Việt Nam Thời Báo

VNTB – Của rẻ là của ôi!

Ngọc Lan (lược thuật)

 

(VNTB) – Dao mổ rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh

 

Ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tức nhà thương Hồng Bàng hồi trước của Sài Gòn, mấy năm nay thân nhân người sắp lên bàn mổ đều được “y lệnh” đề nghị tự túc ra bên ngoài để mua… “dao mổ”.

Dao này mang bán cho ‘xã hội đen’ thì tốt

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác khám chữa bệnh tổ chức ngày 21-8-2022, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã có phát biểu: “Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh”…

Bác sĩ ngoại khoa bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn có con dao mổ tốt để làm việc, phục vụ bệnh nhân được tốt… Người dân mong chính phủ cũng có được “con dao mổ” thật tốt để mổ xẻ những việc khuất tất, chưa tốt, những việc tiêu cực của ngành y, những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, chuyện quản lý chất lượng thuốc, chuyện lương, thu nhập cho nhân viên y tế, chuyện giảm tải cho bệnh viện công…

“Con dao mổ” có thể là câu chuyện mới, nhưng việc giá thuốc trong điều trị ở Việt Nam là “quá sức” thì cũng đã ngoài hai mươi năm rồi.

Tại sao cứ chăm chăm giá rẻ thay vì phải là chất lượng tốt nhất?

Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, ông Nguyễn Tri Thức cho hay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn, điều 11 thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm được, nhưng có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi.

“Quy định giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên website công khai kết quả đấu thầu (website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu), nhưng 2 website này đều chạy chưa ổn, có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở… 18 cửa sổ mới tìm được thông tin, có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu, không có thời gian cho khám chữa bệnh” – ông Thức nói.

Trước đó khá lâu, năm 2002, Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương khi ấy đã chủ trì hội thảo về giá thuốc, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp thời điểm đó đều cho thấy giá thuốc tại Việt Nam cao.

Từ năm 2017, Bộ Y tế bắt đầu tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia với hàng trăm mặt hàng thuốc có giá trị sử dụng lớn, số mặt hàng thuộc danh mục đàm phán giá hiện cũng lên tới trên 700 mặt hàng.

Vấn đề ở đây là – theo ông Thức thì Bộ Y tế nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư giá hợp lý, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng. “Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, dùng dao giá tốt chỉ cần rạch một đường, vì trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt” – ông nói.

Vì thế ông kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 đến đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu, thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu.

Giảm công suất mổ tim vì thiếu thuốc

Quy định hiện hành cứ “ép” giá thuốc giảm xuống mãi, thông qua quy định giá trúng thầu phải bằng hoặc thấp hơn thị trường thời điểm mua, trong khi giá các mặt hàng khác đều tăng.

Đơn cử gần đây, khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) chào thầu thuốc chứa hoạt chất Tenofovir cho người nhiễm HIV, có 6/18 doanh nghiệp có số đăng ký mặt hàng này cho biết giá đầu vào/ giá sản xuất cao hơn giá kế hoạch của trung tâm, và trung tâm không mua được thuốc. Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết họ đang thiếu/có nhưng không dồi dào khoảng 30% số thuốc, thiết bị sử dụng cho khám chữa bệnh.

Trong 1,5 tháng gần đây, nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch đã phải giảm công suất mổ tim xuống còn 50% so với trước do thiếu thuốc đông máu Protamin sulfat. Bệnh viện phải “vay, nhượng” thuốc lẫn nhau và chỉ mổ 50% so với trước, có nghĩa là 50% bệnh nhân có chỉ định mổ phải mổ chậm, hoãn mổ…

Nhưng thông tin trước 15-8 cho thấy thuốc đông máu thiếu đến mức có nguy cơ phải dừng mổ tim, được cho rằng vì lẽ nào đó đã không đến được Bộ Y tế. Chuyện chỉ vỡ lở khi báo chí vào cuộc.

“Đồng ý là bệnh viện phải chủ động chuẩn bị nguồn thuốc và vật tư, nhưng có những mặt hàng như Protamin sulfat có lúc cả một thời gian dài không được nhập về. Bệnh viện không ngại ngùng gì cả khi mà tôi còn chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn giải quyết kịp thời cho người bệnh” – ông Nguyễn Hoàng Bắc – giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định nguồn cung bị hạn chế nên năm nào các bệnh viện cũng đều phải điều phối cho nhau thuốc Protamin sulfat.

Và cách đây vài hôm, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat đã về.

Trong bức tranh toàn cảnh, xét về mặt quản lý nhà nước thì trách nhiệm thuộc về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng kiêm nhiệm điều hành Bộ Y tế.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác khám chữa bệnh tổ chức ngày 21-8-2022, tư cách là Phó Thủ tướng được giao phụ trách mảng y tế, ông Vũ Đức Đam nói rằng ngành y tế “có một núi việc cấp bách cần giải quyết ngay”, như Việt Nam hiện có bình quân 8,8 bác sĩ/ vạn dân, trong khi Úc là 36, chỉ số này Việt Nam mới đạt ngang Ấn Độ, cao hơn chút ít so với Indonesia…


Tin bài liên quan:

VNTB – ​Khánh Hòa không ngại dịch bệnh Covid từ du khách Trung Quốc

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cuối cùng thì ‘huề cả làng’ à?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo