Việt Nam Thời Báo

VNTB – Con mối trong chiếc xà nhà 

Nguyễn Anh Tuấn

 

Nhà thám hiểm, dân tộc học Henri Maître (1883-1914) từng nhận định về những tổn hại từ sự can thiệp của người Kinh vào Tây Nguyên như sau:

“Họ không lúc nào ngừng khai thác; bằng cách ấy, họ lui tới không ngừng gây ô nhiễm cho các làng, ngày càng tiến sâu hơn vào nội địa, như những con mối trong chiếc xà nhà, chỉ để lại phía sau mình những chất thải thoái hóa, các sản phẩm bị rượu tàn hại, các bệnh truyền nhiễm và ách cai trị. Ở phía này, sự thâm nhập hòa bình của người An Nam còn tai hại cho người Mọi hơn các cuộc cướp phá của người Lào và người Cambodge; người Lào và người Cambodge chỉ làm lay chuyển và tỉa cành cái thân vẫn còn sống động của chủng tộc; còn người An Nam thì gặm dần và làm cho nó ruỗng nát tới tận lõi.” [1]

Đó là nhận định của vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi mà sự hiện diện của người Kinh ở Tây Nguyên hãy còn mờ nhạt, bởi ngoại trừ những phu đồn điền được tuyển mộ, người Kinh bị cấm lên Tây Nguyên lúc này.

Vậy thì, không biết Henri Maître sẽ phải thốt lên thế nào nếu chứng kiến những gì xảy ra từ sau 1975, khi chính quyền mới thực hiện chương trình di cư ồ ạt người Kinh lên Tây Nguyên, chiếm đoạt đất rừng của người bản địa cho cái gọi là nông lâm trường quốc doanh để theo đuổi ảo mộng kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa?

Rồi khi mô hình này phá sản trong cơn lốc kinh tế thị trường thì đất rừng được hô biến thành tài sản riêng của vô số các công ty sân sau cấu kết với quan chức chính quyền. Sau vài ba tờ giấy A4, người Thượng từ vị thế chủ nhân ông của núi rừng Tây Nguyên trở thành tá điền thời hiện đại, thuê đất đóng tô cho các công ty sân sau này.

Ở Tây Nguyên, đất và rừng là một. Mất đất là mất sinh kế và bị bần cùng hóa. Mất rừng lại là mất tâm linh vì người Thượng gửi tâm linh mình vào rừng. Vài chục năm sau 1975, người cộng sản nắm quyền đã làm được điều mà các vương triều Nguyễn, thực dân Pháp và Việt Nam Cộng Hòa cộng lại cũng không làm được: Tước đoạt cả sinh kế lẫn tâm linh của người bản địa.

Nhưng sinh lực của các sắc dân bản địa Tây Nguyên thật may vẫn chưa cạn kiệt. Đứng trước thử thách sinh tồn của căn tính, nhiều người trong số họ tìm thấy trong đức tin Ki-tô không chỉ sự bù đắp tâm linh, mà còn là chỗ dựa để tái tạo và củng cố một căn tính mới cho bản thân và cộng đồng mình – để trả lời cho câu hỏi người Thượng là ai.

Ít nhất về mặt tinh thần, nhiều người Thượng đã dứt khoát lựa chọn phương án hiện đại hóa theo đức tin Ki-tô với sự dẫn dắt của nhà thờ, hội thánh, thay vì combo ‘cờ đảng, ảnh bác’ mà chính quyền mới mong muốn nơi họ.

Một căn tính mới dựa trên đức tin Ki-tô đang được nuôi dưỡng và lớn mạnh trong cộng đồng các sắc dân bản địa chính là lý do khiến chính quyền phải trấn áp bằng mọi giá.

Bởi lẽ, hơn ai hết, họ hiểu rằng căn tính có sức hiệu triệu không gì địch nổi.

Chỉ những chính thể tôn trọng quyền con người mới có thể dung chứa và cổ vũ những cộng đồng bản địa xây dựng căn cước mới cho mình không chút hoài nghi, nhờ vào nguyên tắc tôn trọng và tôn vinh sự khác biệt nằm trong căn cốt. Trái lại, những chế độ toàn trị, không thấy gì ngoài kẻ thù tiềm ẩn của mình, sẽ bằng mọi giá giữ các cộng đồng bản địa trong hình ảnh mà họ muốn thấy – thường là dưới một bộ dạng nô lệ về vật chất và tinh thần vào chế độ.

Với những gì nhà cầm quyền đang làm hiện tại, không khó để đoán một ngày họ sẽ học theo Trung Cộng lập ra các trại lao cải trên Tây Nguyên, như những gì Bắc Kinh làm ở Tân Cương với người Duy Ngô Nhĩ, khi làn sóng phản kháng lên cao.

Chỉ xin lưu ý rằng, căn tính là thứ không thể bị đánh bại. Càng bị trấn áp, căn tính càng có sức hiệu triệu và kêu gọi những hành động tập thể để bảo vệ nó, cho đến khi nó được thừa nhận và tôn trọng.

Ngay cả khi người Kinh, đại diện bởi những nhà cầm quyền thiếu xứng đáng của họ, có thể “làm cho nó ruỗng nát tới tận lõi”, như lời Henri Maître cách đây một thế kỷ.

Đến một ngày, nó sẽ tái sinh.

Ảnh: Khu vực ngã ba Đông Dương ngay cửa khẩu Bờ Y, nơi không cần cắm mốc, chỉ cần nhìn rừng cũng biết ranh giới nước Việt ở đâu.

____________

Chú thích:

[1] Henri Maitre, Les Jungles Moi/Rừng người Thượng, bản dịch của Lưu Đình Tân, Nxb Tri thức 2008, tr.261

Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn


 

Tin bài liên quan:

VNTB – The Diplomat: Xung đột phía Bắc Myanmar và góc nhìn sâu về quá trình chuyển đổi

Phan Thanh Hung

VNTB – Y Quynh Bdap và Nhóm Người Thượng vì Công Lý yêu cầu Việt Nam ngừng ngay hành vi vu khống và phỉ báng

Do Van Tien

VNTB – Không nên cứ mãi đổ thừa thế lực thù địch

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo