VNTB – Công an xã giật máy, đập máy phóng viên VTV

Lê Kiên (VNTB) – Sáng ngày 27/04, khi nhóm phóng viên Ban thời sự VTV đang ghi hình phỏng vấn người dân xóm An Trai, xã Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội) về những điều bức xúc trong quá trình thu hồi và chia đất dịch vụ. Đã có hai người tự xưng xưng là danh đội tự quản lớn tiếng đòi kiểm tra thẻ phóng viên và yêu cầu xuất trình giấy công tác. 

Công an xã Vân Canh mặc thường phục đe nẹt phóng viên VTV

Do người đàn ông đó mặc thường phục, và không có gì chứng minh ông ta là người chính quyền, nên phóng viên tiếp tục tác nghiệp. Kết quả, phóng viên VTV đã bị giật lấy máy, đập máy không cho ghi hình.

Người đàn ông đó sau được xác minh là trưởng công an xã Vân Canh.

Quan xã Khánh Sơn (Nam Đàn – Nghệ An) từng đe dọa đập máy, gọi công an bắt phóng viên.

Tình trạng lạm dụng chức quyền, thậm chí là côn đồ hóa thông qua tự xưng chức vụ để ngăn cản báo chí tác nghiệp, đặc biệt là phản ánh các sự vụ liên quan đến tham nhũng đất đai, tài sản công nhà nước là chuyện xảy ra thường xuyên tại Việt Nam.

Điều 15 Luật báo chí quy định: “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”


Ngày 15/04/2014, tại xã Vũ Bình (Kiến Xương – Thái Bình)cũng xảy ra một việc tương tự, khi một người đàn ông tự xưng là chủ tịch xã đã chửi bới, đe dọa đập máy nếu đăng ảnh của ông lên báo, khi phóng viên về đây ghi nhận tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa Cty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông Thôn và Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng Đất Nước.

Phóng viên trang tin Tầm Nhìn bị chủ tịch xã bắt nhốt ngay trong phòng làm việc của mình.

Cuối năm 2014, khi nữ phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn tìm về xã Thạch Văn (Thạch Hà – Hà Tĩnh) để tìm hiểu vụ việc chậm lương cho cán bộ, thì vị chủ tịch xã Thạch Văn chẳng những từ chối thẳng thừng và có lời lẽ thô tục chửi bới, thậm chí đập vỡ điện thoại rồi nhốt nữ PV trong phòng làm việc.

Chưa kể, vụ việc của 2 PV của báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV từng bị hành hung, đe dọa tính mạng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Luật dù quy định không cá nhân, tổ chức nào có quyền xâm phạm hoạt động tác nghiệp của báo chí, tuy nhiên, cho đến nay, không có bất kỳ chế tài hay một phương án tối ưu nào để bảo vệ cho nhà báo Việt Nam, mà họ phải tự học cách tự bảo vệ lấy mình trước cường quyền.

Có lẽ, nhà nước cần phải tổ chức một hội nghị mở rộng để bàn và giáo huấn các công chức về thái độ và tư duy trong ứng xử với công luận, với báo chí, truyền thông thay vì giao phó trọng trách to lớn cho báo chí về phản ánh công luận, dư luận, thậm chí là tiên phong trong đấu tranh chống tham nhũng rồi mặc cho các quan chức ở địa phương, thậm chí trung ương sách nhiễu, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người làm báo như tình trạng trước đến nay.

Tại Điều 7 của Luật Báo chí nêu rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin…”.


                               

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)