(VNTB) – “Cơm thừa canh cặn” ở Đại Học Bách Khoa Hà Nội là thừa và cặn theo đúng nghĩa đen, chứ không phải bơ thừa sữa cặn mà CSVN bôi nhọ VNCH.
Câu chuyện hơn 500 sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) phải xếp hàng ăn “cơm thừa canh cặn” làm người ta chợt nhớ tới chuyện Cộng sản Việt Nam mỉa mai người dân Việt Nam Cộng Hòa phải ăn “bơ thừa sữa cặn” của Mỹ. Cũng là thừa và cặn mà sao khác biệt quá nhiều và quá đắng cay khi hai trường hợp xảy ra ở hai thời đại trái ngược nhau.
Trước 1975 là thời chiến, VNCH ở trong cảnh phải thường xuyên chống đỡ Việt công tấn công và du kích miền nam khủng bố. Thế nhưng trẻ em vẫn được miễn hoàn toàn học phí để tiếp cận trí thức một cách bình đẳng. Đi học không tốn tiền, mà tới trường còn được uống sữa, ăn bánh mì miễn phí. Đây là chính sách nhằm để phát triển trí lực và thể lực của người dân một cách bài bản, lâu dài. Cho thấy tính nhân bản của chế độ, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chiến tranh nhưng học sinh vẫn được đãi ngộ tốt nhất.
Còn ngày nay, chiến tranh đã trôi qua nửa thế kỷ, nhưng trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lại trở thành miếng mồi ngon cho nhà trường, nhà nước. Họ tận thu từ cuốn sách giáo khoa tới học phí, rồi ra chiêu bài “miễn học phí”, nhưng thu thêm quỹ trường, quỹ lớp, quỹ mua truyền hình, máy tính cho cô giáo…
Riêng chuyện cắt bớt phần cơm của học sinh, sinh viên, giáo viên thì đã có nhiều trường hợp phản ánh rồi. Ví như trường mầm non Ánh Dương ở Vũng Tàu cắt phần cơm của giáo viên chỉ còn 2 miếng chả cá với ít nước mắm. Hay học sinh bán trú trường Hoàng Thu Phố 1 ở tỉnh miền núi Lào Cai phải ăn mì gói chan cơm để nhường phần ăn bớt cho thầy hiệu trưởng. Đây chỉ là hai trường hợp bị phanh phui, còn thực tế thì hầu như trường nào cũng vậy, chỉ là xén ít hay xén nhiều để không bị phát hiện mà thôi.
Trong khi đó, các sinh viên ở ĐHBKHN phải đóng chi phí cho việc ăn ở tập trung là 1.630.000 đồng để học quốc phòng trong 2 tuần lễ. Tiền thì đóng, nhưng vẫn phải tham gia “hỗ trợ nhà trường phục vụ ăn uống”, tức là làm không công cho căn tin trường để được cộng điểm rèn luyện, điểm thi đua.
Và theo mô tả của các sinh viên thuộc nhóm hỗ trợ phục vụ ăn uống thì các em được giao “thu gom cơm thừa ở từng bàn, rồi trộn đều. Sau đó, nhân viên nhà bếp đổ số cơm thừa này vào thùng đựng cơm chung và tiếp tục chia cho các nhóm sinh viên đến ăn sau.
Không chỉ cơm thừa được tái sử dụng, bát canh ăn dở ở các bàn cũng được thu gom lại, đổ vào nồi để chia cho các bạn ăn sau”. Không chỉ cơm thừa canh cặn, mà nhiều sinh viên còn thấy nhiều dị vật (như gián, sâu) trong các phần ăn khiến nhiều bạn sợ hãi phải mua bánh mì ăn tạm. (1)
Như vậy, “cơm thừa canh cặn” ở ĐHBKHN là thừa và cặn theo đúng nghĩa đen, chứ không phải bơ thừa sữa cặn mà CSVN bôi nhọ VNCH. Thời VNCH, bơ, sữa cấp cho học sinh hoàn toàn là đồ tốt, chất lượng Mỹ, đảm bảo dinh dưỡng. CSVN bôi nhọ là vì họ coi đó là hàng viện trợ của Hoa Kỳ và đồng minh cho VNCH.
Nhưng tới thời bây giờ Hoa Kỳ và phương Tây vẫn viện trợ cho Việt Nam thì có ai nói phần hàng viện trợ đó là “bơ thừa sữa cặn” nữa đâu. Ba mươi năm sau khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ tặng cho Việt Nam toàn những hàng chất lượng cao: thuốc tốt nhất, thiết bị y tế xịn nhất, thực phẩm bổ dưỡng nhất, máy móc hiện đại nhất, những khoản tiền tươi thóc thật nhiều nhất…
Chỉ cần so sánh chuyện “thừa và cặn” của hai chế độ, hai thời đại là đã thấy khác nhau hoàn toàn về tính nhân bản của hai bên. Một bên thì đặt lợi ích của học sinh sinh viên lên hàng đầu, coi giáo dục là quốc sách, tạo ra nguồn nhân lực có giá trị cho xã hội. Còn một bên thì tìm mọi cách để moi móc tiền của người học, ăn bớt ăn xén rồi chèn ép học sinh sinh viên. Trường học ngày xưa là “nơi dạy học”, còn trường học ngày nay lại là “nơi mất dạy” nhất!
____________________
Tham khảo: