Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đại hội 12: Không còn ‘độc diễn’ mà sẽ ‘bầu có số dư”?

Thường Sơn (VNTB) – Ngay sau Hội nghị trung ương 14, đã xuất hiện dư luận trong một số cán bộ đảng viên về vai trò “độc diễn” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Dư luận này cũng cho rằng Quyết định 244 của Bộ chính trị (ban hành năm 2014) về thực chất đã hạn chế đến mức tối thiểu vai trò đề cử, ứng cử và nhận đề cử của Ban chấp hành trung ương, mà tập trung quá nhiều quyền lực “định hướng nhân sự” vào tay Bộ chính trị.

4 ngày trước khi đại hội 12 chính thức khai mạc, ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) đã nêu một đánh giá mới: 

“Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ T.Ư giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư”.

Nếu tình hình diễn biến đúng như đánh giá trên, không khí tại đại hội 12 có vẻ sẽ “dễ thở” hơn đối với Ban chấp hành trung ương. Ít nhất, Ban chấp hành trung ương sẽ không tồn tại để “làm vì” và chỉ biết gật, mà có thể đề cử thêm một số ứng cử viên để giảm bớt hình ảnh “độc diễn” của khung nhân sự “tứ trụ” do “tập thể bộ chính trị” giới thiệu.


———————————-


Văn Kiên (Tiền Phong)


Theo ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư), việc Hội nghị T.Ư 14 biểu quyết thông qua nhân sự với số phiếu rất tập trung là do được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, dân chủ. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng là thuộc về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chứ không phải cứ T.Ư giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư.

Bỏ phiếu kín trước các vấn đề khác nhau               

Tại Hội nghị 14, T.Ư đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung. Ông nhìn nhận đánh giá thế nào về kết quả trên?

Không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng - ảnh 1
                                                      Ông Nguyễn Đức Hà. Ảnh: Văn Kiên

Đúng là sau Hội nghị T.Ư 14 thì tất cả các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đều cơ bản đã hoàn tất. Có được kết quả trên do T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị các nội dung cho Đại hội một cách chủ động, chặt chẽ, thận trọng, bài bản, từng bước một và hết sức dân chủ. Ngay từ Hội nghị T.Ư 6 (năm 2012), T.Ư đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016- 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc thông qua được quy hoạch trên là cơ sở, là nền tảng để các Hội nghị T.Ư tiếp theo bàn và quyết định nhân sự. 


“Những năm qua T.Ư, Bộ Chính trị rất quan tâm đến cán bộ trẻ. Theo đó, mục tiêu đề ra trong Đại hội XII là phấn đấu 4- 6% cán bộ trẻ, tức là những người dưới 40 tuổi tham gia vào Ban Chấp hành T.Ư. Nếu đạt được con số trên thì tỷ lệ cán bộ trẻ nhiệm kỳ khóa XII sẽ gấp đôi nhiệm kỳ XI”.
Ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư), thành viên tổ giúp việc
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết T.Ư 4


Trải qua các Hội nghị, vấn đề nhân sự luôn được đưa ra thảo luận, xem xét, thông qua phương hướng nhân sự BCH T.Ư khóa XII, rất chi tiết, cụ thể như: Tiêu chuẩn Ủy viên T.Ư chính thức, Ủy viên T.Ư dự khuyết ra sao… Rồi tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tiêu chuẩn ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước… Tất cả những vấn đề gì khi T.Ư bàn, thảo luận còn ý kiến khác nhau thì đều biểu quyết bằng phiếu. Đến T.Ư 13 lại bỏ phiếu giới thiệu các đồng chí Ủy viên T.Ư đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử khóa XII. Rồi T.Ư xác định những trường hợp nào là trường hợp “đặc biệt”… Cuối cùng đến Hội nghị 14 T.Ư đã bỏ phiếu giới thiệu các đồng chí có thể giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với số phiếu rất tập trung.

Không chỉ chủ động, làm sớm, việc chuẩn bị nhân sự còn được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bài bản, cứ từng bước, từng bước một. Những vấn đề có ý kiến khác nhau đều dân chủ bằng cách bỏ phiếu kín để công tâm, khách quan, dân chủ. Chính sự dân chủ dẫn đến bỏ phiếu tập trung rất cao.

Những nhân sự được biểu quyết tại Hội nghị T.Ư 14 này tới đây sẽ được xem xét như thế nào tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thưa ông?

Vừa rồi T.Ư mới chỉ quyết định giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện ứng cử, tức là có danh sách đề cử ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ T.Ư giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư.

Dân chủ càng rộng, tập trung càng cao

Tại Hội nghị 14, T.Ư cũng xem xét nhân sự là trường hợp “đặc biệt”. Những trường hợp “đặc biệt” đó là như thế nào, thưa ông?

Những trường hợp “đặc biệt” có nghĩa là ít, không nhiều. Việc xem xét trường hợp “đặc biệt” rất kỹ lưỡng, từ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, uy tín, trung tâm đoàn kết… và cả ý Đảng, lòng dân ra sao. Những trường hợp “đặc biệt” thuộc nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư được xem xét kỹ hơn những trường hợp Ủy viên T.Ư “đặc biệt” tái cử. Do yêu cầu của công việc nên việc xem xét các trường hợp “đặc biệt” là cần thiết để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị 14, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phát huy tinh thần của hội nghị vào Đại hội toàn quốc lần thứ XII. Theo ông những tinh thần đó là gì?

Không khí của Hội nghị 14 là rất dân chủ mà cũng rất tập trung. Có vấn đề gì thì đều thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng để lúc bỏ phiếu được tập trung cao. Phiếu tập trung cao tức là T.Ư rất thống nhất nhận thức, hành động nhìn nhận con người. Muốn được như thế tức là phải thảo luận rất kỹ, nâng lên đặt xuống, xem xét nhiều mặt. Đưa không khí, tinh thần đó vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng là mong muốn Đại hội sẽ diễn ra dân chủ và tập trung.

Với tinh thần chuẩn bị chu đáo, thống nhất cao trong T.Ư thì Đại hội 12 tới đây chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp, bầu ra những người xứng đáng lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ tới.

Văn Kiên

(Tiền Phong)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.