(VNTB) – Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: một ý tưởng ăn cướp tiền ngay trong tài khoản ngân hàng của dân
Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã đề xuất mở rộng diện đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với khoản lãi tiền tiết kiệm, đề xuất này nằm trong quá trình góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) của Bộ Tài chính.(1)
Nếu được thông qua, đề xuất có thể không chỉ gây thêm gánh nặng cho người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia. Đề xuất của UBND TP Cần Thơ đang cho chúng ta thấy tư duy tận thu, coi đồng tiền chắt chiu của người dân như một nguồn lợi vô tận của nhà cầm quyền. Phải chăng mỗi khi ngân sách thâm hụt, lãnh đạo lại nghĩ ngay đến việc “bào tiền” từ túi dân?
Một trong những lập luận phản đối mạnh mẽ nhất đối với đề xuất này chính là nguy cơ “thuế chồng thuế”. Để có được khoản tiền gửi tiết kiệm, người dân đã phải chi trả thuế TNCN từ tiền lương, thu nhập chính thức. Khi khoản tiền này sinh lãi từ gửi ngân hàng, việc tiếp tục đánh thuế trên phần lãi suất chẳng khác nào áp thuế hai lần lên cùng một nguồn tiền. Đây không chỉ là vấn đề công bằng mà còn vi phạm nguyên tắc thuế khóa cơ bản: không đánh thuế trùng lặp.
Thực tế cho thấy, đa số người dân gửi tiết kiệm là những người có xu hướng tích lũy, không dám tiêu xài hoang phí. Họ chấp nhận mức lãi suất thấp của ngân hàng để bảo toàn giá trị tài sản trước lạm phát và những bất trắc trong tương lai. Tuy nhiên, nếu khoản lãi này bị đánh thuế, lợi ích của việc gửi tiết kiệm sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này không chỉ khiến người dân mất niềm tin vào ngân hàng, mà còn đẩy họ đi tìm kiếm các kênh đầu tư mạo hiểm hơn, gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Có một thông lệ thường thấy là cứ mỗi lần muốn đánh thuế, lãnh đạo lại lôi các nước phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc (những nơi lãi tiền gửi cũng là thu nhập chịu thuế) để biện minh. Tuy nhiên, phép so sánh này không hề hợp lý khi bỏ qua sự khác biệt lớn về thu nhập bình quân và mức sống giữa Việt Nam và các quốc gia kể trên. Theo số liệu thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 ước tính vào khoảng 4.284 USD/năm, trong khi con số này ở Hàn Quốc là hơn 33.700 USD, còn Trung Quốc là gần 12.600 USD.
Không thể áp dụng một chính sách thuế giống nhau trong khi mức thu nhập và khả năng tích lũy của người dân mỗi nước khác nhau. Một người dân Việt Nam tiết kiệm được vài trăm triệu đồng là cả một quá trình chắt chiu, tằn tiện. Việc đánh thuế lên số tiền lãi của họ chỉ khiến đời sống thêm khó khăn, chứ không tạo ra bất kỳ sự công bằng xã hội nào.
Nếu chính sách đánh thuế lãi tiền gửi được thông qua, hệ lụy trực tiếp và rõ ràng nhất chính là sự suy giảm dòng vốn gửi vào ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng nhà nước đang dựa rất nhiều vào nguồn huy động từ người dân để tái cấp vốn cho các hoạt động tín dụng, cho vay và đầu tư. Khi lợi nhuận từ tiền gửi bị cắt giảm do thuế, người dân có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán – những lĩnh vực vốn đã có dấu hiệu “nóng” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự suy giảm lượng tiền gửi không chỉ làm giảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng mà còn đẩy lãi suất cho vay lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch và đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, chính sách này có thể gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp, đẩy chi phí vốn tăng cao và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Mục tiêu cao nhất của mọi chính sách tài chính là phục vụ đời sống người dân, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Thay vì cứ chăm chăm tìm cách tận thu từ những khoản tiền mồ hôi nước mắt của dân, sao nhà cầm quyền không lo tập trung truy thu thuế từ các tập đoàn lớn trốn thuế, các hoạt động đầu cơ, chuyển giá?
___________________
Tham khảo:
(1) https://laodong.vn/kinh-doanh/lai-nong-de-xuat-danh-thue-lai-tien-gui-tiet-kiem-1464487.ldo