Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Công an hóa”… thị trường vàng ở Việt Nam?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Trong khi các ngân hàng Trung ương của thế giới không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng thì Việt Nam lại quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”

 

Những bất ổn của thị trường vàng có vẻ như đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, bất chấp việc đề xuất Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ…

Đầu tháng 3-2024, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng, thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong Quý I-2024, và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Yêu cầu theo hướng “công an hóa” nêu trên là một động thái được nhìn nhận của việc can thiệp “sâu hơn” so nội dung ban hành hồi đầu năm nay ở công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan này phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường. “Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24” văn bản 10035/NHNN-QLNH ghi.

Có ý kiến đề xuất nên quan niệm vàng là một loại hàng hóa, và khi ấy người ta sẽ quản lý thị trường này tương tự như các nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, Theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa. Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì có Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế quản lý. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Và các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách đóng cửa với hàng hóa này. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có một ngân hàng trung ương nào có chính sách duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng kiểu như Việt Nam.

Về căn cơ, đề xuất “công an hóa” thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước là một động thái cho thấy rất khó hiểu khi Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường – dù được ‘gắn kèm’ yêu cầu của định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa.

Cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, cũng như là các nguyên tắc quản lý trong nền kinh tế thị trường. Đó là Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

 


Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng rúp tăng giá sẽ ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Kinh tế xấu có thật xấu toàn diện?

Do Van Tien

VNTB – Cần trả lại quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu vàng miếng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo