Châu Nam Việt
(VNTB) – Nhiều khi người ta cố tình lãng phí 9 phần chỉ để tham nhũng 1 phần.
Việc chậm tiến độ trong các dự án hạ tầng ở Việt Nam luôn là một chủ đề nóng, và dự án Vành Đai 2 tại TP.HCM là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Đoạn 3 dự án có điểm đầu tại đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa quốc lộ 1 (TP Thủ Đức) với tổng chiều dài chỉ 2,7km và mức đầu tư đã chi hơn 2.000 tỷ đồng. Dù được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện hạ tầng giao thông, nhưng dự án này lại đang mắc kẹt trong những vấn đề nghiêm trọng, khiến mọi kỳ vọng trở thành thất vọng.
Nhiều hộ dân sống trong khu vực dự án đã sẵn sàng hy sinh, bàn giao mặt bằng sớm với hy vọng một con đường mới rộng rãi sẽ góp phần phát triển thành phố, giảm thiểu ách tắc giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, những hy vọng đó đang bị dập tắt khi công trình làm dở dang rồi lại tạm ngưng. Những con đường mới, rộng rãi, đầy tiềm năng phát triển đang bị bỏ dở, nằm chờ đợi trong tình trạng ngổn ngang, không biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Hơn 2.000 tỷ đồng không phải là một số tiền nhỏ, và việc dự án bị đình trệ chắc chắn khiến số tiền ngân sách bỏ ra sẽ tăng cao trong thời gian tới. Được biết, lãi suất phát sinh do việc trì hoãn đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, trung bình mỗi tháng lên tới 14 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lãi suất phát sinh đã vượt quá 600 tỷ đồng.(1) Đây là một con số không thể chấp nhận được khi ngân sách nhà nước đang phải chịu gánh nặng này bởi sự quản lý yếu kém và thiếu trách nhiệm.
Làm thế nào mà một dự án quan trọng như vậy lại có thể rơi vào tình trạng bế tắc? Trách nhiệm thuộc về ai? Muốn xử lý tham nhũng thì chỉ cần truy ra người nào duyệt dự án, nhà thầu nào xây dựng, ai nắm ngân sách, thu chi như thế nào. Cả một bộ máy chính trị, hành pháp, tư pháp dày đặc, rườm rà mà không truy ra được người chịu trách nhiệm, nguyên nhân chậm trễ thì bộ máy đó có lẽ không cần tồn tại nữa.
Và quan trọng hơn, giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì? Người dân và ngân sách nhà nước không thể tiếp tục gánh chịu hậu quả của những sai lầm và thiếu sót trong quản lý dự án. Cứ để tình trạng này diễn ra vô tội vạ rồi xử lý cho có lệ, trả lời qua loa với người dân thì càng ngày đất nước sẽ càng mục nát, cạn kiệt ngân sách và người dân lại phải đóng thêm thuế để gồng gánh.
Lãng phí còn đáng sợ hơn là tham nhũng. Bởi tham nhũng thì chuyển đổi mục đích sử dụng, còn lãng phí là mất luôn. Nhiều khi người ta lãng phí 9 phần chỉ để tham nhũng 1 phần nhỏ. Khi cán bộ có ý định tham nhũng, họ có thể sử dụng nhiều cách thức khác nhau để che đậy hành vi của mình. Một trong những cách phổ biến là lãng phí các nguồn lực hoặc tăng khối lượng công việc lên gấp nhiều lần so với thực tế, từ đó tạo điều kiện để chiếm đoạt một phần nhỏ ngân sách dự án mà không bị phát hiện.
Do đó, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, làm rõ các nguyên nhân chậm tiến độ và các yếu tố liên quan. Liệu có hay không việc cố tình làm chậm tiến độ dự án để gây lãng phí nhằm mục đích tham nhũng. Nếu có sai phạm hoặc tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đồng thời, cần có các biện pháp mạnh mẽ để tăng cường quản lý và giám sát các dự án công, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm với người dân mà còn là sự tôn trọng đối với những kỳ vọng và niềm tin mà họ đã đặt vào các dự án phát triển hạ tầng của đất nước.
________________
Tham khảo:
(1) https://vietnamnet.vn/vi-sao-chi-hon-2-000-ty-dong-doan-2-7km-vanh-dai-2-tphcm-van-cham-tien-do-2304835.html