Quang Nguyên
(Washington)
(VNTB) – Người Mỹ đã không đi bầu thì thôi; người đi bầu đều có trách nhiệm và coi trọng lá phiếu của họ. Họ có thể đùa cợt mọi chuyện, nhưng rất nghiêm túc khi bỏ lá phiếu vào thùng. Đó là ưu điểm đáng trân trọng của một xã hội mà ngừơi dân và chính quyền đều đặt lên hàng đầu quyền tự do của người dân, và quyền làm chủ vận mệnh quốc gia của họ.
Còn một tuần nữa, người Mỹ sẽ chọn nhiều viên chức dân cử trong cùng một là phiếu bầu, nhưng trong tờ phiếu bầu đó, có tên những người ứng viên mà họ sẽ chọn lấy một vị tổng thống (TT) của họ. Loại trừ số ứng viên TT của các đảng phái khác như đảng Xanh, đảng Độc Lập, Đảng Xã Hội.. khó có khả năng đựoc bầu chọn làn TT vì số người ủng hộ họ quá ít, một trong hai người, hoặc thương gia nổi tiếng, ông Donald Trump hay bà Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton làm Tổng Thống, nhưng đến nay vẫn có nhiều người phân vân với quyết định của mình.
Bỏ qua những lời đả kích qua lại, những bình luận khen chê, thử xem lập trường của hai ứng cử viên đang dẫn đầu có những điểm nào đối chọi.
Giữa hai người, một thuộc đảng Dân Chủ, Clinton, và một thuộc đảng Cộng Hòa, Trump, có nhiều điểm khác biệt lớn. Bà Clinton đã tham gia hoạt động xã hội, tranh đấu cho nhân quyền từ thời còn là sinh viên, cuộc sống của bà hoàn toàn hòa trong môi trường chính trị. Kết hôn với Bill Clinton, bà đã là đệ nhất phu nhân bang Arkansas khi ông chồng làm thống đốc bang này và sau đó trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ trong 8 năm khi chồng bà làm chủ nhân ông Nhà Trắng. Trước khi thành ngoại trưởng trong nội các Obama, bà là thượng nghị sĩ liên bang đại diện bang New York.
Trái ngược với bà, đối thủ Donald Trump là một thương gia nổi tiếng, các cơ sở thương mại, khách sạn, câu lạc bộ, cao ốc của ông ở nhiều nơi trên thế giới, những show truyền hình thi tuyển hoa hậu đình đám của ông nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên ông tự nhận không phải là một người chính trị, ông đả phá những lỗi lầm của Nhà Trắng và cho rằng tài năng của một doanh nhân sẽ vận hành chính phủ tốt hơn, đồng thời có khả năng thỏa thuận với lãnh đạo các quốc gia khác dễ dàng hơn.
Hai ứng viên này có những quan điểm hoàn toàn trái ngược:
* Quốc Tế:
Vốn là một nhà ngoại giao, bà Clinton muốn tạo sự quan hệ giữa các quốc gia qua các cuộc đàm phán để có được một thế giới an bình, cùng phát triển.
Ông Trump với khẩu hiệu Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Hơn; Ông cho rằng ưu tiên số một phải là nứơc Mỹ. Điều này có nghĩa tất cả các quan hệ với bất cứ đối tác nào cũng phải đặt quyền lợi của người Mỹ lên trên.
Quan điểm ngược chiều của hai người ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại IS và đến quan hệ đang có giữa Hoa Kỳ và Nga, Trung Quốc.
* Thương Mại
Từ trước đến nay, cử tri Mỹ nhiều ngừơi tỏ ra bất mãn về các thỏa ước mậu dịch với các quốc gia khác. Nhiều việc làm của người Mỹ đã bị các công ty trong nước đem ra nước ngoài, thí dụ Việt Nam, Trung quốc, Mexico, vì lý do giá công nhân nơi đó thấp hơn nhiều.
Cả hai ứng viên đều phản đối các hiệp ứơc thương mại đựơc ký dưới thời Obama. Riêng Trump, ông muốn chấm dứt tất cả các thỏa ước thương mại hiện hành, và ông sẽ đánh thêm thuế trên hàng nhập từ TQ.
* Kinh Tế
Bà Clinton muốn tăng lương tối thiểu của công nhân. Tăng thuế trên các ngừơi giầu có để giúp phát triển hạ tầng kiến trúc.
Ông Trump không muốn tăng lương tối thiểu cho công nhân. Ông cho biết khi các thỏa thuận mới về thương mại với các quốc gia khác đạt được, công nhân Mỹ sẽ có nhiều việc làm và các việc tốt hơn. Ông hứa sẽ cắt giảm thuế.
* Chăm sóc sức khỏe
Bà Clinton muốn giữ lại chương trình thường gọi là ObamaCare được chấp thuận vài năm trước. Chương trình này giúp thêm nhiều người Mỹ có bảo hiểm y tế, nhưng nó lại làm giá thuốc men tăng vọt. Bà cũng muốn tăng ngân khoản cho các phần trợ giúp y tế Medicaid cho người nghèo.
Ông Trump muốn bỏ chương trình ObamaCare như các người trong đảng Cộng Hòa vẫn mong muốn từ trứơc đến nay. Tuy vậy một chương trình tốt hơn vẫn chưa rõ ràng.
* Giáo Dục
Đây cũng là vấn đề then chốt. Giáo dục có liên quan đến các gia đình, đến tương lai và kinh tế Mỹ.
Bà Clinton muốn giúp sinh viên giảm nợ nần tiền học. Bà muốn các trường đại học công lập trực thuộc tiểu bang sẽ miễn học phí hoàn toàn cho sinh viên trong các gia đình có thu nhập dưới 125 ngàn đô-la/năm. Nếu điều này xảy ra, tiền thuế sẽ phải tăng.
Ông Trump muốn bỏ ra 20 tỷ hỗ trợ sinh viên, học sinh, giúp họ có quyền chọn lựa trường học, dù đó là các trừơng công hay tư.
* Các cử tri Việt Nam
Cử tri người Việt, hầu hết là người tị nạn, cũng như các cử tri khác đều có những quan tâm chung, nhưng họ đắn đo, thảo luận với nhau liệu ngừơi sẽ trở thành TT Mỹ (hay các viên chức dân cử khác) có thể giúp đỡ các cộng đồng dân thiểu số thiết thực hơn? Người Việt luôn hướng về quê hương. Họ mong muốn TT, các giới chức dân cử như dân biểu, thương nghị sĩ có thể giúp cho VN tiến triển kinh tế, an ninh quốc phòng chống sự xâm lược của Trung Cộng, họ quan tâm và ủng hộ người có thể đồng hành với người Việt trong, ngoài nước tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ, và nếu có thể giúp họ trở về quê hương.
* Cử tri công giáo
Mỗi lần cầm phiếu bầu cho một vị dân cử nào, người công giáo lại đứng trước một vấn nạn to lớn.
Lương tâm và đức tin người công giáo bắt buộc họ phải chọn người đại diện không đi ngược lại Thiên Chúa, lời dạy của Người và của Hội thánh La Mã. Mỗi người công giáo có thể có lập trường, quan điểm riêng về nhiều vấn đề, nhưng có địa hạt, người công giáo không thể tương nhượng, không thể điều đình, không thể đồng ý. Đó là những điều thuộc phạm trù đức tin.
Lương tâm công giáo, đức tin công giáo và hội thánh công giáo tuyệt đối không chấp nhận, không thương lượng trên các vấn đề sau:
1/ Phá thai: Người công giáo tin rằng phá thai là giết người, một điều trái với điều răn Chúa dạy “cấm giết người”. Tuy vậy phá thai vẫn dược chấp nhận trong những trừơng hợp đặc biệt. Người phá thai coi đứa trẻ trong bụng mẹ như một sản phẩm được làm ra, hay lỡ làm ra, và họ tùy tiện trên sản phẩm của họ. Họ không coi em bé là một tặng dữ của Thiên Chúa.
2/ An tử, hay trợ tử (Euthanasia): sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng kết thúc một cuộc sống, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa. Đức Giáo Hoàng Francis đã gọi đây là cách lấy đi một mạng người, một tội chống lại Chúa, đấng Tạo Hóa. Người ta kết thúc một cuộc sống, tiêu diệt một cuộc sống bằng sự thách thức ý muốn của Chúa.
3/ Các nghiên cứu về tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cell Research): là nghiên cứu trên các tế bào gốc được lấy từ phôi thai trong giai đoạn mới phát triển. Nghiên cứu về tế bào gốc là kết thúc một cuộc sống của một phôi thai mới thành hình, để tạo ra một cuộc sống khác. Đây là sự nghịch lý, sát nhân và báng bổ.
4/ Nhân bản (Human Cloning): tạo ra con người không qua đường lối tự nhiên.
5/ Hôn nhân đồng tính (Homosexual Mariages): hai người đồng giới kết hôn với nhau. Hội thánh Công Giáo tôn trọng con người, dù họ là những người ra sao, nhưng hôn nhân đồng tính phạm vào giá trị của con người, và Hội thánh cho đến nay luôn phản đối chuyện này, họ cũng cho rằng hôn nhân đồng tính tác hại đến xã hội.
Thật ra không chỉ riêng người công giáo, nhiều người thuộc các tôn giáo khác cũng cùng quan điểm với họ tuy không cùng đức tin. Nhiều người Pro Life cũng có quan điểm tương tự trên lãnh vựa phá thai và trợ tử.
Người Mỹ đã không đi bầu thì thôi; người đi bầu đều có trách nhiệm và coi trọng lá phiếu của họ. Họ có thể đùa cợt mọi chuyện, nhưng rất nghiêm túc khi bỏ lá phiếu vào thùng. Đó là ưu điểm đáng trân trọng của một xã hội mà ngừơi dân và chính quyền đều đặt lên hàng đầu quyền tự do của người dân, và quyền làm chủ vận mệnh quốc gia của họ.