Nguyễn Văn Thạnh
(VNTB) – Khi không còn cướp đoạt được đất đai của người nông dân với giá rẻ rồi bán ra với giá cao thì cỗ máy kinh tế cướp đoạt hẳn sẽ đứng xích từ đây.
Kể từ năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế. Từ nền kinh tế nhà nước bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một sự lai tạp giữa hai hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Trong mô hình kinh tế này, nhà nước vẫn nắm những nguồn lực kinh tế lớn như điện, nước, xăng dầu, viễn thông…, đặc biệt là nguồn lực đất đai với lý thuyết sở hữu toàn dân.
Sở hữu toàn dân là một cụm từ gây nhiều cảm hứng cho dân nghèo không có tất đất cắm dùi vì nó tạo cho họ một ảo vọng về việc có một mảnh đất. Và thật sự là họ có thật khi được chính quyền chia đất theo hộ khẩu. Có người là có ruộng.
Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở đó. Chính quyền cấp đất được thì sẽ lấy được. Bằng một quyết định hành chính với một mức giá nào đó, chính quyền có thể lấy lại đất để giao cho đối tượng khác. Đây là cách thức mà chính quyền đã làm trong gần 30 năm qua để lấy hàng trăm ngàn ha đất của người dân phục vụ cho việc mở mang các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng đường xá, hạ tầng giao thông,…
Bài toán kêu gọi đầu tư nước ngoài thường là đối tác Việt Nam có đất, nước ngoài có tiền. Nền kinh tế vận hành trên chiêu thức đổi đất lấy hạ tầng hay còn gọi là “lấy mỡ nó rán nó”. Hoạt động kinh tế chỉ có thể thực hiện được khi nó sinh lợi, tức là giá đầu vào phải thấp hơn giá đầu ra. Cụ thể ở đây là giá đền bù đất phải thấp hơn giá thị trường giao dịch sau đền bù. Phần lời này vừa giúp kích thích kinh tế phát triển vừa bôi trơn bộ máy công quyền làm việc.
Ban đầu, người nông dân quá nghèo khó cũng như tình thế cô thân của họ nên họ chấp nhận đền bù. Tất nhiên có một bộ phận trúng mánh vì sở hữu diện tích đất lớn mà trở nên giàu. Cỗ máy kinh tế này có vài điểm trục trặc nhưng nó vẫn chạy tốt. Sản phẩm của cỗ máy kinh tế là làm gia tăng của cải cho xã hội, làm giàu quan chức, làm xuất hiện nhiều đại gia và kèm theo một phế phẩm không mong muốn là dân oan. Phế phẩm ngày càng nhiều và Việt Nam thành cường quốc dân oan!
Khi phế phẩm tăng lên thì cỗ máy bắt đầu trục trặc, người dân ngày càng ý thức về quyền lợi và đấu tranh cho quyền lợi. Nếu thỏa mãn dân oan, tức bồi thường giá cao thì xem như không có năng lượng dư để vận hành bộ máy. Bộ máy này chỉ chạy được khi bồi thường thấp.
Cỗ máy kinh tế này càng chạy càng tạo ra xung đột giữa một bên là dân oan và một bên là nhóm lợi ích (gồm quan chức và đại gia).
Đỉnh điểm của cuộc xung đột là vào ngày 10.7.2015 khi cỗ máy múc phải dừng lại trước đám đông dân chúng la ó sau khi nó cán một phụ nữ dưới bánh xích của nó.
Thật là một hình ảnh đắc địa. Cỗ máy này được lái bởi một tay xã hội đen hung bạo, được bảo kê (ngó lơ) bởi người cầm quyền nhưng nó đã phải dừng lại.
Khi không còn cướp đoạt được đất đai của người nông dân với giá rẻ rồi bán ra với giá cao thì cỗ máy kinh tế này lấy đâu ra hiệu quả kinh tế để vận hành?
Cỗ máy kinh tế cướp đoạt hẳn sẽ đứng xích từ đây.