Việt Nam Thời Báo

VNTB- Cửu Long Anh Hùng hay câu chuyện về sự tôn trọng giá trị?

Anh Văn

(VNTB) – Có thừa nhận sự đa dạng khi cộng đồng nhìn một người mặc áo đỏ tại khu Phước Lộc Thọ tại Hoa Kỳ, cũng như một người mặc áo cờ vàng tại dinh Thống Nhất?

Vẫn là câu chuyện lá cờ, khi mà vừa qua, Mr. Áo Dài (Hùng Cửu Long) đã có chuyến viếng thăm được cho là “hòa hợp, hòa giải” với cộng đồng người Việt tại quận Cam (California). Tuy nhiên, kết quả chuyến thăm, với áo đỏ sao vàng đã gặp những phản ứng kịch liệt của một số người tại quận này.


Ông Cửu Long thật Anh Hùng

Trong video mà do ông Hùng Cửu Long ghi lại tại trận xô xát, thì ông cũng đã bày tỏ với cảnh sát người Hoa Kỳ gốc Việt là ông là một ĐBQH, 40 năm qua Việt Nam đã kết thúc chiến tranh nhưng vấn đề hòa hợp hòa giải vẫn còn là một vấn đề còn mới, do đó chuyên qua Hoa Kỳ lần này của ông chính là để hòa giải, để tìm hiểu tâm tư – nguyện vọng của bà con tại đây nhằm chia sẻ với cử tri trong nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ông đã đánh tiếng trên trang facebook cá nhân việc mình sẽ mặc áo đỏ có sao vàng (quốc kỳ nhà nước CHXHCN Việt Nam) để hòa hợp hòa giải.

Nhiều người đánh giá chuyến thăm của ông Hùng Cửu Long là một chuyến đi dũng cảm và nhấn mạnh rằng, đó là chuyến đi vào hang cọp để hiểu được cọp. Một số khác cho rằng, những phản ứng về chuyến thăm của ông Hùng Cửu Long là khá tiêu cực, nó không khác gì phản ứng của Lý Tống đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay phản ứng của cộng đồng tại đây đối với chuyến trình diễn của nghệ sĩ Hồng Vân (là một đảng viên ĐCSVN). Và khi cộng đồng người Việt chưa tôn trọng được quan điểm và cách sống của một cá nhân thì họ vẫn mãi mãi chưa hiểu được những giá trị cốt lõi và phổ quát của quyền con người – mặc dù họ đang sống tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Sự phản ứng đó còn kéo ra một vấn đề nóng hơn là sự chỉ trích nhóm người đã phản ứng tiêu cực với ông Hùng Cửu Long, và nhấn mạnh, sống tại một nước như Hoa Kỳ, nhưng quyền tự do đi lại đã không được tôn trọng, thì vấn đề “dân chủ – nhân quyền” đặt ra cho Việt Nam vẫn còn nhiều sống sượng.


Sự tôn trọng

Trong một phản ứng khác, nhiều người lên án ông Hùng Cửu Long, và coi đó là một thái độ thiếu sự tôn trọng tối thiểu. Viện dẫn nỗi đau chiến tranh và trong phạm vi một cộng đồng được hình thành từ 2 chữ “tỵ nạn” xuất phát từ lá cờ mà họ cho là “lá cờ máu”. Việc ông Hùng Cửu Long mặc áo đỏ sao vàng đi vào trung tâm của tỵ nạn người Việt vô tình làm thổi bùng nỗi đau của hơn 40 năm trước.

Bạn Thánh Ngô đặt câu hỏi chất vấn, hòa hợp thì là điều tốt, nhưng ông Hùng Cửu Long đã không đánh giá đúng tâm trạng người Việt tại quận Cam. Cũng như vậy, ông hoàn toàn không hiểu sự hòa hợp phải đến từ sự chìa tay của người thắng, giả như ông Hùng Cửu Long mặc áo quần có cờ vàng ba sọc và đi tại dinh Thống Nhất thì liệu ông còn toàn mạng để online facebook?

Thậm chí, nhiều blogger còn cho rằng, ông Hùng Cửu Long có vấn đề về nhận thức, bởi làm sao có thể mặc một màu cờ đại diện cho sự chia rẽ và nỗi đau quá khứ để kêu gọi sự đoàn kết (?).

Tài khoản Loc Nguyen phản hồi ngay tại trang của ông Cửu Long, lý giải sự phản ứng tiêu cực của người Việt tại đây – khẳng định: Đừng khích động và khơi dậy nỗi đau của người khác , nỗi căm hận phải bỏ nước ra đi khi nhà tan cửa nát chồng cha đi tù cải tạo , mẹ chị phải vùng kinh tế mới con mất cha vợ mất chồng nhà cửa của cải tài sản bị tịch thu , không còn đường sống bỏ nước ra đi bất kể sống chết trên biển hay rừng sâu nước độc để đến được bến bờ tự do”.

Trên tài khoản facebook cá nhân, người dung Bùi An cho rằng, sự tự do mà nhiều người nhân danh để bảo vệ ông Hùng Cửu Long là tự do tuyệt đối. Liệu người Do Thái có bình tĩnh khi có người mang cờ Quốc Xã đi lại trong khu của mình, hay người Hồi giáo sẽ cười hiền từ khi có kẻ ăn thịt heo trong thánh đường của họ.

“Điều đó là sự hoang đường,” facebooker Bùi An nhấn mạnh. Sự hoang đường đó cũng giống như ông Hùng Cửu Long đòi hòa giải dân tộc.

Blogger này cho biết thêm, cờ đỏ và cờ vàng chỉ có thể ở cạnh nhau một lần duy nhất, trong bộ phim X-Men: The Days of Furture Past ấy, nhớ lấy, bớt mơ hoang.


Hoang đường có thật

Một sự kiện lá cờ, bùng nổ một câu hỏi to tướng, là đến bao giờ hai lá cờ vàng thực sự mới hòa hợp. Hay sự hòa hợp chỉ diễn ra khi 2 thập niên tới, những người thuộc thế hệ chiến tranh đã trở về với lòng đất? Hay tất cả chỉ là sự hoang tưởng như blogger Bui An nhận định?

Không khó để nhận ra, những năm gần đây có chút chuyển biến liên quan đến sự hòa giải của nhà nước Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Cụ thể, ông đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn đã có “lời nhắn” hẹn gặp mặt với ông Ngô Kỷ (nhân vật chất Cộng số 1 tại quận Cam, và là người cầm lá cờ Hoa Kỳ – VNCH trong video clip của ông Hùng Cửu Long). Động thái này được đánh giá là tích cực, lần đầu tiên, một nhân vật cấp cao trong chính quyền muốn đối thoại với một cá nhân chống Cộng.

Tiếp đó, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã trở về để phục vụ đồng bào, trong đó có cả nhiều nghệ sĩ từng hát trong trung tâm băng nhạc Asia (một trung tâm văn nghệ của cộng đồng cờ vàng), như Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền, Bằng Kiều trở về nước biểu diễn, gần đây nhất là nghệ sĩ Ngọc Huyền, Như Quỳnh về nước.



Văn hóa và những cuộc đối thoại nhỏ, cùng với sự giãn ra của thời gian đã tạo điều kiện đệm nhất định để kéo người Việt trở lại với nhau.

Cờ vàng, cờ đỏ là những niềm ý thức hệ, nó không chỉ xuất hiện trong bộ phim viễn tưởng X-Men: The Days of Furture Past, mà còn diễn ra ngay trong thực tế. Tại cuộc biểu tình trước LSQ Trung Quốc tại Hamburg-CHLB Đức vào tháng 7 năm 2011.

Blogger Huy Đức khi đó đã nhận định, đó là sự tôn trọng khác biệt, ông cho biết:

“Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận.”

Tất nhiên, sự đa dạng được thừa nhận cũng cần được gióng lên bởi một tâm thế cao hơn, cao hơn cả ý thức hệ. như cách mà cờ vàng – cờ đỏ đứng cùng nhau khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Nó phải được thực hiện bởi những người có tâm, và rằng, dám mạnh mẽ thừa nhận sự đa dạng đó khi cộng đồng nhìn một người mặc áo đỏ tại khu Phước Lộc Thọ tại Hoa Kỳ, cũng như một người mặc áo cờ vàng tại dinh Thống Nhất. Chỉ khi đó thì chúng ta mới trả lời được câu hỏi mà blogger Trần Cường đặt ra: “Người ta có thể mặc áo in cờ Hoa Kỳ tại lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tại sao không thể mặc áo in cờ Việt Nam tại Hoa Kỳ?”

Tin bài liên quan:

VNTB- Đằng sau đề xuất bắt buộc hiến máu là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Di sản trăm ngàn tỷ: Kẻ mù người gánh

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự nổi loạn trong báo chí cách mạng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo