Cảm Tình Viên
(VNTB) – Nàng Kiều cũng từng lưu lạc phong trần suốt 15 năm kia mà… Cơ trời dâu bể đa đoan/ Nỡ đày đoạ trẻ càng oan khốc già.
[ads_color_box color_background=”#f7e9e9″ color_text=”#444″]
Lời tòa soạn: Bài viết này tác giả có ghi chú mong muốn được ký bút danh “Cảm Tình Viên”. Tác giả giải thích: đơn giản đó là bài viết của một “Viên chức” có “Cảm Tình” với tác giả Phạm Chí Dũng, khi bỏ công đọc lại mấy chục bài báo của ông vừa bị kết án 15 năm tù vì 25 bài báo “chống Nhà nước CHXHCN”.
“Viên chức” cho biết thêm là quen biết cả nhà báo Phạm Chí Dũng lẫn Lê Hữu Minh Tuấn…
[/ads_color_box]
***
Có ý kiến cho rằng, nếu bạn nói lên chính kiến của mình, hay viết ra chính kiến của mình, là không được. Điều này chưa chắc đúng. Bởi trên thực tế, cũng có nhiều người có thể nói được, viết được đó thôi. Chỉ là sau đó như thế nào thôi?
Nhẹ nhàng thì mấy anh bên Bộ Thông tin Truyền thông sẽ làm nhiệm vu thâu gom các bài viết lại, đóng thành một cái tập rồi gửi đi các Sở Thông tin Truyền thông ở từng địa phương. Mời lên, cho coi, rồi phạt tiền. Với báo chí thì thêm cái “tiết mục” là tạm đóng cửa một thời gian (một tháng, ba tháng…) hoặc nặng hơn là đóng vĩnh viễn.
Với những bài viết khác, nặng nề hơn, sẽ là những án tù. Như vụ ba nhà báo của Hội Nhà báo độc lập chẳng hạn.
Có thể nói, đúng như cái tên gọi, Hội Nhà báo độc lập chỉ thuần là một tổ chức nghề nghiệp, nơi gọi là “sân chơi” của những người từng làm báo (báo in, báo nói, báo hình), những người đam mê với viết lách và cả những người đang… tập tành viết báo.
Đã gọi là báo chí, quyền lực thứ 4, thì đương nhiên phải có những tiếng nói phản biện, thiết nghĩ báo nào cũng vậy, bên cạnh đưa những tin thời sự về đại hội này nọ. Có thể nói, càng nhiều tin về xã hội, một số người dân lại càng “khoái” coi. Họ coi để họ biết tình hình đất nước hiện nay như thế nào?
Nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Họ coi để họ biết nhà nước đã và đang ban hành những chính sách gì để họ thực hiện đúng với Hiến pháp và pháp luật…. Việt Nam Thời Báo cũng vậy trong quỹ đạo truyền thông ấy thôi.
Tôi nhớ, hồi còn đi học, có câu nói “văn mình vợ người”, có lẽ với báo, cũng vậy, ý tại ngôn ngoại.
Như đã nói ở trên, báo chí ngoài việc đưa tin, còn phải có tính phản biện, nếu họa chăng có vô tình đụng chạm đến “tự ái” của bất kỳ ai, thiết nghĩ, đó cũng chỉ là sự vô tình chứ chẳng tờ báo nào “dại” đến cái mức gọi là “xúc phạm danh dự” của cụ thể một ai đó, khi người đó không làm. Vậy chẳng há chi là vu khống? Đóng cửa chứ chẳng đùa, rồi cái gọi là “sân chơi nghề nghiệp” của anh em sẽ ra sao? Một số người sẽ mất đi một khoản kiếm sống trong giai đoạn khó khăn về kinh tế.
Tôi biết ông Dũng với ông Tuấn không nhiều. Có thể gọi là cái “duyên” hay chăng khi tôi biết cả hai ông đều ở chùa Liên Trì bên Thủ Thiêm, Sài Gòn? Một người thì vô tình gặp tại chùa, một người thì dịp Hội này kỷ niệm. Sau đó, có lần Hội Nhà văn thành phố họp tại T78, tôi lại một lần nữa “hạnh duyên” với ông nhà báo Dũng.
Có phải chăng do tôi tiếp xúc không nhiều hay chăng mà ở hai ông, tôi chẳng thấy cái gọi là “chống đối” gì cả. Ngược lại, chủ trương của họ là hoàn toàn ôn hòa. Tôi nhớ, trong một lần nói chuyện, ông Dũng còn chỉ tôi mỗi khi có chuyện buồn phiền hay rắc rối do chính nội bộ quậy phá, nên ngồi thiền, tịnh tâm lại rồi sau đó giải quyết vấn đề.
Ở cách viết của ông Dũng, lập luận có phần đanh thép, song không dùng những từ đao to búa lớn mang kiểu lớn giọng sáo ngữ bề trên chỉ đạo, như kiểu nghiêm khắc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam này nọ…
Sau những lần đó, tôi được mời trong nhiều cuộc gặp gỡ của Hội. Là một tham dự viên, chẳng biết gì thêm về Hội, tôi cũng không góp được tiếng nói nào. Song tôi thấy ông Dũng có cái hay, chủ tịch và hai phó chủ tịch đều là những người trong nước, đang sinh sống ở Việt Nam, bởi chỉ có ở Việt Nam mới có thể dễ dàng gặp anh em, mới có thể biết một cách chính xác nhất về tình hình như thế nào. Dù biết rằng có một nguy hiểm nhất định, song cả ba đều không hãi sợ.
15 năm rồi 11 năm, cái án gọi là không nhẹ. Không biết rồi đây cái “sân chơi nghề nghiệp” sẽ như thế nào? Song dù có tạm khuyết cái ghế chủ tịch đi chăng nữa, có lẽ, ai cũng đồng ý rằng, nó nên như vậy cho đến cái ngày hết…15 năm.
Nàng Kiều cũng từng lưu lạc phong trần suốt 15 năm kia mà… Cơ trời dâu bể đa đoan/ Nỡ đày đoạ trẻ càng oan khốc già.