất nỗ lực học tập và vượt qua kỳ thi tuyển sinh để trúng tuyển đợt 1. Cùng lúc đó thì nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông báo ngày 8/6 là hạn cuối nhập học và nộp học phí. Tuy nhiên, chỉ vì gia đình không kịp nộp học phí đúng hạn, em học sinh này đã bị hủy kết quả.

Giải thích về vấn đề này, hiệu trưởng Trường Victory cho rằng nhà trường quy định đến đó phải nộp học phí, nếu không nộp thì hủy kết quả, tạo cơ hội cho người khác. Tuyên bố như vậy chẳng khác nào giang hồ thu tiền bảo kê ngoài chợ, ai không nộp tiền thì không cho bán để nhường chỗ cho người khác sẵn sàng đóng tiền bảo kê. Trường học mà hành xử lưu manh như vậy thì làm sao có thể đào tạo ra những con người nhân văn, đóng góp cho một xã hội văn minh được.

Trao đổi với phóng viên VNTB, chị H.P., một phụ huynh nói rằng “Việc nộp học phí đúng hạn là quan trọng. Tuy nhiên, sự việc này đòi hỏi một cái nhìn linh hoạt và cảm thông từ phía nhà trường. Theo tôi biết thì gia đình em này đã đến đóng học phí chỉ sau 2 ngày so với hạn chót, đây không phải là một sự chậm trễ quá lớn để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là hủy kết quả trúng tuyển của học sinh. Trường Victory cần đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình học sinh để hiểu rằng cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực công việc đôi khi không cho phép mọi người luôn tuân thủ chính xác mọi quy định thời gian”.

Cũng cần phải coi lại quy trình thông báo và nhắc nhở về hạn nộp học phí của nhà trường. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc gửi tin nhắn nhắc nhở qua điện thoại hoặc email là hoàn toàn khả thi và cần thiết. Điều này không chỉ giúp gia đình học sinh nhớ và chuẩn bị tốt hơn, mà còn thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh của mình.

Giáo dục nhân văn là phải tôn trọng con người, không thể để học sinh chịu áp lực bởi những vấn đề mà người lớn gặp phải. Từ lâu nay, cứ mỗi khi gia đình chậm nộp học phí là học sinh lại bị thầy cô, nhà trường “đấu tố”, “bêu rếu” trong mỗi lần sinh hoạt lớp hoặc sinh hoạt đầu tuần. Cần phải thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa thầy cô và phụ huynh để những vấn đề này trong trở thành gánh nặng cho các em, vô hình trung biến học sinh thành nạn nhân trong cuộc chiến học phí giữa trường học và gia đình.

Ngoài ra, một vấn đề cấp thiết cho phát triển giáo dục bền vững đó là phải thay đổi chính sách thu học phí để mọi trẻ em đều được đến trường và được hưởng những quyền lợi công bằng trong trường học.

“Nói về tiền thì nhà nước Việt Nam hiện nay không thiếu. Nhưng họ sử dụng không đúng cách, thay tập trung xây dựng tượng đài ngàn tỷ hay dùng hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm chỉ để phát cờ, phát hình lãnh tụ cho người dân. Nếu đem số tiền đó để lo cho trẻ em, học sinh nghèo, giúp các em được thụ hưởng một nền giáo dục công bằng, bác ái, không bị kỳ thị, áp lực. Từ đó các em mới có thể trở thành những con người tốt, có ích cho xã hội”. Chị H.P. đề xuất quan điểm với phóng viên VNTB.

 

______________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/cham-nop-hoc-phi-2-ngay-hoc-sinh-bi-huy-ket-qua-trung-tuyen-lop-10-20240621151117825.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – 10 vụ bê bối ngành giáo dục chấn động dư luận năm 2023

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đánh bóng niêu đất cũ

Do Van Tien

VNTB – Cải cách tiền lương nhà giáo đâu là cốt lõi?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo