VNTB – Công lý cho Ngọc Trinh và cho công dân Việt Nam

VNTB – Công lý cho Ngọc Trinh và cho công dân Việt Nam

Chánh Thành

 

(VNTB) – Hôm nay là Ngọc Trinh, ngày mai là chúng ta, những người vô tội khác.



Công an tuỳ tiện còng tay một người không có khả năng phản kháng, quay phim hạ nhục công dân khi chưa có kết luận điều tra, manh động xét nhà một người gây rối trật tự công cộng, bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội, tuỳ tiện sửa luật để chụp mũ người dân, xử phạt hai lần cho cùng một hành vi… Vụ án Ngọc Trinh cho thấy nhiều bất cập trong hệ thống cầm quyền Việt Nam hiện nay. Liệu người dân Việt Nam có được đối xử như một con người hay không?

📌Còng tay, quay phim hạ nhục công dân

Còng số tám được xem như một công cụ hỗ trợ và có quy định sử dụng tại điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017. Theo đó, công an chỉ được sử dụng loại còng này trong trường hợp bắt quả tang hoặc bắt khẩn cấp hoặc khi người có hành vi vi phạm chống trả, trốn chạy. Trong khi đó, theo video do báo chí quay lại thì Ngọc Trinh một thân một mình ngồi với ít nhất bốn sĩ quan công an, ngay trong đồn cảnh sát.

Người mẫu tỏ thái độ thành khẩn, trong khi tay bị còng nhưng vẫn phải cầm viết ghi lại tường trình. Các hình ảnh, video từ báo chí cho thấy Ngọc Trinh đang bị thương sau tai nạn té xe, các vết thương chưa liền sẹo. Hoàn toàn không có thái độ chống trả hay có dấu hiệu bỏ trốn, và cũng không thể có hành vi gây nguy hiểm cho lực lượng công an. Cho nên việc còng tay trong trường hợp này là công an đang vi phạm pháp luật. Hơn nữa công an còn gây cản trở cho việc khai báo của Ngọc Trinh khi vừa bị còng tay vừa bị ép phải viết tường trình.

Tại thời điểm bị còng tay này, Ngọc Trinh vẫn chưa bị toà án định tội, vẫn còn đầy đủ quyền công dân, quyền về hình ảnh cá nhân. Theo trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), nói trên báo Pháp Luật TPHCM hồi 2017: “Lan truyền trên mạng hình ảnh của nghi phạm là vi phạm quyền nhân thân, bị pháp luật nghiêm cấm”. Việc quay phim, chụp hình và phát tán lên truyền thông hình ảnh của cô này trong lúc làm việc với cơ quan chức năng chính là vi phạm điều 155 bộ Luật Hình sự về tội “làm nhục người khác”.

Căn cứ vào nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Hiến định thì khi chưa có bản án kết tội của toà án thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội. Theo đó, cơ quan công an không được đối xử với người bị buộc tội như tội phạm. Không được gây ra định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án ngay cả khi người đó bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn. 

Như vậy, việc còng tay và cho báo chí quay phim, chụp hình trong lúc Ngọc Trinh viết lời khai cũng là một hành vi dùng nhục hình tra tấn tinh thần, thậm chí có dấu hiệu bức cung. Nhất là khi nghi can là người coi trọng hình ảnh cá nhân như người mẫu Ngọc Trinh. Đây rõ ràng là một hình thức làm nhục nhằm gây ra định kiến trong dư luận và có khả năng làm sai lệch thông tin khi giải quyết vụ án.

Điều đáng nói là chuyện ép nghi can ‘viết lời khai trong lúc bị còng tay’ rồi cho báo chí quay phim, chụp ảnh đưa lên các phương tiện truyền thông chỉ xảy ra khi công an bắt dân. Còn khi các quan chức cộng sản bị bắt thì lại không công khai những hình ảnh như vậy. Thậm chí khi ra toà, các cán bộ cộng sản cũng được phép mang khẩu trang che mặt. Phải chăng cán bộ cộng sản là một tầng lớp có đặc quyền được bảo vệ hình ảnh, còn người dân thì phải bị hạ nhục, sỉ vả? Thế thì công bằng ở đâu, dân chủ ở đâu?

📌Tội mới: gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng

Theo thông tin ban đầu, công an đã khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và bắt tạm giam Ngọc Trinh để điều tra tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 318 bộ luật Hình sự. Tuy nhiên sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, nhà chức trách đã chỉnh lại lý do bắt Ngọc Trinh là “gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng”. Đây là một tội danh hoàn toàn mới và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội tại điều 31 Hiến pháp CHXHCNVN.

Cơ quan tố tụng đã đưa ra một khái niệm mới chưa từng có trong luật khi cho rằng “không gian mạng là nơi công cộng”. Hành vi tuỳ tiện chỉnh luật này rõ ràng là để hợp thức hoá việc bắt giam, nhưng cũng sẽ tạo ra một án lệ rất bất lợi cho người dân sau này. Cùng với đó, công an và tuyên giáo đã cho báo chí đưa ra nhiều bài viết có lập luận “suy đoán buộc tội” để chụp mũ Ngọc Trinh.

Các bài báo này phỏng vấn nhiều “luật sư thân đảng” để định hướng dư luận rằng Ngọc Trinh bị bắt giam là đúng. Theo hướng này, các luật sư, công an và tuyên giáo đã kết hợp điều 318 bộ Luật Hình sự (tội gây rối trật tự công cộng); với điều 8, điều 16 Luật An ninh mạng (cấm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội).

Đồng thời cơ quan tố tụng cũng cho rằng Ngọc Trinh đã vi phạm Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của bộ Thông tin và Truyền thông, nên cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Sở Thông tin truyền thông TP.HCM và phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – công an TP.HCM đã chuyển thông tin, tài liệu đến cơ quan CSĐT công an TP.HCM đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy từ một vụ vi phạm luật Giao thông đường bộ, chỉ đáng phạt hành chính, thì nhà chức trách đã huy động cả bộ máy công quyền để bắt giam cho bằng được Ngọc Trinh. Từ công an địa phương, cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, an ninh mạng, tới sở Thông tin truyền thông, tuyên giáo, luật sư, báo chí…

Có thể nói là cả hệ thống chính trị tiếp tay với nhau để đánh tráo khái niệm từ Quy tắc ứng xử sang Luật An ninh mạng để sử dụng vào Luật Hình sự. Qua đó tìm mọi cách để hợp thức hoá việc buộc tội và bắt giam Ngọc Trinh. Điều này cho thấy vụ án này không đơn thuần là chỉ để xử lý các hành vi Ngọc Trinh gây ra, mà còn nhiều động cơ phức tạp bên trong nội bộ Đảng Cộng Sản.

📌Bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội để buộc tội người dân

Việc “pha chế” các điều luật với nhau để luận tội người dân không phải là chuyện mới vì điều này đã được các cơ quan công quyền Việt Nam nhiều lần áp dụng trước đây. Điển hình là vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam. Bà này bị buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015.

Nhà chức trách đã kết hợp Luật An ninh mạng 2018, cùng với Nghị định 15/2020 vào để phạt tù bà Hằng theo điều 331 về việc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Việc pha trộn và áp dụng luật pháp tuỳ tiện này (để tìm mọi cách buộc tội cho bằng được người dân) càng làm rõ câu nói lan truyền trong dân gian rằng “Việt Nam có một rừng luật nhưng công an thì thích dùng luật rừng”.

Trở lại vụ án Ngọc Trinh, nhà chức trách nhận định các tài khoản mạng xã hội của người mẫu này có hàng triệu người theo dõi, sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng, vì thanh thiếu niên có thể bắt chước lái xe theo, dẫn tới tai nạn… Phản biện lại cáo buộc này, trên trang facebook cá nhân, luật sư Lê Công Định cho rằng giả định này là ngược với nguyên tắc “vô luật, bất hình”, tức là luật không quy định cụ thể, thì không có hình phạt. Theo quan điểm của ông, những giả định này chỉ là trên lý thuyết, chưa có hậu quả thực tế nào như vậy vào thời điểm bắt tạm giam đương sự. 

Cũng theo luật sư này, giả thuyết của cơ quan tố tụng cũng vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Tức là khi luật không quy định rõ ràng, nếu phải suy đoán, thì phải theo hướng vô tội, thay vì theo hướng buộc tội. Các điều luật hiện nay cũng không có một con số định lượng cụ thể nào để làm cơ sở chế tài hình sự; khiến cho việc bắt bớ và đàn áp diễn ra theo cảm nhận chủ quan của cơ quan chức năng.

Làm sao để xác định một hành vi gây “ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”, hoặc như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”? Trong vụ án Ngọc Trinh thì căn cứ nào để xác định cái gọi là “ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hoá ứng xử của giới trẻ”? Các yếu tố xác định xử lý hình sự không có định lượng cụ thể mà chỉ ở cảm nhận định tính của cơ quan tố tụng thì không thể tránh khỏi oan sai.

Hiện nay có hàng ngàn người Việt Nam đạt được số lượng hơn một triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok, Instagram… Các clip triệu view xuất hiện mỗi ngày. Việc một ai đó quay video, tạo viral rồi gây tranh cãi diễn ra thường xuyên. Nếu lập luận theo các giả thuyết suy đoán buộc tội của nhà chức trách, chỉ cần công an “cảm thấy” clip nào phản cảm là bắt giam, có lẽ nhà tù Việt Nam không thể chứa hết các TikTokers, Youtubers… Thậm chí bất cứ người dân nào cũng có thể bị bắt giam dựa vào “cảm giác” của các cán bộ công quyền.

📌Động cơ nào khiến cả hệ thống chính trị phải tìm mọi cách bắt giam Ngọc Trinh?

Ngày 10/10, Ngọc Trinh đã phải đóng phạt tổng cộng 17.250.000 đồng do các lỗi vi phạm trong 2 lần lái mô tô tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và cầu Ba Son, quận 1 (TPHCM). Nhưng chỉ 9 ngày sau, ngày 19/10/2023, người mẫu này lại bị công an bắt giữ với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” cũng với các hành vi nêu trên.

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Ngọc Trinh đã bị xử lý hai lần cho một hành vi. Từ một lỗi đã phạt hành chính thì sau đó lại phạt tù. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc pháp lý rằng chỉ xử lý một lần đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

Việc xét nhà trong vụ án gây rối trật tự công cộng này cũng có nhiều vấn đề bất hợp lý. Tại khoản 1, điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp công an được quyền khám xét chỗ ở là “khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liê‌u, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án”.

Tuy nhiên, theo thông tin báo chí, ngày 9/10, phòng CSGT công an TPHCM phối hợp công an TP Thủ Đức đã “đến nhà riêng của nữ người mẫu này lập biên bản các lỗi vi phạm và tạm giữ 2 mô tô”, dưới sự chứng kiến của công an địa phương. Có thể thấy, phương tiện vi phạm là 2 xe mô tô đã bị công an thu giữ, thời điểm đó Ngọc Trinh cũng nộp phạt do không có giấy phép lái xe và không có giấy đăng ký xe. Vậy công an xét nhà Ngọc Trinh để tìm cái gì?

Đánh giá về chuyện xét nhà này, anh T.T., một người dân ở Sài Gòn, nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “Nhiều trường hợp giang hồ đánh nhau cũng không bị xét nhà thì việc gây rối trật tự công cộng mà phải vô nhà xét từng cái hốc, cái kẹt là rất vô lý. Tang vật là hai chiếc xe đã bị giữ, chạy xe không bằng lái, không giấy tờ thì không có lý do gì để xét nhà”.

“Có thể công an muốn xét nhà này để tìm kiếm những thứ liên quan tới các vụ án khác. Ngọc Trinh có nhiều mối quan hệ, nên không loại trừ khả năng những phe phái quan chức muốn tìm trong nhà cô này có video, hình ảnh hay tài liệu gì để làm công cụ cho các cán bộ ấy tiện tay thanh trừng đối thủ”. Anh T.T. nhận định.

📌Hôm nay là Ngọc Trinh, ngày mai là chúng ta, những người vô tội khác

Cho dù lý do là nào thì việc xét nhà, làm nhục, hay suy đoán buộc tội để bắt giam công dân cũng đều là vi Hiến và vi phạm pháp luật do chính Đảng Cộng Sản đặt ra. Còn nhớ khi ra toà, uỷ viên bộ chính trị, bí thư thành phố HCM, bộ trưởng bộ GTVT, Đinh La Thăng từng “xin được đối xử như một con người”.

Nhắc tới trường hợp này để biết rằng môi trường tạm giam, tạm giữ ở Việt Nam là vô cùng khắc nghiệt. Phải vi phạm nhân quyền nghiêm trọng thì ông Thăng mới phải xin được đối xử như con người. Đối với cán bộ đảng viên mà như vậy, thì đối với người dân sẽ còn khủng khiếp như thế nào khi bị tạm giam.

Cũng cần nói thêm rằng có một luật ngầm trong ngành tư pháp Việt Nam là “nếu công an lỡ bắt nhầm thì toàn án cũng phải định tội, để không phải bồi thường oan sai”. Điều này đã được bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương xác nhận từ năm 2015. “Có những trường hợp lỡ bắt rồi, vẫn phải xử một tội nào đó, tuyên một hình phạt nào đó cho tương xứng”, bà Ba nói trước Quốc hội cách đây 8 năm.

Thậm chí tại kỳ họp Quốc hội này, chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình (khi đó còn là Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC) còn nhấn mạnh rằng bắt buộc phải tuyên có tội người bị tạm giam. Ông Bình nói: “Nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ. Nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp”.

Tức là các lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam đã thừa nhận rằng một khi người dân đã bị tạm giam thì cho dù vô tội cũng buộc phải nhận tội. Nếu không nhận tội thì công an sẽ thẳng tay dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để lấy cung, mớm cung và ai cũng hiểu các hình thức nghiệp vụ đó chẳng có gì khác ngoài tra tấn, hành hạ, dùng nhục hình với người dân. Vụ án Ngọc Trinh càng làm rõ sự manh động của nhà cầm quyền qua rất nhiều sai phạm trong tố tụng như trên.

“Cơ quan chức năng cần phải cẩn trọng trong việc xem xét hành vi vi phạm của công dân, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội để không xảy ra oan sai. Còn nếu không làm được việc này, thì nhà cầm quyền cộng sản phải giải tán để người dân bầu ra một cơ chế mới. Một cơ chế thật sự dân chủ, công bằng, văn minh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”. Anh B.H., một nhà vận động dân chủ trong nước nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)