Huỳnh Liên
(VNTB) – Ngay cả trong nội bộ Đảng còn chưa dân chủ, huống hồ ‘dân đen’.
Đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam là một lựa chọn rủi ro đầy nguy hiểm. Không ít lần những cái nhãn “hy sinh” hay “anh hùng” được gắn lên những người lựa chọn con đường này. Nhưng họ chẳng phải anh hùng gì cả. Họ làm vì không có ai khác làm. Họ phải mạo hiểm vì quá nhiều người khác ngồi yên.
Ý kiến trên dường như khá phổ quát để nói về những người đang trong vòng tù tội như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Minh Đức, Phạm Đoan Trang…
Còn theo cách nói quen thuộc của những người nhân danh Tuyên giáo Đảng, thì “dân chủ là khát vọng sâu xa, cũng là thành tựu của cuộc đấu tranh lâu dài của các dân tộc và của loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đã để lại cho Đảng, đất nước ta di sản tư tưởng quý báu với nhiều nội dung cốt lõi và sinh động, trong đó có vấn đề dân chủ”.
Vẫn cách lập luận của Tuyên giáo Đảng với những mẫu câu trích dẫn từ bộ sách đồ sộ “Hồ Chí Minh, Toàn tập, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội”, thì tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”;
“Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”;
“Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.
Như vậy, thoạt nhìn với cách biện giải ở trên của Tuyên giáo Đảng thì quả thật dân chủ luôn cần đến sự đấu tranh để mà có, bởi “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân”.
Thế nhưng khi ‘dân chúng’ lên tiếng phản đối, hay góp điều gì đó có vẻ trái tai các vị chức sắc của Đảng thì gần như những ‘dân chúng’ ấy bị chụp ngay chiếc mũ ‘phản động’ nếu ‘không là đảng viên’. Còn với đảng viên thì đó là ‘tự diễn biến’ – ‘tự chuyển hóa’. Cái kết chung là án tù tội của chuyện dám nghi ngờ vào khả năng lãnh đạo của Đảng.
Cá nhân tôi cho rằng ‘dân chúng’ bị bắt bỏ tù ở đây không lạ, vì ngay cả trong nội bộ Đảng còn chưa dân chủ, huống hồ ‘dân đen’.
Mặc dù Đảng đã có Điều lệ, song trong đó không bao quát hết các nội dung dân chủ trong Đảng. Cũng có ý kiến cho rằng đã có Quy chế dân chủ cơ sở được áp dụng trong xã hội thì không cần phải có quy chế dân chủ riêng trong Đảng.
Tuy nhiên, ngoài tư cách công dân, đảng viên của Đảng còn có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người đảng viên. Hơn nữa, là lực lượng chính trị tiên phong, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo tổ chức thực hiện dân chủ trong hoạt động của Nhà nước và trong toàn xã hội, Đảng phải đi đầu, phải nêu gương về thực hiện dân chủ trong nội bộ tổ chức và hoạt động của Đảng.
Vì vậy, cần xây dựng Quy chế dân chủ trong Đảng, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm dân chủ trong Đảng và trong xã hội, như cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng; thể chế hóa quyền và trách nhiệm của Đảng trong xã hội; thể chế hóa quan hệ giữa Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị…
Và chỉ khi như vậy thì người dân mới có thể mạnh miệng chỉ trích, phê phán những sai lầm của đảng viên mà không quá ngại ngần chiếc mũ ‘phản động’ rất đỗi quen thuộc suốt gần năm mươi năm qua.
1 comment
“Dân chủ là gì mà phải đấu tranh để có?”
Dân chủ quý lắm các bạn ạ . Thế hệ cha ông các bạn đã hy sinh biết bao nhiêu để giành lấy nó . Đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào mới có được dân chủ ngày hôm nay, các bạn nên quý trọng nó, đừng để nó mai một .
Cuộc đấu tranh cho dân chủ ở VN đã gây ra (quá) nhiều mất mát cho dân tộc, và thông điệp rõ ràng và đanh thép là chúng ta không & chưa bao giờ muốn loại “dân chủ” kiểu Mỹ-Ngụy, 1 thứ dân chủ tào lao . Thứ dân chủ dân tộc ta muốn là thứ dân chủ kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kính trọng những hy sinh của bộ đội Cụ Hồ, kính trọng văn hóa cách mạng, chứ không phải là thứ “dân chủ” chống Cộng tào lao của Mỹ-Ngụy