(VNTB) – Các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía: sự lao dốc của thị trường chứng khoán, đòn đáp trả từ các quốc gia khác và cơn giận dữ từ giới doanh nghiệp Mỹ.
Thời gian đã hết khi các mức thuế “đối ứng” nghĩa là “có đi phải có lại” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất chính thức có hiệu lực, ông Trump dường như đang bước vào một trò chơi “cân não” đầy rủi ro với nền kinh tế toàn cầu treo lơ lửng trên bờ vực.
Một số quốc gia bị ông Trump liệt vào danh sách “vi phạm nghiêm trọng nhất” đang gấp rút tìm cách xoa dịu Hoa Kỳ, hy vọng thoát khỏi một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây thiệt hại lớn. Ngược lại, Trung Cộng lại chọn cách đối đầu, công khai tuyên bố trả đũa và không nhượng bộ, gửi đi một thông điệp rằng Bắc Kinh sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”. Trong khi đó, ông Trump vẫn kiên quyết theo đuổi biện pháp cứng rắn này, coi thuế quan là “vũ khí lợi hại” để buộc các đối tác thương mại phải nhượng bộ và đã tăng theo Kate Andrews ông Trump đặt cược cả một quốc gia vào cuộc chiến thuế quan của mình.
“Những người Mỹ – đồng bào của tôi, hôm nay là Ngày Giải phóng,” Ông Trump nói với khán giả tụ tập tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc để chính thức trong ngày ký sắc lệnh hành pháp của ông nhằm áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới. Không hề do dự, không hề có cảnh báo: chỉ có sự nhiệt tình tột độ từ cả Tổng thống và hầu như toàn bộ nội các của ông, những người đã cổ vũ Trump khi ông tuyên bố ngày 2 tháng 4 là “ngày định mệnh của nước Mỹ được giành lại.”.
“Họ làm điều đó với chúng ta, chúng ta làm điều đó với họ” Tổng thống nói khi bắt đầu bài phát biểu của mình. “Không thể đơn giản hơn thế được nữa”. Nhưng những gì ông Trump tiếp tục công bố không hẳn là ăn miếng trả miếng. Thay vào đó, Hoa Kỳ sẽ áp dụng cái mà ông gọi là thuế quan “có đi có lại”. Thuế nhập khẩu từ nước ngoài đang tăng, nhưng Hoa Kỳ đang áp dụng mức chiết khấu, ông nói, vì vậy thuế quan đối với hàng hóa nước ngoài vẫn thấp hơn mức mà hầu hết các quốc gia đang áp dụng đối với hàng hóa Hoa Kỳ.
Cũng bắt đầu từ hôm nay, ngày 9 tháng 4, Mỹ sẽ tăng thuế thêm 50% với hàng hóa nhập từ Trung Cộng, đúng như đe dọa của Tổng thống Trump trước đó. Tin tức này được một quan chức xác nhận với CNBC. Hãng tin Bloomberg cũng đăng tải thông tin tương tự – Mỹ áp thuế 104% với hàng hóa Trung Cộng bắt đầu từ 12h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ). Trong buổi họp báo, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karoline Leavitt tiếp tục nhắc lại về thời điểm thuế 104% với hàng hóa Trung Cộng có hiệu lực từ 9/4.
Cách đây 2 hôm, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế bổ sung 50% với hàng hóa Trung Cộng nếu nước này không rút lại thuế trả đũa. Như vậy, tổng mức thuế hàng hóa Trung Cộng vào Mỹ phải chịu lên tới 104%.
Tổng thống Mỹ cho biết đã chờ đợi phản hồi của Trung Cộng trước khi mức thuế này có hiệu lực, nhưng các quan chức khác trong chính quyền của ông không ưu tiên đàm phán với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cố vấn kinh tế Kevin Hassett nói được chỉ đạo ưu tiên đàm phán cùng các đồng minh, đối tác thương mại như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.
Ở chiều ngược lại, Trung Cộng cũng cho thấy tín hiệu sẽ không nhượng bộ trước đòn thuế của ông Trump. Bộ Thương mại nước này cho biết đe dọa của Mỹ là “sai lầm chồng chất sai lầm” và kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, cơ quan này cho biết Trung Cộng sẽ đáp trả đến cùng nếu Mỹ tăng thuế thêm 50%.
Tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) hôm 8/4, Thủ tướng Lý Cường cũng nói rằng Trung Cộng có đủ công cụ chính sách trong tay ứng phó với bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài. Cùng với đó, ông khẳng định Trung Cộng tự tin duy trì tăng trưởng kinh tế lành mạnh, bền vững và tiếp tục mở cửa.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Cộng cuối tuần trước, nước này sẽ áp thuế 34% vào hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Trung Cộng cũng bổ sung 11 công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin”, với lý do vi phạm các quy định thị trường. Bộ Thương mại nước này còn đưa thêm 16 doanh nghiệp Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu, đồng thời áp dụng kiểm soát xuất khẩu với 7 kim loại liên quan đến đất hiếm.
Những tin tức về mức thuế 104% với hàng Trung Cộng vào Mỹ đã làm thị trường chứng khoán, hàng hóa u ám hơn. Đến đầu giờ chiều ngày 8 tháng 4, giá dầu thô giảm hơn 1% dù trước đó tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng đã sụt giảm sau khi tăng gần 4% lúc mở cửa.
Như vậy, tất cả những gì đang diễn ra có phải là chiến thuât đàm phán của ông Trump như nhiều nhà đầu tư và các chính trị gia hy vọng! Hay Tổng thống Trump đang chơi một ván cờ dài hơi với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu và tìm lại vị thế của Mỹ trong trật tự đó? Trong trật tự thế giới mới mà ông Trump vạch ra, một quốc gia đồng minh hay đối thủ không còn phụ thuộc vào việc nước đó đang trao cho Mỹ một thỏa thuận tốt hay không?
Chiều ngày 7 tháng 4 Thủ tướng Israel Benjanmin Netanyahu là lãnh đạo đầu tiên đến Tòa Bạch Ốc gặp ông Trump kể từ sau tuyên bố ap thuế, đã thử sức với “luật chơi mới” của Tổng Thống Mỹ. Ông cam kết Israel nằm trong danh sách những nước bị áp thuế 17% sẽ dỡ bỏ hàng rào cản thương mại và xóa bỏ thặng dư thương mại với Mỹ. Nhiều quốc gia dường như đang theo đuổi chiến lược tương tự Israel trong nỗ lực tìm kiếm một kết quả tích cực trước loạt thuế quan cứng rắn mà ông Trump áp đặt. Cũng vào sáng ngày 7 tháng 4 Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có cuộc điện đàm với ông Trump, mở đường cho tuyên bố từ Bộ trưởng Tài Chánh Mỹ Scott Bessent rằng Mỹ đang bắt đầu đàm phán với Tokyo để “thực hiện tầm nhìn của Tổng Thống về một Kỷ nguyên Vàng của Thương Mại Toàn cầu”. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula Von Der Leyen cũng phát tín hiệu hòa giải, tuyên bố châu Âu sẵn sàng đàm phán với Mỹ, đề xuất hai bên cùng giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp về 0, một đề xuất được ông Trump khen ngợi ngay tại Phòng Bầu Dục, nhưng cũng không quên nhận xét rằng “vẫn chưa” đủ!
Cuộc chiến thuế quan sẽ đi về đâu hay chỉ đơn thuần là đòn bẩy đàm phán với mục tiêu “Nước Mỹ Trên Hết!”.Mục đích cuối cùng là ép các đối tác thương mại đối tác thù cũng như bạn làm suy yếu đồng USD trên thị trường ngoại hối. Điều này sẽ khiến cho hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn, giúp tắng sức cạnh tranh, đồng thời giảm giá trị của khoản dự trữ USD khổng lồ mà Trung Cộng đang nắm giữ. Cũng có thể tăng nguồn thu và bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ…
Cuộc chiến thuế quan đã chính thức bắt đầu, như viên đạn rời khỏi nòng súng. Các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía: sự lao dốc của thị trường chứng khoán, đòn đáp trả từ các quốc gia khác và cơn giận dữ từ giới doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn để cho thấy không bao lâu nữa sẽ có sự thay đổi lớn trong nước Mỹ và toàn cầu…