Phương Thảo
Cháy rừng thông bên đèo Mimosa, Đà Lạt
(VNTB) – Với lối tư duy phá vỡ cảnh quan thành phố ngay từ trong trung tâm thì cái Dalat rộng gấp 9 lần ấy trông sẽ ra sao? Chúng tôi lại mang theo một đau trong lòng khi rời thành phố sương mù về một Dalat đã dần mất đi hết nét duyên xưa.
Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi quay trở lại Dalat trong tiết trời lành lạnh. Chúng tôi chọn đi bằng máy bay vì ngán những chuyến xe đò dài xấp xỉ mười tiếng đồng hồ. Thật ra giá vé máy bay của một hãng giá rẻ như Vietjetair đắt gấp đôi một vé xe giường nằm của hãng xe Thành Bưởi hay Phương Trang, nhưng bù lại chúng tôi không bị mất nhiều thời gian.
Sau ba mươi phút máy bay đã đáp xuống san bay Liên Khương. Xuống tới mặt đất, chúng tôi được yêu cầu lên xe ngồi để được chở đến nhà chờ lấy hành lý. Chuyện rất bình thường khi bạn phải lên xe để được chở đi ở sân bay, nhưng chuyện không bình thường là chúng tôi phải ngồi chờ mười phút cho xe đầy người trước khi xe chuyển bánh. Trong khi đó, nếu được phép đi bộ, thì chúng tôi chỉ cần có 50 bước chân là đã đặt chân đến nhà chờ.
Dalat giờ đây nhiều xe hơi đến không ngờ. Suốt quãng đường từ sân bay lên đến thành phố sương mù có rất nhiều xe hơi mang biển số tư nhân chạy vun vút. Hoa quỳ vàng nở rộ bên đường xe lẫn với nhiều loại cây và hoa lạ khác in đậm trên nền trời xanh. Chúng tôi cảm thấy thấy nhẹ nhàng khi thoát ra khỏi cái nóng nực, bức bí của Sài Gòn để được hít thở không khí trong lành và mát mẻ. Vâng, chúng tôi lại được về nhà.
Những hàng thông nối tiếp lùi dần lại phía sau, và chúng tôi đã đặt chân đến Dalat. Xe cộ đan xen nhau, ai cũng hối hả trong những ngày cuối năm. Kia rồi Hồ Xuân Hương, Thủy Tạ, rồi Thanh Thủy với mái nhà màu tím. Cho đến tận bây giờ, qua nhiều năm làm quen với cái màu tím ấy tôi vẫn không hiểu vì lý do gì họ lại chọn màu tím làm mái nhà cho cái quán bên hồ ấy. Những ngôi nhà cao tầng đủ màu sắc trên đồi phía rạp cine Ngọc Lan in hình xuống mặt hồ làm cho tôi có cảm giác mình đang nhìn thấy một Cinque Terre ngay trung tâm thành phố.
Ai sẽ cho tôi một vé đi về tuổi thơ?
Qua cầu ông Đạo, hiện lên sừng sững phía bên tay trái là ba dãy nhà xám trắng cao vượt hẳn lên trên. Đồi thông, hay những dãy núi xa xa dường như đã biến mất hoàn toàn. Tôi thắc mắc hỏi thăm anh tài xế mới biết được đó là tòa nhà hành chính tỉnh mới đươc xây xong với số tiền đầu tư lên đến hơn một ngàn tỷ đồng. Ba tòa nhà cao 11 tầng xấu xí nằm trên đồi cao vốn là nhà thiếu nhi thành phố trước đây. Lòng tôi bỗng nhói lên, ai sẽ cho tôi một vé đi về tuổi thơ, nơi trước đây chúng tôi đã lăn lê bò toài, chạy nhảy, la hét, vẽ vời, nhảy nhót? Tôi vẫn nhớ như in ba căn biệt thự nửa trồi lên cao nửa ẩn mình trong thảm cỏ xanh với các khung cửa kính lớn trong suốt, bao quanh là những cây thông già và vườn hoa nhỏ nhỏ.
Những ngày ở Dalat, chúng tôi bỏ nhiều thời gian đi bộ thăm thú mọi nơi. Dường như người Dalat không còn có cái thú đi bộ nữa, trừ những người đi tập thể dục buổi sáng sớm hay chiều tối. Dalat quá đông đúc xe cộ, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông làm cho chúng tôi muốn phát rồ khi đi dạo quanh bờ hồ Xuân Hương. Những con đường lớn nhỏ dường như không còn một căn nhà nào đóng cửa im ỉm. Tất cả nhà mặt tiền đều là những cái cửa hàng bày bán đủ mọi thứ trên đời, từ quần áo, giày dép đến đồ dùng điện tử.
Đi dạo quanh đồi Cù hay sân golf giờ đây có lẽ cũng không mấy ai làm, trừ du khách. Lề đường đi bộ mấp mô dù đã có trải bê tông. Các nắp cống bị bể từ mấy năm nay vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng. Đồi Cù vắng vẻ, nắng chiều vàng ươm xuyên qua những cành thông với mặt hồ tĩnh lặng. Tôi lại phát hiện người ta đã thả rất nhiều hoa súng trong những cái hồ nhỏ ở sân golf, không biết có phải để làm cho sân Golf bớt đơn điệu hay không, nhưng tôi có cảm giác Dalat lại lần nữa khoác lên một cái áo bông chắp vá. Tôi lại nhớ đồi Cù lãng mạn khi xưa lúc chúng tôi còn được phép lên đó cắm trại hay là nơi hẹn hò cho các đôi lứa yêu nhau.
Chủ nghĩa tiêu thụ
Không có gì bàn cãi hơn là đời sống người dân có vẻ đã được nâng lên cao. Bằng chứng là lượng xe hơi tư nhân lưu thông trên đường phố, hay số người đi mua sắm ở siêu thị Big C. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì thấy có khá nhiều người dân tộc đi mua sắm ở siêu thị. Họ ra vô nườm nượp và khi đi về anh cũng mang theo túi lớn túi nhỏ, có lẽ họ đang đi mua sắm cho mùa Noel. Có người cho tôi hay, người dân tộc giờ nhiều người rất giàu nhờ trồng trọt. Bất cứ ai có nhiều đất trồng hoa sẽ có được thu nhập kha khá. Cứ thử làm một phép tính nhẩm thôi, một bông hoa cẩm chướng bán cho Hasfarm – công ty kinh doanh hoa Hòa Lan – có giá 1800 đồng; mỗi lần họ cắt 6 ngàn bông, thì thu nhập một lần là hơn mười triệu, cứ mỗi hai ngày cắt hoa một lần. Thu nhập một tháng lên hơn trăm triệu. Người nào đất càng nhiều, thu nhập càng cao. Tuy nhiên họ cũng phải đầu tư khá lớn để có được các nhà kính trồng hoa cho đủ tiêu chuẩn.
Chúng tôi lấy làm mừng vì đời sống người dân được nâng lên, nhà cao tầng, nhà xây mọc lên khắp nơi. Nhưng nhìn quanh tôi lại cảm thấy quá ngột ngạt. Những vườn rau xanh mướt đã biến mất, nhường chỗ cho các nhà trồng hoa màu màu trắng đục. Ở những nơi trước đây là chân núi, cũng chỉ thấy màu trắng của các tấm nilon chen chúc với đủ kiểu nhà cửa lô xô và kiểu dáng tùy tiện. Nhà mới nhà đẹp nhiều cũng đồng nghĩa với các vườn rau xanh bị thu hẹp và tầm nhìn bị che chắn. Khu đồi trước đây được gọi là Minh Hòa của các cha ngày xưa cũng toàn nhà biệt thự chen chúc nhau.
Thành phố Dalat cũng đã có những nỗ lực nhất định khi mang cây xanh trồng quanh thành phố, thế nhưng dường như họ lại không tính đến lúc cây to cao lên hơn thì hệ lụy tiếp theo là những vệ đường bị bể nát. Các rễ cây trồi lên cao không những làm ngăn cản người đi bộ, mà còn phá vỡ luôn các lề gạch lát đường bao quanh. Một gốc cây nhỏ khi trồng chỉ được “cấp” cho một diện tích chừng 40×40 giờ chỉ đủ chỗ cho đúng cái gốc cây đã lớn. Tán cây vươn cao, che mất tầm nhìn và tôi lại thắc mắc không biết họ sẽ làm thế nào để bảo trì các đường dây điện đan xen với những tán cây.
Chợ đêm Dalat đông đúc người qua lại. Chúng tôi lại bắt gặp những người mời chào mua các loại đồ chơi nhấp nháy đèn khi được thả lên trời cao như khi đang đi dạo ở đồi Monmart Paris hay ở Rome. Hoa vẫn rẻ khi so với giá Âu Mỹ, chỉ có giá thực phẩm lại quá cao mà chất lượng không biết sẽ được kiểm định như thế nào. Chúng tôi động lòng mua giúp một bà cụ mấy ký rau vì thấy bà co ro trong gió lạnh. Hôm sau mới vỡ lẽ ra rằng chúng tôi đã phải trả giá cao gấp hai lần cho mớ rau đó.
Cái áo vá chằng vá đụp
Taxi ở Dalat giờ nhiều hơn và không phải đợi lâu nữa. Tuy nhiên trong những ngày ở Dalat chúng tôi chỉ sử dụng có hai lần để lên xuống sân bay, còn lại thì đi bộ hoặc đi xe buýt. Một cuốc xe buýt chỉ có giá năm hay sáu ngàn đồng dù có phải chờ hơi lâu một chút. Người sử dụng xe công cộng này cũng chỉ là những người lớn tuổi mà không thấy có sinh viên học sinh.
Nhờ giá xăng rẻ mà chúng tôi chỉ phải trả 150 ngàn cho một cuốc xe từ Dalat đi sân bay. Anh lái xe nói, thanh niên ở Dalat nếu không có tiền mua đất làm vườn thì chỉ biết chạy taxi vì không có một khu công nghiệp nào để tạo ra công ăn việc làm cho những người trong độ tuổi lao động. Tôi lại nghe nói Dalat sẽ được mở rộng ra chín lần so với hiện tại và số dân cư sẽ tăng lên đến hơn 700 ngàn người. Mục đích mở rộng là để “ xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế”.
Chúng tôi lại chợt lo. Dalat hiện giờ đã phải khoác một cái áo vá chằng vá đụp. Các khu biệt thự kiểu Pháp độc đáo lần lượt được đập phá để thay thế bằng những kiến trúc mới và hiện đại như ở các tỉnh thành khác thì có khác gì IS đang đập phá các hiện vật cổ trong các bảo tàng ở Trung Đông. Và với lối tư duy trồng cây xanh, phá vỡ cảnh quan thành phố ngay từ trong trung tâm thì cái Dalat rộng gấp 9 lần ấy sẽ ra trông ra sao? Chúng tôi lại mang theo một đau trong lòng khi rời thành phố sương mù về một Dalat đã dần mất đi hết nét duyên xưa.