Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng lần này là với… Trung Quốc chứ không phải Nga

Bill Powell
Phạm Nguyên Trường dịch


(VNTB) – Washington đã từng hy vọng rằng giai đoạn của cuộc đấu tranh được triển khai trên toàn thế giới nhằm chống lại một kẻ thù đầy sức mạnh đã chấm dứt, đấy chỉ còn là những câu chuyện dành cho các nhà sử học. Nhưng bây giờ họ đã tỉnh giấc và nhận ra một thực tế khác, đấy là bước thứ nhất của cái mà Lưu Minh Phúc gọi “trận đánh” trung tâm của thế kỷ XXI.
Điều mà trước đây khoảng một thập kỷ gần như không bao giờ được giới tinh hoa thảo luận – triển vọng của cuộc đấu tranh địa chính trị kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (Chiến tranh Lạnh 2.0) – thì hiện đang trở thành đề tài hàng đầu trong các giới hoạch định chính sách đối ngoại ở cả Washington lẫn Bắc Kinh. Ở Mỹ, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại theo xu hướng ôn hòa vừa đưa ra một bản báo cáo khá dài, kêu gọi Mỹ “xét lại” “chiến lược lớn” của mình đối với Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, Lưu Minh Phúc, đại tá Quân Giải phóng Nhân dân và là một trong những chiến lược gia có ảnh hưởng nhất ở đây, viết trong cuốn sách nhan đề Giấc Mơ Trung Hoa (The China Dream) mới ra gần đây: “Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh và chiến đấu để trở thành nước đứng đầu thế giới”.

Sự căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng những hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, tức là quần đảo mà 6 nước tuyên bố có chủ quyền, nghe chẳng khác gì việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lạnh. Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ đang nghĩ đến việc đưa máy bay do thám và tàu chiến giám sát khu vực nằm trong vòng 12 hải lý của quần đảo này, đây được coi là tín hiệu buộc Bắc Kinh phải rút lui. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đã lên án Washington vì đã có những ý nghĩ như thế.

Trong khi đó 9 tàu chiến của Trung Quốc và Nga cùng nhau tập trận ở Địa Trung Hải – bằng chứng gần nhất chứng tỏ những mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai đối thủ truyền kiếp. Một tháng trước đó, Việt Nam, mất niềm tin sâu sắc với Bắc Kinh, đã mời hơn một chục công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ tới Hà Nội. Cuộc gặp diễn ra chỉ 8 ngày trước lễ kỷ niệm 40 năm thất bại của Mỹ ở Việt Nam.

Trò chơi chiến tranh, những vụ mua bán vũ khí trong tương lai, cuộc chiến ngôn từ về những vùng lãnh thổ tranh chấp nằm ở những khu vực xa xôi. Tất cả đều làm người ta nhớ lại cuộc chiến tranh lạnh, vốn khá quen thuộc với những người ở Moskva hay Washington, tức là những người đã từng tham gia cuộc chiến đó trong những giai đoạn trước đây. Nhưng chiến tranh lạnh 2.0 giữa Washington và Bắc Kinh – nếu như nó trở thành không thể tránh được – sẽ khác hẳn so với cuộc chiến tranh trước đó.

Khác biệt căn bản và rõ nhất là Bắc Kinh đưa nhiều sức mạnh kinh tế vào cuộc so tài hơn là Liên Xô đã trừng làm trước đây. Thật vậy, đối với những người công dân Xô Viết, hình ảnh thường thấy nhất trong những ngày cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là những cửa hàng lương thực thực phẩm trống rỗng. Và ở những nơi mà Liên Xô có ảnh hưởng – từ Đông Âu đến châu Phi và Mỹ-Latin – tai họa về mặt kinh tế đã xảy ra ngay sau đó. Nền kinh tế chỉ huy do nhà nước kiểm soát không thể nào hoạt động được – có tác dụng nhiều hơn là số vũ khí hạt nhân mà Moskva sở hữu – đã đặt dấu chấm hết cho tất cả.

Khác hẳn với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, khoảng mười năm nữa, nước này có thể qua mặt Hoa Kỳ để trở thành lớn nhất thế giới. Trong khi nhà nước kiểm soát những đỉnh cao chỉ huy trong nền kinh tế – ngân hàng, viễn thông, năng lượng – họ sẽ cố gắng làm như vậy theo định hướng thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành công nghiệp (trong đó có công nghệ cao), đã giúp Trung Quốc vươn lên một cách ngoạn mục từ hoàn cảnh đói nghèo trong suốt ba thập kỷ qua. Tập đoàn Alibaba là ví dụ gần đây về bước chân ngày càng vươn xa trên toàn cầu của những công ty tư nhân Trung Quốc. Bạn có nhớ được tên công ty lớn nào của Liên Xô chào bán cho công chúng (IPO) hàng tỷ USD trên sàn Nasdaq hay trên sàn chứng khoán New York hay không? Không. Bạn không nhớ. Bởi vì không có công ty nào như thế cả.

Hiện Trung Quốc đang ồ ạt triển khai sức mạnh kinh tế của mình ở nước ngoài. Nước này đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Họ sử dụng dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để mua các nguồn tài nguyên – dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản –trên khắp lục địa châu Phi và châu Mỹ Latin. Điều này thường được mô tả – một cách thiếu chính xác – là quyền lực “mềm”. Sức mạnh kinh tế không phải là quyền lực mềm. Quyền lực mềm có rất nhiều việc phải làm – hình thức chính phủ, tính minh bạch của chính quyền, trách nhiệm giải trình của giới tinh hoa trước công chúng, đất nước bảo vệ những nguyên tắc nào và không chấp nhận những nguyên tắc nào. Sức mạnh của quyền lực kinh tế thể hiện ở khả năng kiếm được đầy túi. Bắc Kinh đang hùng hục lao vào những việc như thế và với khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ tích lũy được, họ có thể tiếp tục làm như thế trong một thời gian dài nữa, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế điên cuồng hiện nay có giảm đi phần nào.

Theo nhiều nhà phân tích, Mỹ đang ở vị thế khác và một số người cho là khó khăn hơn Trung Quốc. Sức mạnh cứng của nước này – tiềm lực quân sự – vẫn vượt xa của Trung Quốc, mặc dù trong mấy năm gần đây Bắc Kinh đã gia tăng nhanh chóng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng. Nhưng viễn cảnh của một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nước đã – và ở mức độ nào đó vẫn – bị nhiều người Trung Quốc ở Mỹ bác bỏ, bởi vì, như cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia Aaron Friedberg viết trong tác phẩm A Contest for Supremacy (tạm dịch: Cuộc cạnh tranh giành vị trí siêu cường): “Những lợi thế rất lớn mà Hoa Kỳ đang được hưởng là kết quả vị thế dẫn đầu trong một thời gian dài trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ mới, và khả năng chưa từng có của nền kinh tế lớn và năng động, đủ sức giúp nước này gánh vác những khoản chi phí của siêu cường quân sự.”

Mỹ có tiến bộ hơn so với Trung Quốc về mặt công nghệ hay không? Chắc chắn rồi. Mỹ vẫn là nước cách tân hàng đầu trên thế giới. Vâng. Nhưng khoảng cách đang bị thu hẹp và Mỹ đang phải đối mặt với một loạt vấn đề trong nước – từ nợ cho đến vấn nhân khẩu học và nền kinh tế dường như đang phát triển với tốc độ quá thấp – làm người ta nản chí. Như Friedberg viết: “Hoàn toàn không rõ là Mỹ có tiếp tục được hưởng [lợi thế kinh tế] trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc hay không”.

Sự khác biệt quan trọng khác giữa Chiến tranh lạnh 1.0 và Chiến tranh Lạnh 2.0 đang ló dạng là Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất trên thế giới đối với những công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Ngược lại, đối với 99,5% của các công ty lớn nhất của Mỹ, Liên Xô đơn giản là không tồn tại. Bắc Kinh có thể sử dụng thị trường của họ như là đòn bẩy trong các tranh chấp địa chính trị, và khi làm như vậy, họ sẽ chơi với những nhóm cử tri có uy tín ở Mỹ: các doanh nghiệp lớn. Trong khi Trung Quốc còn tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế, tức là cuộc khủng hoảng sẽ làm thay đổi tận gốc rễ thực trạng kinh tế hiện nay, thì Washington sẽ khó hành động khi cuộc cạnh tranh địa chính trị trở thành căng thẳng hơn.

Dĩ nhiên là chuyện này quả thật là khôi hài. Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Mỹ là giúp Trung Quốc thành công về mặt kinh tế. Chúng ta đã tự thuyết phục mình rằng thương mại và thịnh vượng sẽ tạo ra thay đổi về mặt chính trị (như đã từng xảy ra ở Hàn Quốc và Đài Loan, những nền kinh tế thành công đã biến các chế độ độc tài thành những nền dân chủ đầy sức sống). Quan niệm như thế đã trở thành dĩ vãng. Đảng Cộng sản Trung Quốc và chế độ độc đảng dường như không có ý định rời bỏ vị trí. Họ còn định chơi lâu; lực lượng quân sự của họ hiện đã trở thành tay chơi trong khu vực, nhưng đến năm 2049, tức là năm mà đảng này sẽ chào mừng kỷ niệm lần thứ 100 năm cầm quyền, lực lượng quân sự của họ có thể trở thành tay chơi trên bình diện toàn cầu. Đấy cũng là dự định của những thành phần hiếu chiến hơn trong đảng và trong lực lượng vũ trang của nước này.

Washington đã từng hy vọng rằng giai đoạn của cuộc đấu tranh được triển khai trên toàn thế giới nhằm chống lại một kẻ thù đầy sức mạnh đã chấm dứt, đấy chỉ còn là những câu chuyện dành cho các nhà sử học. Nhưng bây giờ họ đã tỉnh giấc và nhận ra một thực tế khác, đấy là bước thứ nhất của cái mà Lưu Minh Phúc gọi “trận đánh” trung tâm của thế kỷ XXI.

Nguồn: tờ Newsweek, Mỹ (http://www.newsweek.com/2015/05/29/us-china-cold-war-333948.html)

Tin bài liên quan:

VNTB- Tấm gương Venezuela

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngu dốt là sức mạnh hay những biện pháp mà bộ máy tuyên truyền thường dùng

Phan Thanh Hung

VNTB- Luận tội tổng thống diễn ra như thế nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo