Nguyễn Nam
(VNTB) – Năm 2020 chứng kiến nhóm Xã Hội Dân Sự cuối cùng ở Việt Nam đã hoàn toàn tan rã. Đó là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam của nhà báo Phạm Chí Dũng.
Phát biểu trên kênh youtube của tổ chức Việt Tân chủ đề “Nhớ về người TNLT trong ngày Tết – Họ mong ước gì trong Năm Mới Tân Sửu?”, một ý kiến ở phút 2:50 trở đi, nói: “Năm 2020 chứng kiến nhóm Xã Hội Dân Sự cuối cùng ở Việt Nam đã hoàn toàn tan rã. Đó là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam của nhà báo Phạm Chí Dũng”
Nhận xét trên (https://youtu.be/gS7917hy5Pk) mang đến cảm giác tiêu cực, rằng dường như thắng lợi của công an Việt Nam trong năm Canh Tý là hoàn tất việc xóa sổ các nhóm xã hội dân sự ‘ngoài quốc doanh’ (!?).
Sự thật thế nào? Ghi nhận ý kiến của luật gia Trần Thành xoay quanh ý kiến trên.
“Xã hội dân sự, hiểu một cách đơn giản nhất là xã hội phi nhà nước, ở đó, mối quan hệ giữa con người với nhau dựa trên sự tự thảo luận, và tạo ra sự đồng thuận trên các vấn đề của cuộc sống, mà không cần có sự can thiệp của nhà nước.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đã hình thành như vậy qua việc vận động hình thành lúc ban đầu của nhóm cá nhân được biết đến là các nhà báo Phạm Chí Dũng, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Tường Thụy, linh mục Lê Ngọc Thanh… Trong danh sách hội viên lúc mới thành lập, tôi thấy có sự góp mặt của nhiều “nhà báo có thẻ” như Bùi Minh Quốc, Phạm Đình Trọng, Huỳnh Ngọc Chênh, Chu Vĩnh Hải, Nguyễn Quốc Thái…
Tôi cũng có cơ hội đọc cáo trạng vụ án liên quan đến 3 hội viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. Theo đó phần nội dung liên quan đến tổ chức mang tên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam thấy ghi như sau:
“Từ đó Dũng nảy sinh ý định khởi xướng thành lập tổ chức xã hội dân sự hoạt động theo phương thức truyền thông báo chí, hoạt động độc lập với tổ chức Hội Nhà Báo Việt Nam, không tuân theo quy định pháp luật và sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. (…)
Trong nội dung bản “Tuyên bố thành lập Hội NBĐLVN” nêu rõ quan điểm, mục đích hoạt động của “Hội NBĐLVN” là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập”.
Như vậy, dưới góc nhìn của cơ quan tố tụng thì tổ chức Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đã được thành lập không tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính liên quan. Tuy nhiên, trong cáo trạng không thấy đặt vấn đề xử trí phạt hành chính ra sao, về việc không thực hiện thủ tục hành chính trong thành lập hội đoàn dân sự này.
Do đó, về nguyên tắc có thể thấy cho đến nay tổ chức Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam không thể gọi là bị tan rã, vì các nội dung trên trang web Việt Nam Thời Báo (https://vietnamthoibao.org/) kể từ tháng 12-2019 đã hoạt động trở lại sau một tháng gián đoạn, và số lượng bài vở vẫn duy trì với tính phản biện ôn hòa y hệt như trước ngày 19-11-2019.
Tôi cũng được biết hồi trung tuần tháng 2-2021, tổ chức Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam góp phần trong biên soạn bản báo cáo bằng Anh ngữ “Disinformation: threat to religious and indigenous communities and to human rights defenders in Vietnam Joint Submission to the UN Special Rapporteur on Freedom of Expression February 15, 2021”, gửi Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về tình trang tự do báo chí của Việt Nam.
Tôi cho rằng nhận định nhóm Xã Hội Dân Sự cuối cùng ở Việt Nam đã hoàn toàn tan rã, rất có thể đó là ý kiến chưa cập nhật tin tức, vì trên thực tế ở Việt Nam còn rất nhiều hội nhóm xã hội dân sự khác đang hoạt động, đặc biệt là ngay tại thủ đô Hà Nội, ví dụ như Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (https://vnwhr.net/) với đại diện được biết đến là bà Huỳnh Thục Vi; như Hội Bầu Bí Tương Thân với hoạt động gần đây nhất là “đi Tết tù nhân lương tâm trong nước” dịp Tân Sửu; như tổ chức Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự với đại diện là ông Nguyễn Quang A; như Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng…
Thay lời kết, tôi cho rằng các loại tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam gồm 3 dạng: Một, các tổ chức được nhà nước tài trợ hoàn toàn như Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh; Hai, các tổ chức được nhà nước tài trợ một phần như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà báo; Ba, các tổ chức xã hội dân sự như các tổ chức phi chính phủ, các quỹ tự trang trải, các tổ chức cộng đồng.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam nằm ở dạng thứ ba đó, do vậy họ không thể tan rã khi mà hoạt động chủ yếu lâu nay của tổ chức này là trang web Việt Nam Thời Báo (https://vietnamthoibao.org/), vẫn hoạt động với số lượng bài vở được phát hành tiếp tục theo định hướng cổ súy cho quyền tự do, dân chủ và đòi hỏi sự minh bạch trong chính sách quản trị quốc gia”.