VNTB – Nguyên khí quốc gia tìm ở đâu?

VNTB – Nguyên khí quốc gia tìm ở đâu?

Mai Lan

(VNTB) – “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” – Thân Nhân Trung.

 

Thân Nhân Trung là một danh sĩ Việt Nam, đứng địa vị phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát Tú của Lê Thánh Tông. Ông đỗ tiến sĩ, làm quan nhà Hậu Lê dưới hai đời vua là Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, từng giữ các chức Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc tử giám, kiêm Thượng thư bộ Lễ, trưởng Hàn lâm viện sự, Thượng thư bộ Lại, nhập nội phụ chính. Ông có câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Hiền tài và nhân tài luôn là mối quan tâm ở mọi thời đại, mọi quốc gia. Dựa trên đặc thù về thể chế chính trị, kinh tế, chiến lược phát triển giáo dục, phát triển con người nên cách thức phát hiện và tuyển chọn nhân tài ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia cũng khác nhau.

‘Hiền tài’ cũng phải được quy hoạch và phải biết ‘ăn ý trong ê kíp’?

Ở Việt Nam, căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013, thì đảng cộng sản Việt Nam là nơi giữ vai trò độc quyền trong lựa chọn ‘hiền tài’, và đảng cũng độc quyền luôn trong quản trị nguồn nhân lực điều hành quốc gia. Có nghĩa là trong mọi chức vụ ở chính quyền, đều phải thông qua sự đồng ý của đảng cộng sản; và nếu chưa là đảng viên, thì ‘hiền tài’ ấy vẫn chưa thể được lựa chọn.

Theo bài tường thuật trên báo Thanh Niên về hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra tại Hà Nội hôm 23-4, thì, “Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. “Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”, ông nói và khẳng định, trách nhiệm của Ban Chấp hành T.Ư là phải làm việc này cho tốt.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, cơ cấu đẹp nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư, mà của cả hệ thống chính trị”. (*)

Nếu đúng như lời tường thuật của báo Thanh Niên về lời kêu gọi rằng “đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư, mà của cả hệ thống chính trị”, thì xem ra người dân không phải đảng viên, phải được trao đầy đủ quyền lực chính trị trong yêu cầu về lá phiếu của mình, ở bầu chọn nhân sự của kỳ đại hội đảng lần thứ 13 sắp tới.

Yêu cầu cần đến lá phiếu của người dân, còn là vì trong bài tường thuật ở báo Thanh Niên, có đoạn cho thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang chiều hướng chấp nhận hình thành các trục phe nhóm với yêu cầu ‘tạo ê kíp ăn ý’: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, công tác nhân sự vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm, khách quan.

Trong quá trình lựa chọn, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu; phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất, tạo nên sức mạnh.

Bởi vậy, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài, dẫn đến hại nước hại dân”. (nguồn đã dẫn)

‘Hiền tài’ sao cứ phải là đảng viên đảng cộng sản?

Lâu nay, đảng cộng sản Việt Nam tìm kiếm hiền tài bằng cụm từ “quy hoạch cán bộ”, gồm có cán bộ nguồn và cán bộ chiến lược.

Số cán bộ được chuẩn bị vào các chức danh cấp trưởng ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội ở trung ương giai đoạn 2020-2025, chức danh bí thư tỉnh, Thành ủy giai đoạn 2021-2026, thì được gọi đó là ‘cán bộ nguồn trung ương’.

Cán bộ cấp chiến lược là những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là hạt nhân, là trung tâm xây dựng và tạo lập đội ngũ cán bộ cấp dưới cũng như cả bộ máy tổ chức, họ có tiếng nói quyết định đến việc lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ cấp dưới nói riêng và cả bộ máy nói chung, là những người định hướng, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước và cũng là những người lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành đất nước và xã hội.

Văn kiện của đảng nói rằng, cán bộ cấp chiến lược là những người quyết định và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, dân tộc; là nhân tố quyết định đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đưa đất nước theo kịp các nước phát triển.

Như vậy nếu so sánh với lý thuyết khoa học về quản trị hành chính quốc gia, thì tìm kiếm nhân tài ở thể chế chính trị của Việt Nam hiện tại, chịu sự giới hạn của yếu tố ‘đảng viên’. Điều này cho thấy thời gian vừa qua, sở dĩ tất cả các vụ án liên quan tới sai phạm ở cấp bộ, ngành…, thì đều ‘dây mơ – rễ má’ tới các phần việc trước đó của công tác quy hoạch cán bộ của đảng. ( **)

Cụ thể hơn, trong Thông báo số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 về kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, có một điều khoản thế này: “Đối tượng được đăng ký dự tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bảo gồm các cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Trường hợp các đối tượng không nằm trong quy hoạch thì phải được cấp ủy quản lý các chức danh đó đồng ý”.

Với điều khoản trên cho thấy có hai điều kiện chính vẫn không thay đổi cho tìm kiếm ‘hiền tài’, đó là phải ‘đảng viên’ và phải nằm trong diện được ‘quy hoạch’.

Nói một cách khác, ‘hiền tài’ nếu muốn được lựa chọn cho yêu cầu quản trị quốc gia, thì tiên quyết ‘hiền tài’ đó phải chịu sự giới hạn về quyền chính trị; tức là phải đồng ý thực hiện bất kỳ chỉ thị hay nghị quyết được đảng cấp trên ban hành, theo cả hàng dọc và hàng ngang.

 _______________

Chú thích:

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-cong-tac-nhan-su-de-nay-sinh-van-de-tam-tu-day-dut-1215115.html

(**) https://vietnamthoibao.org/vntb-quy-hoach-can-bo-dang-can-canh-tranh/

(***) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/thong-bao-so-202-tbtw-ngay-2652015-ve-ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-de-an-thi-diem-doi-moi-cach-tuyen-chon-lanh-dao-60

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)