Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cũng thời ‘xe ôm’: ‘công nghệ’ được chạy, ‘truyền thống’ lại chưa

Thanh Thảo

 

(VNTB) – Xe ôm ‘công nghệ’ là việc ‘đặt xe’ và ‘điều xe’ qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động ‘thông minh’. Xe ôm ‘truyền thống’, người dân chỉ cần ra đầu ngõ ‘vẫy tay’ cái rồi thỏa thuận giá xong là đi ngay…

 

Sau vụ việc nhiều người dân lẫn báo chí lên tiếng về vấn đề xe ôm công nghệ (Grab, Gojek,…) vẫn chưa được phép hoạt động chở khách khi Sài Gòn đã chuyển sang vùng vàng – tức cấp độ 2 của dịch Covid, chính quyền TP.HCM đã ‘tiếp thu’. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản ‘khẩn’ vào ngày 17-11 cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trong điều kiện có hạn chế.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố không “quên” những bác tài chạy xe ôm truyền thống, nên đã nhắc lại là ‘ôm truyền thống’ chưa được phép hoạt động đến khi có thông báo mới – cụ thể hơn là khi toàn thành phố đạt cấp độ 1 – tức ‘toàn xanh’ theo tiêu chí đánh giá dịch bệnh của Bộ Y tế.

Mặc dù giữa xe ôm công nghệ – sử dụng ứng dụng để gọi tài xế đến tận nhà – và xe ôm truyền thống – theo cách gọi xe quen thuộc là đi đến điểm đậu xe cố định của bác tài – không mấy khác nhau về cách thức hoạt động, nhưng một bên thì được “ưu đãi”, bên còn lại thì bị đối xử “lạnh nhạt”.

Đợt dịch vừa qua, các bác tài xe ôm truyền thống cũng khó khăn như bao người khác. Họ mỏi mòn chờ đợi ngày thành phố nới lỏng giãn cách để được ngoài đậu xe chờ khách, vừa có thêm khoản thu vừa thư giãn tinh thần.

Với xe ôm truyền thống, đa phần là những người lớn tuổi không còn sức khỏe dẻo dai như thời trẻ, là một số bác có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, con cái không thể chăm lo, hay vì phần nhỏ người không muốn dựa dẫm vào bất kỳ người nào… Họ tìm đến nghề xe ôm này để mong muốn mỗi ngày có được những cuốc xe chạy đủ để lo ngày hai bữa, dư dả thì sáng ly cà phê với tờ báo.

Nhưng đến nay nghề xe ôm truyền thống vẫn chưa chính thức được hoạt động lại, bởi thành phố chưa đạt cấp độ 1 theo Quyết định 4800/QĐ-BYT- tiêu chí đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế.

Và để đạt được cấp độ mà xe ôm truyền thống có thể hoạt động lại, vẫn theo tiêu chí hiện tại của Bộ Y tế thì điều kiện cần là trung bình mỗi ngày, thành phố chỉ được ghi nhận dưới 700 ca nhiễm mới liên tiếp trong vòng 2 tuần. Thế nhưng đã gần 2 tháng kể từ khi thành phố nới lỏng giãn cách, số ca nhiễm mới mỗi ngày chưa từng giảm xuống đến 700 ca.

Với bác tài xế xe ôm truyền thống thì những số liệu phức tạp như thế ít được quan tâm đến. Điều họ cần là bữa nay chạy được bao nhiêu cuốc xe? Bữa nay có tiền để ăn đủ bữa không?… Chính vì thế, dẫu cho thành phố chưa cho phép họ được hoạt động lại, nhiều bác tài vẫn “mặc kệ” mà ra bến xe, chợ hay điểm quen thuộc đậu xe chờ khách.

Họ biết rõ như thế là vi phạm nhưng đợi đến khi có thông báo mới thì họ biết đợi đến bao giờ. Liệu chủ nhà trọ có cảm thông mà cùng đợi với họ? Liệu trong thời gian chờ đến lúc có thông báo nghề xe ôm truyền thống được hoạt động lại thì ‘bao tử’ có dừng hoạt động được không?

Thế nhưng, những cụ, những bác xe ôm truyền thống làm sao lên tiếng mạnh mẽ bằng đội ngũ xe ôm công nghệ như 2 tuần vừa qua. Chưa kể, xe ôm công nghệ còn được nhiều báo chí cùng phản ánh, còn xe ôm truyền thống thì như đang “vô hình”, mặc dù ở thời điểm hiện tại họ đang ngồi chờ trên nhiều con đường trong thành phố.

Thiết nghĩ, nên tránh sự “khập khiễng” khi chỉ cho 1 loại hình xe ôm được hoạt động. Cả 2 đều chở khách ngồi đằng sau yên xe máy, đều đeo khẩu trang và có cả cồn rửa tay. Và quan trọng là không một ai muốn bản thân họ bị nhiễm nên ý thức về phòng ngừa dịch bệnh có lẽ không hơn không kém gì nhau.

Mọi người đều cần công việc để phục hồi lại sau dịch, nếu đã đáp ứng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thì không có lý do gì để cấm đoán nghề xe ôm truyền thống.

Dẫu sao xe ôm truyền thống cũng là “chân đi” của những người lớn tuổi, người đi chợ hay những người không quen sử dụng nghệ. Vì thế, nếu xe công nghệ giờ không thể thiếu trong đời sống người dân, thì xe truyền thống vốn dĩ cũng cần thiết như tên gọi ‘truyền thống’ kể từ khi có ‘ôm công nghệ’ ra đời.


Tin bài liên quan:

VNTB – Học đại học hay thất học đều chạy xe ôm?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Xe Lôi/Xe Kéo & Xe Ôm

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giá xăng tăng cao, nghề xe ôm đã nghèo lại gặp cái eo

Phan Thanh Hung

1 comment

Minh 29.11.2021 8:37 at 20:37

Lớn tuổi không làm được việc gì để kiếm được tiền như thanh niên,trai trẻ nên mới chịu cảnh đời xe ôm truyền thống.nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được phép hoạt động,kể từ khi bùng phát dịch,rồi giản cách cho đến nay cũng năm sáu tháng,thử hỏi khoảng thời gian dài không việc làm,thì lấy tiền đâu ra mà sống,chính quyền có biết không,hỗ trợ họ như thế nào?cho đến lúc nầy vừa sợ lây nhiễm,vừa chịu đói,thiếu thốn trong cái vòng lẫn quẫn,không làm cũng chết,làm thì cũng không yên,khổ thật.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo