Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dân chủ kiểu Mỹ hao tiền bạc quá!

Năm Sài Gòn

(VNTB) – Dân tình Sài Gòn hình như đang vừa một mắt mưu sinh, còn con mắt kia thì theo dõi coi ông Trump có ngồi lại ghế xếp sòng nước Mỹ không?

“Có vẻ hao tiền của quá. Giàu có thì càng phải biết tằn tiện chứ. Mặc dù vận động tranh cử là vốn liếng riêng của từng đảng phái chính trị, song dịch bệnh Covid mà vẫn dân chủ kiểu Mỹ, rủi ro lắm!” – một bác tài ‘xe ôm truyền thống’, đón khách ở điểm chung cư Nguyễn Kim, gần chợ điện tử Nhựt Tảo, Sài Gòn, nói.

Một bác tài khác khoác áo ‘xe công nghệ’, góp chuyện mà ngón tay trỏ thì cứ quẹt quẹt cái xì-mắc-phôn để cập nhật số điểm đang kiểm phiếu về hai ứng viên Trump và Biden – người có đến 8 năm là phó tướng cho Obama: “Đúng là tốn tiền thiệt, nhưng sàn đấu khốc liệt nên giá vé có mắc chút đỉnh cũng được mà. Chứ toàn kiểu đá gà chết, chưa bầu cử đã biết chắc trúng cử cả trăm phần trăm luôn, thì chán chết. Mà nói nào ngay, cứ cho tôi cái quyền được nói, quyền được bầu và quyền được lá phiếu trung thực…, giá nào tôi cũng chịu.

Chứ ai đời sống đến từng tuổi này, tôi chỉ nghe kể thời ông Diệm, ông Thiệu tranh cử gay gắt lắm, dân chúng tha hồ chọn lựa ai sẽ là dân biểu… Xe ôm truyền thống còn qua được “xe ôm công nghệ”, thì sao lại chịu cảnh người ta cứ mãi bầu dùm mình…”.

Ở quán cà phê vợt nằm trong chợ Thiếc, quận 11, câu chuyện về bầu cử bên Huê Kỳ cũng xôm tụ, khiến người ta tạm thời ‘quên’ việc miền Trung tai ương vì thủy điện ‘nhân tai’. Quán này đa phần khách là người từ trung niên trở lên, và không ít là dân “Ba Tàu”.

“Ngộ mong ông Trump ngồi tiếp giống như ông Tập Cận Bình là Hoàng đế vậy đó. Ông cha ngộ cũng giống mấy nị Bắc kỳ 54, đã phải chạy từ bên Tàu qua đây, nên giờ ai ủng hộ Đài Loan độc lập là ngộ bỏ lá phiếu cho nị ấy à. Mà mơ làm chi, nghe nói ở Việt Nam mình mọi chuyện có ông nhà nước lo hết rồi!” – một khách ‘cà phê vợt’, mộc mạc nói.

“Cái gì mà nói kiểu Mỹ thì đều tốn tiền. Ly cà phê Starbucks cũng mắc hơn ly bạc xỉu nhiều, mà chắc gì ngon hơn? Thế nhưng đúng là nếu tiền bạc có mắc đến đâu mà người dân có được lá phiếu bầu cử tự do hệt như người Mỹ, tôi cũng không tiếc!” – ông khách ‘áo cổ cồn’, tự giới thiệu là thương gia, xác nhận.

Theo hồi ức của ông khách ‘áo cổ cồn’, thì thân phụ của ông có kể về chuyện bầu cử trào ông Thiệu, đại khái vầy: Đối với ngành hành pháp thì cử tri được phát một phong bì và 11 lá phiếu. Mỗi lá phiếu có huy hiệu của liên danh và hình của ứng cử viên.

Khi vào bầu nơi quây màn kín thì cử tri chọn lấy một lá phiếu với hình ảnh của liên danh mình muốn bầu, bỏ vào phong bì, dán kín, rồi đút vào thùng phiếu. Những lá phiếu còn lại phải xé đôi rồi bỏ vào một thùng khác.

Đối với Thượng viện thì cử tri được phát một phong bì và 48 lá phiếu. Cử tri chọn lấy sáu lá phiếu với hình ảnh của liên danh mình muốn bầu, bỏ vào phong bì, niêm kín, rồi đút vào thùng phiếu. Cũng như trường hợp bầu tổng thống, những lá phiếu còn lại phải xé đôi rồi bỏ vào một thùng khác.

“Về sau này, khi học trên giảng đường đại học, tôi được nghe kể thêm là thời đó ở Sài Gòn có hàng ngàn sinh viên các trường đại học bỏ thi, xuống đường biểu tình, mít tinh, hội thảo đòi “Người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam”, tố cáo Mỹ sắp đặt sẵn cuộc bầu cử ngày 03/09/1967, và rằng “Với âm mưu khoác áo dân chủ để hợp thức hóa một thế lực thống trị không có căn bản pháp lý, cuộc bầu cử ngày 03/09/1967 chỉ là một trò gian lận nhằm xâm phạm chủ quyền dân tộc Việt Nam”…

Sinh viên các viện đại học Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Đà Lạt tổ chức Đại hội Liên Viện xác định lập trường tẩy chay cuộc bầu cử, đòi Mỹ rút hết quân ra khỏi miền Nam,…

Khi ra đời làm ăn, tôi hiểu sở dĩ có những sự việc như trên, là vì miền Nam thực sự có tranh cử, và lá phiếu của dân chúng có quyền lực thực sự. Dĩ nhiên trong thời chiến tranh thì chả trách lợi dụng dân chủ để phe nhóm phía bên kia tận dụng chuyện xuống đường này nọ để phá hoại.

Tôi nghĩ nếu chế độ ông Thiệu cũng dùng chính sách bàn tay sắt như ông Trọng hôm nay, chắc mọi việc sẽ khác đi rồi. Âu đó cũng là cái giá của tự do!” – vị thương gia ‘áo cổ cồn’ nhỏ giọng nói với đầy vẻ ngậm ngùi.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bầu cử hay khủng hoảng dân chủ ở Mỹ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Các nhà lãnh đạo độc đoán hưởng lợi gì từ bầu cử Mỹ 2020?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: độc tài mềm (Bài 9)*

Phan Thanh Hung

1 comment

Hieu Vu 05.11.2020 9:40 at 09:40

Lịch sử cho thấy dân tộc VN không ngóc đầu lên được vì tất cả nhân tài, những người yêu nước đều bị hảm hại : Chu văn An, Nguyễn Trãi, Ngô dình Diệm, Võ văn Kiệt….

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo