Xuân Mai (VNTB) Đài Loan là một quốc đảo có quan hệ mật thiết với Việt Nam. Nền dân chủ non trẻ của nước này đang bước sang một chương mới, thời kỳ của một Thái Anh Văn nói là làm. Nền dân chủ Đài Loan, qua mấy đời tổng thống gần đây , đã tạo tiền đề cho tự do tôn giáo và tự do tư tưởng. Bất kỳ ai từng đặt chân tới tham quan Đài Bắc đều cảm nhận được không khí tự do tôn giáo ở đất nước này.
Tổng quan về các tôn giáo ở Đài Loan.
Trang Bách khoa mở Wikipedia trích dẫn công trình của một số học giả khi làm biên khảo về tôn giáo nước này như sau: Trên 93% dân số Đài Loan trung thành với một sự kết hợp đa thần giáo gồm tôn giáo cổ Trung Hoa, Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo; 3,9% dân số theo Công giáo Rôma (2,6% Kháng Cách và 1,3% Công giáo) và dưới 2,5% theo các tôn giáo khác, như Hồi giáo. Đa số Thổ dân Đài Loan theo Công giáo với 64% số người theo tôn giáo này.
Một điều dễ nhận thấy, rằng ở Đài Loan, rất nhiều người dân đến các cơ sở thờ tự tôn giáo, cho dù đó không phải là tôn giáo bố mẹ người đó ghi trong thẻ căn cước (chứng minh thư). Trong một xứ mà mặt bằng dân trí thuộc loại cao nhất ở châu Á, người dân đều khá là tự do lựa chọn tôn giáo cho mình. Khái niệm Tam giáo đồng nguyên để chỉ một trạng thái của xã hội mà dân cư tin vào những tư tưởng chủ yếu trong giáo lý Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo. Con số 93% tin vào sự kết hợp đa thần đã phần nào nói lên tinh thần tự do và bao dung trong niềm tin của người dân.
Đừng nhầm lẫn rằng tư tưởng Tam giáo đồng nguyên có ở Trung Quốc trước tiên. Kết quả nghiên cứu thư tịch cổ đã được công nhận chứng tỏ rằng Tam giáo đồng nguyên có ở miền Bắc Việt Nam trước Trung Quốc. Cũng có những giả thuyết đang chờ kiểm chứng cho rằng sự dung hòa giữa các tôn giáo đó cũng có tại Đài Loan sớm hơn, và giả thuyết đó có thể hợp lý vì Đài Loan có vị trí cực kỳ thuận lợi cho giao lưu với các nền văn hóa.
Chính phủ đối với tôn giáo
Ở Đài Loan có một giao ước bất thành văn: nhà trường không được ép buộc học sinh tung hô hình ảnh lãnh tụ đảng phái hay thánh nhân của các tôn giáo trong lớp học. Trẻ em được tạo điều kiện để tự do phát triển một cách khách quan. Nạn tôn thờ ngẫu tượng hay sùng bái cá nhân là điều chưa hề có ở Đài Loan. Đây thực sự là một đất nước trung lập về nhiều phương diện.
Trong tâm thức người dân Đài Loan, nhà thờ nên gọi đúng hơn là giáo đường, vì họ coi các thầy tu là thầy dạy của cuộc sống. Nhiều tôn giáo là vậy, nhưng người ta nói rằng ở Đài Loan có không có thánh địa. Ở thủ đô Đài Bắc có một điều đặc biệt, đó là đa số những nhà chùa hay nhà thờ mới xây đều đặt ở trong khu dân cư. Nghĩa là, nhu cầu về tâm linh không yêu cầu di chuyển xa để đến cơ sở thờ tự. Đất đai được tận dụng để tránh lãng phí. Đây lại là một hiệp ước bất thành văn giữa chính phủ đối thoại và các chức sắc tôn giáo nước này. Các đời tổng thống Đài Loan khéo léo dàn trải mật độ dân số để sau đó không cần phải thiên vị một giáo hội nào và không cần chèn ép một giáo hội nào trong chính sách quản lý.
Một điều nữa, chúng tôi chỉ mới thấy ở Đài Loan mà Việt Nam không có. Đó là các trường dòng, các trại trẻ mồ côi của các giáo hội ở Đài Loan rất rộng và được đầu tư rất nhiều. Khi mà trường công ở Đài Loan “ưu tiên” nhận hồ sơ của con cháu quan chức thì trường dòng đã giúp đất nước tái phân phối của cải xã hội .
Các tổng thống ở Đài Loan cũng luôn biết cách lấy lòng giáo dân. Vào các ngày lễ của các tôn giáo, chẳng hạn lễ Phật đản của Phật giáo hay lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo, mọi nhà máy ở Đài Loan đều thưa thớt người. Tất cả những công nhân có tôn giáo đều được nghỉ có lương, không chỉ trong một ngày lễ mà cả một ngày liền trước ngày đó nữa. Đó là một biểu hiện của tôn trọng tự do tôn giáo.
Nhìn về Việt Nam
Ngày hôm nay, những người con Việt Nam đi xa trở về đều không khỏi chạnh lòng khi thấy đất nước điêu tàn. Nhân dân bị cầm tù về tư tưởng, què quặt về niềm tin, đạo đức xã hội thì xuống cấp trầm trọng. Những ai hay tự phản tư chắc sẽ đều băn khoăn về tình trạng đó.
Nguyên nhân một phần có lẽ nằm ở cách tiếp cận vấn đề tôn giáo của nhà nước. Trong lịch sử hiện đại, cách đây hơn nửa thể kỷ ở Việt Nam có vô số chùa chiền và đình làng trên cả nước bị đập phá để dọn đường cho nhà nước trung ương tập quyền. Một minh chứng không thể chối cãi, đó là nhà nước Việt Nam ghi trong giáo trình giáo dục quốc phòng bậc đại học rằng “Tôn giáo là thuốc phiện”. Đất nước cộng sản anh em bên cạnh Việt Nam là Trung Quốc cũng nổi tiếng áp bức tự do tôn giáo, vì cương lĩnh của họ đóng kín cánh cửa với thế giới quan tâm linh. Bắc Kinh bắt bớ linh mục tuân phục giáo hoàng trên toàn cõi Trung Quốc và lập ra giáo hội Công giáo giả ( một thứ giáo hội nhái do quyền lực thế tục cai trị, bất tuân giáo hoàng- người đứng đầu giáo hội hoàn vũ có tổng hành dinh ở Vatican). Vatican đã phái các linh mục dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam sống như thường dân để có thể tiếp cận được với giáo dân ở Trung Quốc đại lục. Chế độ độc đảng ở hai nước Việt Nam và Trung Quốc không nhận thức được rằng một xã hội hữu thần ổn định hơn rất nhiều so với một xã hội vô thần hoặc hữu thần “nửa mùa”.
Đến khi nào thì nhà cầm quyền Hà Nội mới thi hành các quyền tự do tôn giáo? Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin cho. Ở một nơi hiếm hoi ở Việt Nam, bạn đọc có thể mục sở thị công ty Toyota Biên Hòa – Đồng Nai. Đến các ngày lễ trọng đại, công ty này vắng tanh, vì hầu hết những công nhân theo đạo Công giáo đều được nghỉ trong ngày thiêng liêng của mình. Các công nhân đã đấu tranh và đã giành được quyền lợi.
Cũng chỉ từ một hạt mầm nhỏ bé mà thôi nhưng rồi sẽ có một cây cổ thụ nghìn năm. Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường.