(VNTB) – Chỉ trong vòng 1 tuần đầu tháng 3, có hơn 25 ngàn công nhân thuộc 10 công ty tại Thanh Hóa đình công.
Những ngày đầu tháng 3/2025, tỉnh Thanh Hóa đã chứng kiến một làn sóng đình công chưa từng có khi hàng vạn công nhân tại các công ty giày da lớn đồng loạt đình công để đòi quyền lợi. Tính từ ngày 1/3/2025 đến 7/3/2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 10 công ty với 25.010 công nhân đình công. Ngoài ra, còn có 2 công ty với 14.558 công nhân có dấu hiệu đình công nhưng đã bị nhà cầm quyền ngăn chặn.(1)
Đáng chú ý, việc đình công xảy ra ở khắp các huyện trong tỉnh Thanh Hoá chứ không phải tập trung tại một địa phương.
Đông nhất là ở huyện Thọ Xuân. Gồm: Công ty TNHH Giầy Rollsport chi nhánh huyện Thọ Xuân: 2.670 công nhân; Công ty TNHH Zheng Ta: 516 công nhân; Công ty TNHH Adiana chi nhánh huyện Thọ Xuân: 3.824 công nhân; Công ty TNHH Comporysion: 685 công nhân.
Tại huyện Triệu Sơn có Công ty TNHH Ivory: 850 công nhân; Công ty TNHH Sun Jade chi nhánh huyện Triệu Sơn: 2.200 công nhân (nguy cơ đình công đã được ngăn chặn).
Huyện Cẩm Thuỷ có Công ty TNHH Giầy PMT (3.400 công nhân). Huyện Ngọc Lặc: Công ty TNHH TMVT (2.746 công nhân). Huyện Yên Định: Công ty TNHH Giầy Long Thành Thiên Hạ (2.406 công nhân). Huyện Vĩnh Lộc: Công ty TNHH Giầy Hiệp Thăng (700 công nhân). Huyện Hà Trung có Công ty TNHH Giầy Venus (hơn 12.358 công nhân) (nguy cơ đình công đã được ngăn chặn). Huyện Như Thanh: Công ty TNHH Giầy Akalia Việt Nam (7.203 công nhân).
Công nhân không tự dưng mà đình công. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ yêu cầu tăng lương và phản đối việc bị cắt giảm những phúc lợi cơ bản. Các yêu cầu của công nhân không hề xa vời: họ chỉ đòi hỏi mức lương đủ sống và các quyền lợi cơ bản, những điều lẽ ra phải được bảo đảm theo luật lao động.
Cần biết, đây không phải phản ứng nhất thời mà là hệ quả của sự bất mãn dồn nén lâu nay. Công nhân tại các công ty giày da tại Thanh Hóa đã đưa ra những yêu cầu hợp lý như: Tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu; Duy trì tiền ăn tăng ca, vì đây là quyền lợi cơ bản mà họ được hưởng; Cải thiện điều kiện làm việc, tránh tình trạng bóc lột sức lao động quá mức.
Thế nhưng khi những cuộc đình công nổ ra, người ta không thấy nhà chức trách đưa ra phương án giải quyết nào cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân. Thay vào đó, cơ quan chức năng chỉ có những hành động chung chung, vô thưởng vô phạt như “theo dõi diễn biến”, giám sát xem có dấu hiệu công nhân “mất kiểm soát”, “đi quá giới hạn” và tuyên bố sẽ xử lý công nhân bằng pháp luật.
Lưu ý rằng nền công nghiệp giày da vốn là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất ở Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp như Thanh Hóa. Tuy là lực lượng sản xuất chính, nhưng nhiều công nhân vẫn phải sống trong cảnh lương thấp, phúc lợi không đảm bảo, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang. Từ đó, họ phải đồng loạt đình công, chấp nhận mất thu nhập để đòi quyền lợi.
Đây không phải lần đầu tiên công nhân rơi vào tình thế này. Trước đây, nhiều cuộc đình công ở các khu công nghiệp cũng kết thúc mà không hề có sự thay đổi đáng kể nào. Sự thờ ơ của chính quyền đặt ra câu hỏi lớn: đảng cộng sản có đang thực sự đứng về phía người lao động như cái cách mà họ luôn tự xưng là “đội tiên phong, là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân và nông dân lao động”?
Không những không bảo vệ quyền lợi người dân, mà sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thời gian tới CSVN tung tin đồn rằng công nhân bị kích động, gây rối, bị “phản động lôi kéo”… Rồi bắt giam những người công nhân lương thiện dám lên tiếng vì quyền lợi của mình. Đây là chuyện đã diễn ra từ nhiều năm nay, tới nỗi cứ mỗi lần có đình công là người dân đều có thể đoán được cái kết: công nhân bị sa thải, bắt giam, còn doanh nghiệp thì chỉ việc lo lót cho nhà cầm quyền là qua chuyện, tuyển thêm người mới vào làm, đâu lại vào đó…
__________________
Tham khảo: