Loan Thảo
(VNTB) – Ông Hai Nghĩa từ trần. Viết trong sổ tang, có người nguệch ngoạc biên “Kính cầu chúc Anh tiêu diêu cõi Bác Hồ”.
Gia đình ông Hai Nghĩa theo đạo Phật. Khu vườn của ông Hai ở Giồng Trôm trong những ngày tang chế này, cây cối đều được ‘chít khăn tang’ theo quan niệm “vạn vật hữu linh”, với việc cho rằng có những vật tưởng chừng vô tri vô giác nhưng cũng có “hồn”. Khi con người gắn bó với một sự vật thì nó trở nên gần gũi, và thậm chí có “cảm xúc” giống con người. Và có lẽ, quan niệm “cây là người” ở một góc độ nào đó đã ăn vào tâm thức dân gian, nên khi ông chủ vườn Hai Nghĩa mất, cây cối cũng để tang cho trọn tình.
Nhân lời chúc “tiêu diêu cõi Bác Hồ”, xin được bàn thêm về chuyện “cõi” dưới quan niệm Phật giáo trong đời sống người miệt sông nước đồng bằng Nam bộ.
Sáu cõi luân hồi là thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ về những con đường mà chúng sinh sẽ tái sinh vào sau khi chết. 6 cõi luân hồi bao gồm: Cõi trời; Cõi thần (còn gọi là Cõi A-tu-la); Cõi người (còn gọi là Cõi ta bà); Cõi súc sinh; Cõi ngạ quỷ; Cõi địa ngục.
Đặc điểm chung của các cõi luân hồi là vô thường, chúng sinh sau khi chết sẽ được tái sinh vào một trong 6 cõi kể trên. Tùy theo nghiệp của chúng sinh đã làm được nhiều việc tốt sẽ được tái sinh vào các cõi trên là các cõi trời, cõi thần, cõi người (dành cho chúng sinh có nhiều việc làm tốt), hoặc cố tình làm nhiều việc xấu sẽ tái sinh vào các cõi dưới là cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục. Còn những chúng sinh đã chứng quả A-la-hán thì sẽ không phải luân hồi sau khi chết nữa.
Nếu chấp nhận “cõi Bác Hồ” như lời chúc ghi trong sổ tang ông Hai Nghĩa, thì rất có thể đây là dành cho chúng sinh lúc còn sống từng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy thì với cõi thứ bảy này, “cõi Bác Hồ”, nói theo sách vở Tuyên giáo, thì đây là cõi lý tưởng mà từ đó chúng sinh đảng viên có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi.
Cảnh giới này được xem là có nhiều điều thuận lợi, vì khi đảng viên từ trần, thay cho chuyện kinh kệ tụng niệm, chỉ cần ‘hóa vàng’ những tài liệu huấn thị của “Bác Hồ”, ví dụ như Tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng hạn, thì linh hồn đảng viên đó sẽ tự khắc vào “cõi Bác Hồ” để có thể nhận những hạnh phúc đích thực mà lúc còn sống, đảng viên ấy chưa được thụ hưởng, hoặc hưởng vẫn chưa thỏa mãn.
“Cõi trời là cõi của hạnh phúc. Mặt không tốt của cõi này là mọi thứ quá tuyệt vời, và những điều này khiến cho chúng sinh cõi trời thường bỏ quên việc tu hành giải thoát. Thay vào đó, họ dần sử dụng phước báu mà họ đã tích lũy từ các kiếp trước để hưởng thụ, do vậy khi hết phước họ lại tái sinh vào các cõi khác thấp hơn.
Ở “cõi Bác Hồ” thì không, tư tưởng của Bác là luôn phải biết tu dưỡng đạo đức, đảng viên nào mà sống thiếu đạo đức, nói khác với làm, chỉ biết tư lợi cho đảng phái mà quên mất quyền lợi tối thượng quốc gia, tham quyền cố vị… thì bị đầy xuống 18 tầng địa ngục, vĩnh viễn không siêu sinh, chứ làm gì có chuyện tái sinh, hay được vào ‘cõi Bác Hồ’…” – một lão nông chia sẻ cảm nghĩ như vậy bên lề đám tang ở quê nhà Giồng Trôm của ông Hai Nghĩa.
Vẫn theo vị lão nông, những bài thuyết pháp ở chùa cho biết, khi chết linh hồn người ấy sẽ chuyển vào cõi giới nào đó, và tùy theo tâm thức mà họ thấy được hình dáng, màu sắc sự vật nơi họ đến.
Ngoài ra, tùy theo lòng tin vào tôn giáo của mình lúc còn sống như đối với những người theo Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Bà La Môn họ… sẽ thấy cảnh trí trước mắt theo tâm thức riêng của tôn giáo họ đã qua Kinh sách từng đọc, ví dụ.. người theo Thiên Chúa giáo, họ có thể thấy Chúa Jesus, Đức Mẹ, hoặc thấy các Thiên Thần bay lượn, hay sự xuất hiện của ác Thần, của Thiên sứ hay Quỷ Sa Tăng…
“Dĩ nhiên là những đảng viên thì sẽ về ‘thế giới Người Hiền’ như hồi nào thi sĩ Tố Hữu nức nở: Bác đã lên đường, theo tổ tiên/ Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền/ Ánh hào quang đỏ thêm sông núi/ Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!” – vị lão nông tri điền xứ Giồng Trôm, kết chuyện về “cõi Bác Hồ”.