Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cộng sản Việt Nam lật đật tiến cử nhân sự cấp cao

Ngân Bình dịch

 

(VNTB) –  Vừa chống tham nhũng, họ sẽ vừa cố khôi phục lại bầu không khí bình yên

 

 

Một trong những đảng cầm quyền bí mật nhất thế giới dựng lên một khối cứng rắn nhằm  thể hiện quyền lực, quyền năng và sự đồng thuận tuyệt vời. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều nhìn thấy rõ những rạn nứt của Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây.

Hồi tháng 3, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bị buộc từ chức vì  những “vi phạm” và “thiếu sót” – những từ được cho là ám chỉ tham nhũng. Điều bất thường là ông Thưởng mới tại vị được hơn một năm, sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì một vụ lừa đảo lớn liên quan đến bộ  xét nghiệm Covid-19. Sau đó vào tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức vì (cũng không giải thích được) những “vi phạm” được cho là gây tổn hại cho đảng, nhà nước và bản thân. Và vào ngày 16/5, người đứng đầu đầy quyền lực của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trương Thị Mai, người phụ nữ đầu tiên đạt được chức vụ cao như vậy, đã từ chức với lý do tương tự. Chỉ trong một thời gian ngắn, những người đương nhiệm ba trong số năm chức vụ quyền lực nhất Việt Nam đã bị sa thải. Sự hỗn loạn về chính trị như vậy là chưa từng có và được cho là có liên quan đến cuộc chiến “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng. 

Sự sa sút của những cán bộ này cho thấy nạn tham nhũng đã lan tới tận cấp cao nhất của đảng như thế nào. Vô cùng xấu hổ, đảng vội vàng khôi phục lại sự bình tĩnh. Ngày 18 tháng 5, Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an được bầu làm Chủ tịch nước. Vào ngày 20 tháng 5 ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội. Và một vị tướng cấp cao là Lương Cường đã được điều động về Ban Bí thư Trung ương thay thế bà Mai.

Người đáng thắc mắc chính là Tô Lâm. Nguyên thủ quốc gia không phải là chức vụ quyền lực nhất (đó là chức vụ ông Trọng). Nhưng Chủ tịch nước quan trọng đối với các hoạt động đối ngoại. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ bay tới Hà Nội sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vừa qua; nhưng chuyến đi đã bị hủy vì thiếu nguyên thủ quốc gia đến chào đón ông. Chức vụ chủ tịch nước cũng là bàn đạp tiềm năng cho chức vụ tổng thư ký. Ông Trọng sau ba nhiệm kỳ sẽ từ chức tại đại hội đảng lần tiếp theo vào năm 2026—nếu ông Trọng già yếu vẫn sống được tới lúc đó.

Cấp dưới của Tô Lâm đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Công An lâm thời – cho đến khi tìm được người thay thế cấp Bộ Chính trị. Đó là một công việc có tiềm năng: ông Lâm có lẽ đứng đằng sau chuyện ông Thưởng phải từ chức. Nếu một trong những người cùng phe lên thay thế cho Tô Lâm sẽ củng cố vị thế của ông ta. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hiệp thuộc Viện iseas-Yusof Ishak ở Singapore, điều đó sẽ mang lại rủi ro cho Việt Nam. Nếu trở thành tổng bí thư, Tô Lâm có thể sử dụng đòn bẩy quyền lực để biến Việt Nam thành một nước công an trị, khi ông ta chủ yếu nhìn các vấn đề quốc gia qua lăng kính an ninh. Ông Hiệp cho rằng điều đó thậm chí có thể đe dọa đến sự sống còn của đảng bằng cách phá vỡ mọi quan niệm về sự đồng thuận.

Ngược lại, nếu một Bộ trưởng Bộ Công An được bổ nhiệm từ bên ngoài phe của Tô Lâm, thì bản thân Tô Lâm có thể trở thành củi để đốt lò. Xét cho cùng, lực lượng công an là một trong những tổ chức tham nhũng nhất ở Việt Nam. Và gia đình Tô Lâm, giống như gia đình của nhiều lãnh đạo cấp cao, nhúng tay vào những miếng bánh kinh doanh. Chẳng hạn, anh trai của Tô Lâm có lợi ích trong lĩnh vực tài sản, năng lượng và vận tải. Nếu Tô Lâm phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng trước đây, thì tình trạng hỗn loạn ở cấp cao nhất sẽ lại bùng phát.

Nói cách khác, một thời kỳ bất ổn, trong đó cuộc chiến chống hối lộ và tranh giành quyền lực ngày càng gắn liền với nhau, có thể sẽ kéo dài ít nhất cho đến đại hội đảng vào đầu năm 2026. (Sự bất ổn sẽ dẫn đến khủng hoảng nếu ông Trọng bị mất quyền lực trước thời điểm đó.) Các doanh nghiệp nước ngoài đang bùng nổ đầu tư ở Việt Nam có quyền lo ngại, không phải vì định hướng của chính sách kinh tế có thể thay đổi, mà đúng hơn là vì đấu tranh chính trị nội bộ có thể làm xao lãng việc hoạch định chính sách và có thể chỉ làm xu hướng quan liêu thêm trầm trọng. Ông Hiệp chỉ ra sự chậm trễ trong việc phê duyệt dự án. Ngay cả khi lò lửa đang bùng cháy, Việt Nam cũng bị mất đi những ánh hào quang.

 

__________________

Nguồn:

The Economist – Vietnam’s ruling communists rush to fill the country’s top jobs




 




Tin bài liên quan:

VNTB – Thế nào là một chủ nghĩa để đeo đuổi?

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm sao chia sẻ khi không tương đồng về thể chế chính trị?

Do Van Tien

VNTB – Có lẽ cần xin ý kiến của Tổng bí thư về điều hành giá cả!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.