Trong lúc Chính phủ và các bộ ngành hữu quan Việt Nam vẫn còn giậm chân tại chỗ mà không thể công bố nguyên nhân vụ “cá chết Formosa”, nhóm XUỐNG ĐƯỜNG VÌ MÔI TRƯỜNG tiếp tục đưa ra lời kêu gọi biểu tình vì môi trường vào 09h00 ngày Chủ Nhật, 8/5/2016, tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, Công viên 30/4 ở Sài Gòn và các tỉnh khác.
Công an Sài Gòn sẽ tiếp tục đàn áp nhân quyền
Lời kêu gọi trên cho rằng Chính phủ đã cố tình chậm trễ trong việc công bố nguyên nhân cá chết, biển bị đầu độc; tình trạng biển chết, cá chết vẫn tiếp diễn; cách xử lý khủng hoảng về thảm họa môi trường không rốt ráo, thiếu khoa học dễ dẫn đến một thảm họa về bệnh tật của toàn thể nhân dân sau này.
Lời kêu gọi trên cũng tố cáo trong cuộc biểu tình môi trường ngày 1/5/2016, nhiều người làm truyền thông độc lập đã bị bắt, bị đánh, bị xúc phạm nhân phẩm, bị giam giữ trái phép; nhiều người xuống đường đã bị lực lượng sắc phục thẳng tay đàn áp, đánh đập, trong đó đã đánh đập dã man nhiều cô gái trẻ.
Trong khi không khí trấn áp ngày 1/5 ở Hà Nội không quá trầm trọng, những vụ việc đánh đập trên chủ yếu xảy ra tại Sài Gòn và thuộc trách nhiệm của lực lượng công an thành phố này.
Ngay từ sáng sớm ngày 1/5, 6 người hoạt động xã hội đã bị công an xông vào bắt giữ ngay tại hầm gửi xe của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Hai vợ chồng Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên, bà Dương thị Tân, ông Đỗ Đức Hợp… đã bị công an lôi về đồn cảnh sát tại một số phường ở quân 3. Lôi về, hỏi cung và đánh đập.
Không hề nương nhẹ. Đàn ông bị đánh nặng nhất. Có người bị đánh đến 4 lần, từ ngoài vào trong đồn. Đánh không để lại dấu vết nhưng hoàn toàn có thể khiến nội thương trầm trọng.
Một phụ nữ nhỏ nhắn gầy yếu như Nghiên nhưng đã bị công an đánh vào đầu. “Không hiểu sao nó toàn nhắm vào đầu mà đánh!” – Phạm Thanh Nghiên căm phẫn.
Một người dân đi biểu tình là Lê Vi cũng bị chặn đánh thô bạo khi cô đã tách đoàn biểu tình để trở về nhà. Chưa kể những vụ bắt bớ, sách nhiễu những người liên quan đến việc đưa thông tin về dự án nhà máy gang thép Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), cũng như người tham gia tuần hành ôn hòa và cả sau khi cuộc biểu tình kết thúc. Một số bạn sinh viên ở trọ ven đô Sài Gòn đã bị chủ nhà đuổi, không tiếp tục cho thuê phòng nữa dưới áp lực của công an…
Chẳng lẽ những “lãnh đạo TP.HCM” như Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Giám đốc công an Lê Đông Phong lại không am tường và “quán triệt” hành vi đánh người của cấp dưới?
Lời kêu gọi của nhóm XUỐNG ĐƯỜNG VÌ MÔI TRƯỜNG đòi hỏi Chính phủ và Nhà nước Việt nam phải chấm dứt mọi hành động sách nhiễu, bắt bớ, đánh đập, giam cầm những phóng viên tự do về vùng biển chết để đưa tin; ngay lập tức công bố nguyên nhân và thủ phạm đầu độc biển miền Trung; khởi tố ngay lập tức vụ án xâm hại gây ô nhiễm môi trường; kêu gọi nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự chung tay cứu trợ ngư dân miền Trung.
“Lời kêu gọi này nghiễm nhiên có giá trị cho Chủ nhật tuần kế tiếp nếu cả ba yêu cầu trên không được đáp ứng” – nhóm XUỐNG ĐƯỜNG VÌ MÔI TRƯỜNG tuyên bố.
Lê Dung / SBTN